Thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) đã thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG). Đồng thời luật cũng thể hiện toàn diện nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách của Nhà nước về biên phòng; là cơ sở để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành thực thi nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ khu vực biên giới biển. Ảnh: CTV

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ khu vực biên giới biển. Ảnh: CTV

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG”...

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Biên phòng khẳng định, với vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của BGQG, Luật BPVN khi đi vào cuộc sống sẽ cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG. Luật BPVN được ban hành cũng sẽ phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và xã hội vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới (KVBG).

Hiện nay, Đảng, Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể đưa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đi vào cuộc sống. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Luật BPVN khi được ban hành sẽ có tác động rất lớn vào việc hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Thạch Phước Bình, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: “BĐBP đã và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, là lực lượng được chính quyền địa phương, nhân dân biên giới tin yêu. BĐBP đã thực hiện nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc hỗ trợ đồng bào các dân tộc ở KVBG phát triển; tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên KVBG, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc”.

“Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chính phủ đang thực hiện các bước để sớm triển khai chương trình này. Luật BPVN khi có hiệu lực, với hệ thống pháp lý căn bản, sẽ phát huy sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị và của toàn dân, huy động nguồn lực cùng với các địa phương hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia, giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống, phát triển vùng biên giới bền vững” - ông Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực đối ngoại, nhiều ý kiến đánh giá, Luật BPVN khi có hiệu lực sẽ cụ thể hóa được đường lối đối ngoại của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Đồng thời, góp phần hoàn thành mục tiêu của “Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý thực hiện hiệu quả các Hiệp định về biên giới, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội về đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng...

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Luật BPVN với những quy định chặt chẽ trong hợp tác quốc tế về biên phòng, sẽ cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại và thực hiện hiệu quả các Hiệp định về biên giới, tạo bước đột phá trong công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân ở KVBG, tiếp tục phát triển quan hệ đối ngoại giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Phát triển mô hình “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa quân và dân hai bên biên giới, cùng chung tay xây dựng, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Danh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-che-hoa-day-du-muc-tieu-quan-diem-cua-dang-nha-nuoc-ve-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-va-xay-dung-bdbp-post435435.html