The Body Shop phá sản: Huyền thoại mỹ phẩm sụp đổ do chậm chuyển đổi số?
Thương hiệu mỹ phẩm chăm sóc da nổi tiếng của Anh The Body Shop đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ và Canada. Được biết, thương hiệu này đã đóng cửa 50 cửa hàng ở Mỹ và 33 trong số 105 cửa hàng ở Canada.
Trong tháng 2, The Body Shop thông báo công ty của họ buộc phải tiến hành thủ tục phá sản do "khó khăn tài chính" và dự kiến 200 cửa hàng cùng hơn 2.000 nhân viên tại Anh sẽ bị ảnh hưởng. Sau đó, chi nhánh của công ty ở Đức cũng nộp đơn xin phá sản.
Hoạt động kinh doanh của thương hiệu này tại Bỉ, Ireland, Áo và Luxembourg dự kiến sẽ bước vào quá trình tái cơ cấu; trong khi hoạt động tại Singapore, Malaysia và Trung Quốc tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Thương hiệu được người nổi tiếng tin dùng
Là một trong những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp nhất thế giới, The Body Shop từng rất nổi tiếng nhờ định vị “Vẻ đẹp thuần chay” (Vegan Beauty).
The Body Shop được nhà hoạt động vì môi trường và quyền động vật Anita Roddick thành lập tại Brighton, Anh vào năm 1976. Khoảng một nửa số sản phẩm của hãng là "thuần chay". Chủ trương của hãng là không làm hại động vật, khuyến khích bảo vệ môi trường và “không tàn nhẫn” trong việc theo đuổi cái đẹp.
Năm 1989, The Body Shop là nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp đầu tiên phát động chiến dịch chống thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật.
Trong những thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, dầu gội gừng, tinh dầu tràm trà, sữa tắm hoa hồng của The Body Shop...từng là những sản phẩm không thể thiếu trong danh sách mua sắm của nhiều minh tinh màn bạc và người nổi tiếng, trong đó có Công nương Diana.
Một số sản phẩm làm từ thực vật của The Body Shop (Ảnh: TBS)
Lúc bấy giờ, khi việc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật còn phổ biến trên toàn thế giới, The Body Shop thực sự trở nên khác biệt với phần còn lại, chính nhờ "vẻ đẹp thuần chay".
Trước khi tuyên bố phá sản, vào tháng 1/2024, thương hiệu này thông báo rằng toàn bộ danh mục công thức sản phẩm của họ đã được Hiệp hội thuần chay (The Vegan Society) chứng nhận, trở thành thương hiệu làm đẹp đầu tiên có các sản phẩm sử dụng công thức 100% thuần chay.
Trong thời kỳ hoàng kim, nhờ nâng cao nhận thức về môi trường mà The Body Shop đã gặt hái nhiều thành quả: tốc độ tăng trưởng doanh thu vượt trên 50% trong nhiều năm liên tiếp. Từ chỗ chỉ là cửa hàng nhỏ tại một thị trấn phát triển thành một hãng bán lẻ với nhiều sản phẩm chăm sóc da, hoạt động kinh doanh trải rộng khắp 89 quốc gia với hơn 4.000 cửa hàng.
Năm 1985, bà Anita Roddick được bình chọn là "Nữ doanh nhân xuất sắc nhất nước Anh". Thương hiệu “The Body Shop” từng đứng thứ 27 trong số những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới.
Không bắt kịp xu hướng mới
Giai đoạn suy sụp bắt đầu từ năm 2006, khi The Body Shop liên tục đổi chủ và thua lỗ.
Nhiều người cho rằng bước ngoặt trong sự phát triển của The Body Shop xảy ra sau khi người sáng lập nó, bà Anita Roddick, đột ngột qua đời do xuất huyết não vào năm 2007. Kể từ đó, hoạt động tiếp thị sản phẩm yếu kém và ít đổi mới, The Body Shop mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhãn hiệu này cũng chậm phản ứng trước sự thay đổi chóng mặt của môi trường kinh doanh. Theo giới phân tích, một mặt họ không tạo được sự khác biệt tại thị trường mới nổi khổng lồ là Trung Quốc. Mặt khác, họ không thực hiện chuyển đổi số chuyên sâu mà vẫn dựa vào doanh số bán trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống, không tập trung phát triển thương mại điện tử. Cho đến nửa đầu năm 2023, kênh bán hàng qua mạng của The Body Shop chỉ chiếm 12% tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng bán lẻ trực tiếp lên tới 81%.
Năm 2006, gã khổng lồ mỹ phẩm quốc tế L'Oreal mua lại The Body Shop với giá 940 triệu euro. Động thái này đã gây ra sự bất mãn của một bộ phận người hâm mộ, họ cho rằng L'Oreal sẽ không tuân thủ các quan niệm đạo đức và bảo vệ môi trường gắn liền với The Body Shop.
Âm hưởng thương hiệu của The Body Shop quả thực “không thể thích nghi” trong suốt 11 năm dưới sự quản lý của L’Oreal. Mặc dù là thành viên của L'Oreal, nhưng thương hiệu này luôn hoạt động độc lập. Jean-Paul Agon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn L'Oreal, từng thừa nhận rằng sau khi mua lại The Body Shop, họ không thể tích hợp thành công thương hiệu này với tập đoàn.
Bà Anita Roddick, người sáng lập và là CEO đầu tiên của The Body Shop (Ảnh: NBD).
Năm 2017, The Body Shop lại đổi chủ, được Natura&Co, nhà sản xuất sản phẩm làm đẹp lớn nhất Brazil, mua lại từ L'Oreál với giá 1 tỉ euro. Sau khi hoàn tất thương vụ, Natura&Co đã xây dựng chiến lược phát triển The Body Shop và khởi động lại hoạt động tiếp thị. Tuy nhiên, doanh thu yếu kém của The Body Shop trong những năm gần đây không những không thay đổi mà còn kéo tụt kết quả kinh doanh của công ty mẹ.
Tháng 11/2023, Tập đoàn Natura&Co, khi đó vẫn là chủ sở hữu của The Body Shop, đã công bố báo cáo tài chính cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập ròng của thương hiệu này giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập ròng của The Body Shop trong quý 3 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ một ngày sau khi báo cáo tài chính được công bố, The Body Shop đã được bán lại cho công ty cổ phần tư nhân Aurelius Group của Đức với giá 207 triệu bảng Anh.
Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng qua, tin tức về vụ phá sản của thương hiệu huyền thoại này đã xuất hiện nhan nhản. Về vấn đề này, Aurelius Group giải thích rằng tình hình tài chính của The Body Shop không mạnh như họ tưởng tượng ban đầu và “không thể bán được sản phẩm ngay cả trong các dịp lễ tết”.
Được biết, trước khi The Body Shop tuyên bố phá sản ở Anh, Aurelius Group đã bán một phần nghiệp vụ của thương hiệu này tại châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 14% hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.