Thế cờ mới cho Trung Đông

Sau 12 năm, ngày 7/5/2023, tư cách thành viên của Syria trong Liên đoàn Arab (AL) đã được nhất trí khôi phục. Quyết định này được người phát ngôn Tổng Thư ký AL Gamal Roshdy công bố xác nhận, sau một cuộc họp kín của các Bộ trưởng Ngoại giao AL.

Một bước tiến triển đầy hy vọng cho đất nước hiện vẫn còn đang chưa ngớt tiếng súng xung đột ấy, và ở một khía cạnh khác, đây cũng chính là một sự thay đổi đáng chú ý trong cục diện địa chính trị Trung Đông.

Khi gió đổi chiều

Từ ngày 5/5, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan – ông Ayman Safadi – đã hé lộ với truyền thông rằng Syria đã có đủ phiếu ủng hộ trong AL, gồm 22 quốc gia thành viên, để có thể trở lại tổ chức này.

Hội nghị 4 bên Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Syria và Nga.

Hội nghị 4 bên Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Syria và Nga.

Nhìn ngược lại thời gian, năm 2011, sau khi xung đột bùng nổ tại Syria, Liên đoàn Arab đã quyết định tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của chính phủ Damascus. Có lẽ cũng cần nhấn mạnh, đó cũng chính là thời điểm cơn bão tố mang tên “Mùa xuân Arab” quét qua cả một dải Bắc Phi – Trung Đông, nhấn chìm rất nhiều chính quyền, và tạo nên hàng loạt những sự “thay triều đổi đại” ở không ít quốc gia (Tunisia, Ai Cập, Lybia, Yemen….).

Hệ quả của “Mùa xuân Arab”, gần như không thể khác, là xung đột và cả nội chiến đẫm máu. Đến tận lúc này, những hệ lụy của nó vẫn còn đang giày vò không ít đất nước. Bên cạnh đó, các biến động cũng như những sự tàn phá về cấu trúc xã hội mà “Mùa xuân Arab” tạo nên chính là tác nhân quan trọng đưa đến sự trỗi dậy của một điều kinh khủng: Những đoàn quân cờ đen chết chóc của thế lực khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong suốt quãng thời gian đó, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vẫn luôn đứng vững, bất kể phải đối diện với làn sóng nổi dậy, với đòi hỏi ly khai của các vùng lãnh thổ người Kurd, với IS, với làn sóng cấm vận và cô lập từ chính cộng đồng Arab, với việc phải chấp nhận nhìn không ít quân đội nước ngoài vượt qua biên giới đóng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình (mà không quan tâm đến sự phản đối từ Damascus, như quân đội Mỹ hay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ), với những sự hủy hoại nặng nề kết cấu kinh tế - xã hội quốc gia, và đặc biệt là với sự thù địch của nước Mỹ.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AL đưa Syria trở lại với cộng đồng Arab Hồi giáo.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AL đưa Syria trở lại với cộng đồng Arab Hồi giáo.

Có thể nói, sức ép từ Washington chính là yếu tố quyết định thúc đẩy AL quay lưng với Syria, trong cả một thập kỷ qua. Không cần giấu giếm, suốt từ năm 2011 đến tận năm 2017, Nhà Trắng luôn công khai mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria, nghĩa là lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, với các cáo buộc về nhân quyền liên tục được đưa ra. Ở rất nhiều cuộc đối thoại giai đoạn đó, thậm chí Washington còn loại trừ mọi khả năng ông Al Assad tiếp tục có mặt trong một chính phủ liên hiệp nhằm hòa giải dân tộc. Lý do, thật đơn giản, Syria là đồng minh truyền thống và khăng khít bậc nhất của Liên Xô (trước kia) cũng như nước Nga, ở Vùng Vịnh.

Do đó, AL – mà dẫn đầu là Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của nước Mỹ trong khối Arab Hồi giáo – cũng không ngại ngần tạm loại bỏ Damascus khỏi cộng đồng chung của mình.

Thế nhưng, hiện tại, gió đã đổi chiều.

“Ngoại giao động đất”, và một xu hướng tất yếu

Quá trình bình thường hóa quan hệ với Syria, có thể nói, đã manh nha được phác thảo từ khá lâu, có thể là từ tháng 12/ 2018, sau khi ông James Jeffrey - đặc sứ Mỹ về Syria– tuyên bố: “Chúng tôi muốn thấy một chế độ khác biệt hoàn toàn, không phải thay đổi. Chúng tôi sẽ không tìm cách lật đổ Tổng thống Al Assad”. Mệnh đề này được làm rõ thêm, rằng Syria cần khoảng 300-400 tỷ USD để tái thiết đất nước, nhưng "Các quốc gia phương Tây sẽ không hỗ trợ cho thảm họa đó trừ khi chính quyền Tổng thống Al Assad cam kết thỏa hiệp (nghĩa là chấp nhận thay đổi về mặt chính trị)".

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Syria Bashar Al Assad - những “cái gai trong mắt” Washington.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Syria Bashar Al Assad - những “cái gai trong mắt” Washington.

Đó vẫn chỉ là các gợi ý mờ nhạt, trong những năm tiếp theo. Nhưng tới cuối năm 2022 và đặc biệt là đầu năm 2023, sau khi thảm họa động đất kinh hoàng ập xuống Thổ Nhĩ Kỳ và cả Syria, những guồng quay được đẩy nhanh với tốc độ chóng mặt.

Ngày 26/2/2023, Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Hanafy El-Gebaly cùng Chủ tịch Quốc hội các nước Iraq, Jordan, Palestine, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Libya tới Syria: Chuyến thăm khẩn cấp này, như ông bày tỏ, là để “truyền tải thông điệp rằng tất cả chúng tôi đều ủng hộ người dân Syria”. Và ông kêu gọi: Đưa Syria trở về với thế giới Arab. Một ngày sau, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cũng đến Syria, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Và trong tháng 2, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, cho biết các quốc gia Arab nhất trí rằng cần có một cách tiếp cận mới đối với việc nối lại đàm phán giữa Damacus và Riyadh nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ngày 19/3, đến lượt Tổng thống Syria Bashar Al Assad công du thăm UAE - quốc gia bình thường hóa quan hệ với Syria từ năm 2018. Trước đó, trong tháng 2, ông đã tới Oman. Ngày 24/3, truyền thông Nhà nước Saudi Arabia đưa tin quốc gia vùng Vịnh này và Syria đang đàm phán về việc nối lại các dịch vụ lãnh sự sau hơn một thập kỷ cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Syria - đất nước đã bị hủy hoại bởi xung đột và chiến tranh suốt 12 năm qua.

Syria - đất nước đã bị hủy hoại bởi xung đột và chiến tranh suốt 12 năm qua.

Trong khi đó, đến tận ngày 16/3, theo một tuyên bố chung, các chính phủ của Anh, Mỹ, Pháp và Đức vẫn khẳng định: “Chúng tôi không bình thường hóa quan hệ với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, cũng như không tài trợ cho việc tái thiết những thiệt hại do chế độ này gây ra trong cuộc xung đột hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.Vì lợi ích của người dân Syria, chúng tôi sẽ không bình thường hóa cho đến khi có tiến triển thực sự và lâu dài hướng tới một giải pháp chính trị”.

Nhưng, động thái cứng rắn đó của phương Tây rút cục cũng không khiến tiến trình đưa Syria trở về với cộng đồng các quốc gia Arab Hồi giáo bị “khựng lại”. Tuyên bố của AL ngày 7/5, cuối cùng, vẫn hiện hữu như một điều chắc chắn sẽ phải đến. Nó phù hợp với một xu hướng vận động tất yếu đang diễn ra trên quỹ đạo tái xác lập trật tự thế giới. Trật tự đơn cực mà phương Tây nắm vị trí lãnh đạo, với siêu cường duy nhất là nước Mỹ, đã và đang bị thách thức mạnh mẽ, trên không chỉ một phương diện. AL, mà Saudi Arabia đóng vai trò dẫn dắt, cũng đã không còn “dễ bảo” như 10 năm trước nữa.

Thế cờ cạm bẫy

Saudi Arabia không chỉ “bật đèn xanh” cho việc bình thường hóa quan hệ với Syria. Quốc gia lãnh đạo khối Arab Hồi giáo này cũng đã và đang tiến hành bình thường hóa quan hệ với Iran – một “cựu thù”, cũng là một đồng minh gần gũi khác của nước Nga, với vai trò trung gian rất đáng chú ý của Trung Quốc.

Hy vọng về một khởi đầu mới cho Syria sau 12 năm bị tàn phá.

Hy vọng về một khởi đầu mới cho Syria sau 12 năm bị tàn phá.

Không chỉ vậy, suốt hơn một năm qua, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bùng nổ tại miền đông Ukraine, cho dù rất nhiều lần Washington đề nghị, Saudi Arabia – với vai trò chủ đạo trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+, mà Nga cũng là thành viên chủ chốt) vẫn nhất quyết nói không với việc tăng sản lượng khai thác dầu mỏ. Ngược lại, OPEC và OPEC+ còn nhất trí cắt giảm sản lượng. Điều này không chỉ khiến giá dầu thế giới vẫn luôn ở mức cao, tác động mạnh mẽ đến chi phí sinh hoạt cũng như tình trạng lạm phát ở phương Tây, thậm chí còn khiến nước Mỹ phải “mở kho” dự trữ quốc gia nhằm bình ổn thị trường, mà còn gián tiếp giúp đỡ cho nước Nga đứng vững trong cơn bão lệnh cấm vận – trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Đương nhiên, lựa chọn của OPEC+, OPEC và Saudi Arabia nói riêng xuất phát từ nguyên nhân quan trọng nhất: Lợi ích kinh tế của chính mỗi quốc gia. Song, sau những “cân nhắc thiệt hơn”, lựa chọn ấy cũng khẳng định rằng một cấu trúc cân bằng chiến lược mới, ít nhất là tại khu vực Trung Đông, đã thực sự hiện hữu.

Có thể nói, chiến lược “Xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương” của nước Mỹ đã khiến những quốc gia Trung Đông thất vọng, và họ hướng đến những khả năng mới. Trong đó, AL sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn thông qua sự gắn kết nội tại, để nâng cao vị thế cho chính mình giữa“cuộc chơi” của ít nhất là 3 trung tâm quyền lực quốc tế (Mỹ và phương Tây, Nga, Trung Quốc).

Đây cũng sẽ là lời cảnh báo, cho các tham vọng lãnh thổ của Israel – đồng minh thân thiết nhất và quan trọng nhất của nước Mỹ tại Trung Đông. Nếu Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia… có thể gác lại các “hiềm khích” với Iran và Syria (thông qua các cuộc đàm phán mà Nga tổ chức, trong đó nguyên tắc bảo toàn lãnh thổ cho Syria đã được nhất trí đồng thuận, cũng như những nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị được tiến hành không cần đếm xỉa đến phản ứng từ Washington), thì tiếng nói ủng hộ lãnh thổ hợp pháp của Palestine cũng như “giải pháp hai nhà nước” cũng sẽ mạnh mẽ và giàu sức nặng hơn gấp bội.

Một thế cờ mới đầy thách thức đối với quyền thống trị của phương Tây, ở “rốn dầu của thế giới”, đã thực sự thành hình…

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/the-co-moi-cho-trung-dong-i692946/