Thế Anh 28 xuyên tạc chính sách pháp luật: Xử lý thế nào?
Việc xuyên tạc chính sách pháp luật gây hiểu lầm, ảnh hưởng tới đời sống, xã hội tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự
Thông tin xuyên tạc, gây hiểu nhầm
Ngày 16/5/2024 vừa qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Trong đó có hướng dẫn cụ thể:
“3. Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 điều này.
4. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
5. Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi”.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, nhiều tài khoản mạng xã hội đã cắt cúp, biên tập, đăng tải những nội dung mang tính chất xuyên tạc, không đúng bản chất quy định trên câu view, câu like.
Điển hình là Thế Anh 28 với Fanpage Theanh28 Entertainment, trang này đã tạo một bức ảnh với nội dung vỏn vẹn chỉ 2 dòng: “Nóng: Từ ngày 1/7, chồng không được phép ly hôn dù vợ mang thai, sinh con với ai”, đăng kèm dòng trạng thái: “Chồng không được ly hôn khi vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi kể cả là con ruột hay con nuôi”.
Cách truyền tải thông tin như trên đã thu hút được hàng chục nghìn lượt thích, bình luận chia sẻ, khiến dư luận hiểu sai về quy định tại Nghị quyết này, có tác động xấu đến xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới uy tín của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp.
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Công ty luật TNHH Tâm Vàng cho biết, Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định "chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”; Hay tại Điều 85 đã quy định: “Trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".
Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Công ty luật TNHH Tâm Vàng cho biết, Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, chỉ kế thừa và hướng dẫn chi tiết thêm quy định một số điều của luật Hôn nhân và Gia đình. Và việc quy định chồng không được quyền ly hôn vợ khi đang mai thai hoặc sinh con dưới 12 tháng tuổi đã có từ trước đó, không phải là mới.
Mặt khác, tại Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ đều không có quy định về việc phân biệt vợ đang mang thai con của ai (tức không phân biệt cha của đứa bé là ai), và không được ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và nội dung này được thể hiện một cách chi tiết hơn tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP.
Vì vậy, các tài khoản mạng xã hội xác định từ ngày 1/7, chồng không được phép ly hôn vợ dù vợ mang thai, sinh con với ai là chưa chính xác về nội dung dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tín ngành Tư pháp.
Xử phạt thế nào?
Thời gian gần đây, tình trạng lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên Internet và mạng xã hội đang gây báo động và diễn biến ngày càng phức tạp, với xu hướng gia tăng.
Sự xuất hiện của những cá nhân, tổ chức hoạt động với động cơ vụ lợi kinh tế, tạo ra tin giả, tin sai sự thật, kích động, bôi nhọ chính sách, lan truyền trên mạng xã hội, nhằm thu hút sự tương tác của người dùng để đạt lợi ích từ việc bán hàng, tài trợ, ủng hộ bằng tiền, và các lợi ích vật chất khác... điều này gây ra sự hoang mang trong dư luận.
Về hình thức xử lý, theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty, Chủ tịch SEALAW Group, việc sản xuất, tạo ra những thông tin sai sự thật, giả mạng, xuyên tạc, truyền tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự.
Trong đó, theo Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi bởi khoản 37 của Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Về xử lý hình sự, việc đăng thông tin trái với quy định của pháp luật trên mạng xã hội có thể bị xem xét xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 288 người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật (trừ các trường hợp xác định là tội: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm nhục người khác; tội vu khống; tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy) để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể áp dụng Khoản 2, Điều 288 bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Có thể thấy, việc chia sẻ, đăng tải và phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động trên không gian mạng, mỗi công dân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã đăng tải.