Thế bế tắc buộc quân đội Brazil đánh chìm tàu sân bay

Hải quân Brazil đã đánh chìm tàu sân bay São Paulo sau khi không một quốc gia nào, kể cả chính Brazil, chấp nhận cho con tàu cập cảng và dỡ bỏ nó theo quy trình.

São Paulo - tàu sân bay đã ngừng hoạt động, chở lượng amiăng chưa xác định - được kéo lòng vòng ngoài khơi bờ biển Brazil, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho con tàu cập cảng để tái chế.

Không chính phủ nào muốn tiếp nhận con tàu này. CNN dẫn lời Hải quân Brazil cho biết do có nguy cơ bị chìm, con tàu không được phép cập cảng của chính nước này.

Bất chấp phản đối, Hải quân Brazil cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đánh chìm con tàu ở độ sâu khoảng 5.000 m và cách bờ biển Brazil 350 km, thuộc vùng đặc quyền kinh tế nước này. Tuyên bố cho biết địa điểm này cách xa các khu vực bảo vệ môi trường và không có cáp thông tin liên lạc dưới biển.

Dẫu vậy, các nhà bảo vệ môi trường khẳng định động thái này sẽ gây ra những hậu quả không thể khắc phục được, thậm chí có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

Jim Puckett - Giám đốc Mạng lưới hành động Basel (BAN), nhóm phi lợi nhuận về môi trường có trụ sở tại Seattle (Mỹ) - cho biết việc đánh chìm con tàu là “hoàn toàn khó hiểu và phi lý”, theo New York Times.

Nghi ngờ

São Paulo là tàu sân bay lớp Clemenceau mà Brazil mua từ Pháp vào năm 2000 với giá 12 triệu USD, không bao gồm máy bay và trực thăng. Trong lần đấu giá năm 2021, công ty Thổ Nhĩ Kỳ Sok Denizcilik mua lại với giá chỉ hơn 1,8 triệu USD.

Mục tiêu của công ty là tái chế và xử lý con tàu theo đúng quy trình, trong khi kiếm được lợi nhuận từ việc trục vớt và bán hàng tấn kim loại không độc hại.

Tàu sân bay này dài 265 m, phục vụ trong Hải quân Pháp dưới cái tên Foch từ năm 1963 cho đến khi được bán vào năm 2000, đã không còn hoạt động trong khoảng một thập niên.

Các chuyên gia cho biết một số ngăn của São Paulo tích tụ quá nhiều khí hại tới mức không còn an toàn khi tiếp cận chúng.

Tàu sân bay São Paulo tại Rio de Janeiro năm 2016. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay São Paulo tại Rio de Janeiro năm 2016. Ảnh: Reuters.

Các nhà môi trường bắt đầu tỏ ra nghi ngờ trước thông tin São Paulo chỉ chứa dưới 10 tấn amiăng trên tàu. Khi Hải quân Brazil khẳng định suốt nhiều năm qua rằng chất này đã bị loại bỏ khá nhiều, các nhà môi trường yêu cầu bằng chứng. Không có bằng chứng nào được đưa ra.

Vì vậy, vào tháng 7/2022, các nhà hoạt động môi trường liên hệ với Grieg Green - công ty Na Uy phụ trách thống kê vật liệu độc hại trên con tàu sân bay - để tìm câu trả lời.

“Trong quá trình khảo sát trên tàu, nhiều nơi bị dán niêm phong và người khảo sát không thể tiếp cận được”, Andreas Justad - người quản lý dự án - viết.

Ông cho biết lượng amiăng được báo cáo chỉ là ước tính và con số thực tế trên tàu sân bay có thể lớn hơn nhiều so với phát hiện trong lần kiểm kê vật liệu nguy hiểm này.

Trong vòng vài tuần, một số nhóm môi trường đã gây áp lực từ chối tiếp nhận tàu sân bay này lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 4/8/2022, São Paulo bắt đầu được lai dắt băng qua Đại Tây Dương, trên đường đến bãi phá dỡ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài ngày sau khi tàu khởi hành, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Brazil cung cấp báo cáo mới về các chất độc hại. Không hài lòng với câu trả lời, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ giấy phép cập cảng.

Con tàu và tàu kéo, lúc đó đã đến Gibraltar, phải quay đầu.

Thảm họa môi trường

Tuy nhiên, hành trình của São Paulo còn lâu mới kết thúc. Khi đến gần Brazil vào tháng 10/2022, Hải quân Brazil ra lệnh cho con tàu ở lại ngoài khơi bờ biển phía đông bắc, thay vì quay về cảng khởi hành Rio de Janeiro.

Vào thời điểm đó, sau hai lần vượt Đại Tây Dương, con tàu cần cập cảng để bảo trì. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường một lần nữa lên tiếng.

Các quan chức địa phương Brazil gây áp lực buộc các cảng không tiếp nhận con tàu. Cảng của Hải quân Brazil cũng không chấp nhận São Paulo nhưng không đưa ra lý do cụ thể. Vì vậy, con tàu và tàu kéo bắt đầu đi vòng quanh.

Nhiều tháng trôi qua, khi thân tàu bắt đầu xuất hiện những hư hỏng nhỏ, MSK Maritime Services & Trading - đối tác trong dự án tái chế với Sok Denizcilik - mất kiên nhẫn. Công ty cần một bến cảng để khắc phục thiệt hại, và chiếc tàu kéo đang ngốn 20 tấn nhiên liệu mỗi ngày. Đến tháng 1, MSK báo cáo lỗ 5 triệu USD trong kế hoạch làm ăn này.

Các nhóm bảo vệ môi trường không hiểu tại sao Hải quân Brazil không tiếp nhận con tàu. Theo Công ước Basel, các quốc gia được yêu cầu tái nhập khẩu chất thải độc hại họ không thể xuất thành công. Họ cần kéo São Paulo về căn cứ hải quân, sửa chữa thiệt hại, đưa ra hợp đồng tái chế mới với các nhà máy đóng tàu để loại bỏ amiăng một cách an toàn trước khi tháo dỡ con tàu.

Các nhà hoạt động cho rằng Brazil đang vi phạm công ước khi không cho tàu cập cảng. Giới chức phủ nhận điều này, với lý do con tàu đang ở vùng biển Brazil.

 São Paulo đã không hoạt động trong khoảng một thập niên. Ảnh: Foch.

São Paulo đã không hoạt động trong khoảng một thập niên. Ảnh: Foch.

Báo cáo vào tháng 12/2022 cho biết São Paulo vào thời điểm đó đủ khả năng để được kéo về cảng. Tuy nhiên, báo cáo 2 tuần trước chỉ ra trạng thái của con tàu không còn ổn định để đưa vào vùng biển ven bờ.

Vì vậy, vào tối 1/2, quan chức Brazil công bố kế hoạch đánh chìm con tàu.

Theo TIME, các cơ quan giám sát đại dương nói việc đánh chìm tàu sân bay lớn và cũ như São Paulo sẽ là thảm họa môi trường. BAN cho biết ngoài amiăng, con tàu còn chứa hàng trăm tấn chất độc hại khác trong hệ thống dây điện, sơn và nhiên liệu dự trữ.

Dẫu vậy, ngay cả khi các cảng trên khắp thế giới không chào đón São Paulo, tàu sân bay này vẫn sẽ kết thúc sứ mệnh trong tình yêu thương.

Trong 5 năm qua, Emerson Miura - cựu binh trong Lực lượng Không quân Brazil - đã theo đuổi dự án biến São Paulo thành bảo tàng nổi. Hải quân Brazil gần như phớt lờ ông, nhưng cho đến những ngày cuối cùng, ông vẫn nuôi hy vọng rằng họ sẽ thay đổi suy nghĩ.

“Ý tưởng của chúng tôi nhằm khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào là người Brazil của chúng tôi”, ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-be-tac-buoc-quan-doi-brazil-danh-chim-tau-san-bay-post1398579.html