Thể chế kinh tế là 'cốt lõi mềm' của tăng trưởng

GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, thể chế chính là 'cốt lõi mềm' của tăng trưởng. Trong bối cảnh 'cửa sổ dân số vàng' sắp khép lại, không cải cách thể chế đồng nghĩa với việc đánh mất động lực tăng trưởng.

Hội thảo khoa học quốc gia thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới". Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Hội thảo khoa học quốc gia thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới". Ảnh: Kiều Chinh/Mekong ASEAN.

Ngày 10/4, Hội thảo khoa học quốc gia thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới", đã được Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam trải qua một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu đề ra; năng suất lao động được cải thiện với mức tăng 5,14% nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực.

Cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục quá trình chuyển dịch từ khu vực nông, lâm, thủy sản sang công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có được bước phục hồi mạnh mẽ, trở thành động lực lớn đóng góp vào mức tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Ở khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 786,29 tỷ USD, tương đương khoảng 165% GDP.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhưng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, chưa tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham ra sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bối cảnh mới của năm 2025

Bước sang năm 2025, căng thẳng địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Nguy cơ kinh tế thế giới suy giảm cùng cuộc chiến thuế quan và thương mại toàn cầu cũng như chính sách thuế quan của Mỹ và phản ứng của quốc gia hay nhóm quốc gia đang gây những tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam.

"Thực trạng này cho thấy, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo rất thách thức," GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam hướng mạnh tới xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ cũng thiết lập những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế.

Bàn về giải pháp, muốn đạt được tăng trưởng cao, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước để đạt cao hơn. Trong đó, nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy để thu hút được đầu tư tư nhân cần phải tạo môi trường kinh doanh, thể chế ổn định trong nhiều năm.

"Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, môi trường đầu tư trong nước phải rất an toàn thì các doanh nghiệp mới đầu tư lâu dài. Năm nay là năm khởi đầu đặt ra tham vọng tăng trưởng cao, thế nên những chính sách chưa thể tác động ngay đến khu vực đầu tư tư nhân. Song, việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản kinh doanh sẽ kích thích đầu tư tư nhân tăng trở lại trong các năm tiếp theo," PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.

Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách cho giai đoạn phát triển tiếp theo

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống, việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế phù hợp là hết sức quan trọng. Hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế.

Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý, nếu Việt Nam không bước vào một quỹ đạo mới trong giai đoạn 5-10 năm tới, cơ hội trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trôi qua vĩnh viễn. Thể chế chính là "cốt lõi mềm" của tăng trưởng. Trong bối cảnh "cửa sổ dân số vàng" sắp khép lại, việc không cải cách thể chế đồng nghĩa với việc đánh mất động lực tăng trưởng.

"Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Nhìn tổng thể, thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo," GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/the-che-kinh-te-la-cot-loi-mem-cua-tang-truong-40243.html