THD và trọng số mới của HNX

Dù lên sàn chưa đầy một năm nhưng với mức tăng không ngừng nghỉ, cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings được đánh giá là một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng đến chỉ số HNX-Index sau sự ra đi của nhiều cái tên 'máu mặt'.

Năm ngoái, hàng loạt “ông lớn” trên HNX và UPCoM lần lượt “chuyển nhà” trong số đó có nhiều doanh nghiệp thuộc hàng “ngôi sao” như ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội… khiến vốn hóa và thanh khoản trên HNX có nguy cơ giảm mạnh.

Mức tăng không tưởng

Động lực tăng trưởng của HNX-Index thời gian qua, bên cạnh làn sóng trước thềm chuyển sàn của các cổ phiếu nói trên còn đến từ sự trỗi dậy của các cổ phiếu mới, trong đó có THD khi thường xuyên góp mặt trong số 10 mã cổ phiếu có tác động lớn tới chỉ số HNX-Index.Từ đầu tháng 12/2020 tới nay, chỉ số này đã tăng từ 146 điểm lên 252,37 điểm.

Tính đến phiên giao dịch ngày 1/3, cổ phiếu THD đang có mức giá 201.200 đồng/cp, chính thức gia nhập nhóm cổ phiếu đắt đỏ trên sàn HNX, chỉ đứng sau WCS của CTCP Bến xe Miền Tây với mức giá 219.000 đồng/cp.

THD chào sàn ngày 19/6/2020 với mức giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Sau khi điều chỉnh, mức giá chào sàn của THD là 3.268 đồng/cp. Ở mức giá hiện tại nếu so sánh với mức giá chào sàn điều chỉnh, THD ghi nhận một mức tăng giá không tưởng lên tới 6.050% chỉ sau chưa đầy một năm.

Dù mới chỉ lên sàn từ tháng 6/2020 nhưng THD đã trở thành một trong những cổ phiếu có sức ảnh hưởng đến HNX.

Dù mới chỉ lên sàn từ tháng 6/2020 nhưng THD đã trở thành một trong những cổ phiếu có sức ảnh hưởng đến HNX.

Hỗ trợ đà tăng của mã cổ phiếu này trong thời gian qua là thông tin kết quả kinh doanh tăng mạnh bất chấp Covid-19 và "game" tăng vốn. Cụ thể, Thaihodings đã công bố chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 6,5 lần vốn điều lệ.

Đây cũng là một trong những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh trong năm 2020. Nếu như năm 2019, Thaiholdings báo lãi sau thuế 48 tỷ đồng thì năm 2020, lãi doanh nghiệp này đột biến lên 1.091 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp gần 23 lần.

Đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh ấn tượng này là khoản lợi nhuận khác mà chủ yếu là việc bán dự án Xi măng Thạnh Mỹ với khoản thu đạt 2.650 tỷ đồng. Trong khi đó, Thaiholdings ghi nhận tổng cộng 1.538,4 tỷ đồng chi phí khác, là giá trị còn lại của các tài sản cố định và các tài sản thanh lý khác liên quan tới dự án xi măng Thạnh Mỹ.

Tạm tính, Thaiholdings đã lãi hơn 1.111,6 tỷ đồng từ thương vụ này.

Dù đã ghi nhận mức tăng rất cao nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, đà tăng này vẫn chưa thể dừng lại trong ngắn hạn bởi sau làn sóng vừa qua, Thaiholdings lại tiếp tục gây chú ý với thương vụ chuyển nhượng dự án Nhà máy Xi măng Minh Tâm - thuộc Tập đoàn Thaigroup, với mức giá chuyển nhượng được công bố trong Nghị quyết ngày 23/2 của Hội đồng quản trị công ty là "không thấp hơn 650 tỷ đồng". Thời gian chuyển nhượng dự kiến trong quý I/2021.

Còn nhiều băn khoăn

Mặc dù giá cổ phiếu tăng không ngừng nghỉ nhưng thanh khoản của cổ phiếu THD luôn ở mức khá thấp nếu so với các doanh nghiệp lớn khác trên HNX.

Khối lượng khớp lệnh trung bình của mã cổ phiếu này chỉ đạt khoảng hơn 500.000 cổ phiếu mỗi phiên. Mà thực tế mới từ phiên 10/12 vừa rồi, thanh khoản của của THD mới vươn tới quy mô trăm nghìn đơn vị. Còn hầu như suốt giai đoạn trước đó, kể từ khi lên sàn, khối lượng giao dịch của cổ phiếu THD trên HNX chỉ đạt rất hạn chế, một vài chục nghìn, thậm chí một vài nghìn, vài trăm đơn vị mỗi phiên.

Trong khi đó, ngay trong những yếu tố được cho là hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu THD là "game tăng vốn" cũng mang lại nhiều nghi vấn khi doanh nghiệp dùng gần như toàn bộ số cổ phần thu được để mua cổ phần của công ty mẹ Thaigroup.

Như Vnbusiness đã đề cập trong một bài viết khác, cuộc “đảo vai” mẹ - con giữa hai công ty có liên quan tới doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy) được ví như một thương vụ niêm yết cửa sau.

Hoạt động này thường được áp dụng khi chủ thể dự kiến niêm yết ban đầu có quá nhiều vấn đề hồ sơ tài chính, pháp lý không đáp ứng được các yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh thương vụ tăng vốn khủng, hồi cuối năm 2020, Thaiholdisng còn kêu gọi được hơn 3.160 tỷ đồng nợ vay, tăng mạnh gần 50 lần so với năm trước.

Trong đó, chiếm hơn 900 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và hỗ trợ dòng tiền nhiều nhất cho Thaiholdings là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB) với hơn 570 tỷ đồng (chi nhánh Thăng Long gần 280 tỷ đồng, chi nhánh Ninh Bình gần 300 tỷ đồng). Doanh nghiệp đã chi trả được 115 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 10/2020, HĐQT ThaiHoldings cũng thông qua việc vay tối đa 500 tỷ đồng tại LienVietPostBank để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm.

Đáng chú ý, trong bối cảnh là nhà "tài trợ" vốn vay lớn nhất của Thaiholdings, trong một sự kiện diễn ra hồi đầu tháng 2, bầu Thụy được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của cả Thaiholdings và LienVietPostBank .

Hiện, chưa có bất kỳ tài liệu công khai nào đề cập đến việc bầu Thụy hoặc bất kỳ doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông nắm giữ cổ phiếu LPB nhưng những sự kiện trùng khớp này khiến các nhà đầu tư không thể không đặt ra câu hỏi.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/thd-va-trong-so-moi-cua-hnx-1076812.html