Thay vì 'run sợ', hãy nắm bắt và khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo

Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, việc đầu tư vào công nghệ đã giúp Trung Quốc, Mỹ, châu Âu được hưởng lợi lớn từ AI (trí tuệ nhân tạo). Việt Nam muốn được hưởng lợi nhiều từ AI thì không có cách nào khác phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Tăng năng suất lao động, chuyển bớt việc cho máy, nền kinh tế trí tuệ nhân tạo (AI) đang hứa hẹn mang lại một xã hội thịnh vượng và tiện lợi cho con người hơn. AI được dự đoán sẽ tạo ra hơn 15 nghìn tỷ USD, tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới hàng năm kể từ năm 2030 tới.

Tại tọa đàm “Đầu tư cho AI: Cơ hội nào cho Việt Nam?” do Tạp chí Tia sáng tổ chức chiều 7/5 tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - với nhiều năm cũng như kinh nghiệm trong đầu tư và phát triển công ty AI cho biết, AI sẽ tạo ra những cái mới và trở nên quan trọng, cái cũ sẽ dần mất vị thế. Thay vì than phiền thì chúng ta phải nhận thấy rằng trong tiến trình chuyển đổi hiện nay đâu là cơ hội và phải nắm bắt cơ hội.

Trong thời đại hiện nay, chuyển đổi là điều tất yếu dù chúng ta muốn hay không. Sẽ buộc phải chấp nhận có những công việc mới và công việc cũ mất đi. Thay vì sợ chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội do AI tạo ra. Điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ tại tọa đàm về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi đầu tư cho AI.

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ tại tọa đàm về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi đầu tư cho AI.

Hiện các trường ở Việt Nam đào tạo nhiều về AI, đây là cơ hội cho các bạn trẻ. Người Việt thông minh, có năng lực và tham vọng. Nếu doanh nghiệp (DN) muốn phát triển AI, DN phải quyết tâm và làm hợp với sức của mình, sau đó mới nâng dần lên bởi đa phần các DN của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ.

Thực tế cho thấy, Việt Nam và các nước trung bình khác, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, mới chỉ ưu tiên cho nhiều vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo. Điểm yếu của Việt Nam chính là hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.

AI hiện được xem là công cụ hữu hiệu nhân giá trị công ty. Khi công ty có một tỷ người dùng, tự khắc giá trị sẽ nhân lên tương ứng. Tuy vậy, là lĩnh vực khó nên DN cần xác định xem mình thiếu gì để tìm cách bổ sung. Làm sao phải tập hợp được mạng lưới để bù đắp những gì DN thiếu hụt. Nếu không ứng dụng AI sẽ giảm cạnh tranh so với những người khác.

Cơ hội hưởng lợi ích chỉ đến khi có đầu tư thực sự vào hệ sinh thái AI. Việc tạo dựng, tham gia mạng lưới, hệ sinh thái có AI có ý nghĩa với DN. Nếu không thể sáng lập các công ty AI thì có thể mua lại hoặc hợp tác với các công ty AI để phát triển.

"Muốn được hưởng lợi từ AI phải chi tiền đầu tư vào công nghệ. AI được dự đoán sẽ tạo ra hơn 15 nghìn tỷ USD, tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới hàng năm kể từ năm 2030. Lợi ích từ AI là rất lớn", chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng được hưởng giá trị đó như nhau. Chẳng hạn, với Trung Quốc, có tới 26% giá trị thặng dư có được do AI tạo ra. Tỷ lệ này với Mỹ là hơn 11%, châu Âu hơn 10%...

"Việc đầu tư vào công nghệ đã giúp những quốc gia này được hưởng lợi lớn từ AI. Việt Nam muốn được hưởng lợi nhiều từ AI thì không có cách nào khác phải đầu tư nhiều hơn. Có những việc mới ngày trước không tồn tại nhưng nhờ công nghệ mà có cơ hội mới. Chẳng hạn, những công ty giáo dục truyền thống nhờ chuyển hướng AI mà cũng có mô hình kinh doanh mới", Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói thêm.

Giáo sư cũng chỉ ra 12 khía cạnh của nền kinh tế AI bao gồm: quản trị, toán học, tài nguyên, hợp tác, sức khỏe, sáng tạo, dữ liệu, giáo dục, đầu tư, trí tuệ, an toàn, chuyển đổi. Trong đó, hai ngành ảnh hưởng nhiều nhất bởi AI là y tế và giáo dục.

"Trong bối cảnh có AI, đổi mới sáng tạo và thay đổi phải luôn xảy ra để thích ứng với tình hình mới", chuyên gia khuyến nghị.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/thay-vi-run-so-hay-nam-bat-va-khai-thac-tiem-nang-cua-tri-tue-nhan-tao/20230428111409716