Thẻ CCCD gắn chip thay thế các loại giấy tờ gì?

Căn cước công dân (CCCD) gắn chip ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội so với thẻ Chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD mã vạch. Khi sử dụng, CCCD gắn chip có thể thay thế một số giấy tờ như: Chứng minh nhân dân và CCCD mã vạch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết Công an TP Hà Nội và công an các quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) cho người có gắn chíp điện tử. Tôi muốn hỏi, khi tham gia giao thông hoặc thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì có thể sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử để thay thế các giấy tờ này không?

Nguyễn Văn Vinh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Ảnh minh họa

Trả lời: Chính phủ đã giao Bộ Công an hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chíp điện tử trong thẻ CCCD để sử dụng thẻ CCCD đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Các thông tin có thể tích hợp trên thẻ CCCD như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Có thể thấy, Căn cước công dân (CCCD) gắn chip ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội so với thẻ Chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD mã vạch. Khi sử dụng, CCCD gắn chip có thể thay thế một số giấy tờ như: Chứng minh nhân dân và CCCD mã vạch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Theo đó, hiện nay, trên cả nước đang tồn tại đồng thời các thẻ sau có giá trị tương đương:Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số; Căn cước công dân mã vạch.

Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, cả CMND và CCCD đều là giấy tờ tùy thân của công dân (có giá trị như nhau).

Về giá trị sử dụng của thẻ CMND giai đoạn hiện nay, khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân quy định, CMND được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Đồng thời, khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA về mẫu thẻ CCCD gắn chip cũng nêu rõ, thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 23/01/2021 (CCCD mã vạch) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Như vậy, thẻ CCCD gắn chip có thể thay thế cho Chứng minh nhân dân và CCCD mã vạch trong thực hiện các giao dịch.

Ngoài ra, Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Khoản 2 Điều 20 của Luật Căn cước công dân 2014 quy định: thẻ Căn cước công dân có thể thay thế hộ chiếu nếu Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết sử dụng thẻ Căn cước thay hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Như vậy, tại một số nước, CCCD có thể thay thế hộ chiếu.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an: Thẻ CCCD gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Thời gian tới khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Thu Phương (Công ty Luật Interla)

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/the-cccd-gan-chip-thay-the-cac-loai-giay-to-gi-185058.html