The Devil Wears Prada tái xuất - thương hiệu phim thời trang đỉnh hơn Emily in Paris

Dù là hai dự án cách nhau hơn một thập kỷ, 'The Devil Wears Prada' vẫn thường được đặt lên bàn cân với 'Emily in Paris'. Vừa qua, nhà sản xuất đã chính thức công bố thực hiện phần tiếp theo, mang thương hiệu này trở lại đường đua điện ảnh với dàn diễn viên cũ và khai thác chủ đề mới phù hợp với thời đại.

Theo Puck News, thương hiệu đình đám một thời The Devil Wears Prada (2006) sẽ có phần tiếp theo sau 18 năm, do biên kịch của phần một - Aline Brosh McKenna đang lên ý tưởng kịch bản. Tạp chí Bazaar xác nhận hai trong ba diễn viên chính của phim là Meryl Streep và Emily Blunt đều đã đồng ý tham gia phần mới, dưới sự thuyết phục của nhà sản xuất Wendy Finerman.

Ẩn số duy nhất hiện giờ nằm ở Anne Hathaway, khi từ năm 2022 đến nay, mỗi khi được hỏi về việc liệu cô có trở lại thương hiệu này nếu có cơ hội hay không, câu trả lời của Anne luôn là không. Thay vào đó, nữ diễn viên gợi mở rằng cô sẽ rất vui nếu được hợp tác với Meryl Streep và Emily Blunt trong một dự án điện ảnh khác.

Một cảnh "viral" của Anne Hathaway, Meryl Streep và Emily Blunt trên phim.

Một cảnh "viral" của Anne Hathaway, Meryl Streep và Emily Blunt trên phim.

The Devil Wears Prada (Yêu Nữ Thích Hàng Hiệu) chuyển thể dựa trên tác phẩm cùng tên của Lauren Weisberger, phim xoay quanh Andrea Sachs (Anne Hathaway), một cô gái vừa tốt nghiệp đại học được nhận vào làm trợ lý cho Miranda Priestly (Meryl Streep), tổng biên tập quyền lực của tạp chí thời trang Runway, người khó tính đến độ được mệnh danh là “ác quỷ” làng mốt.

Từ một cô nàng ngây thơ, không để tâm đến việc ăn vận, Andrea dần bị cuốn vào cuộc sống khắc nghiệt và áp lực của ngành công nghiệp thời trang, buộc cô phải đối mặt với những đánh đổi trong cuộc sống cá nhân để hy sinh cho sự nghiệp.

Những bộ cánh trong phim của Anne Hathaway đến tận ngày nay vẫn chưa hề lỗi mốt.

Những bộ cánh trong phim của Anne Hathaway đến tận ngày nay vẫn chưa hề lỗi mốt.

Phần đầu The Devil Wears Prada đã là hiện tượng đột phá phòng vé khi thu về hơn 326 triệu đô la (khoảng 8 nghìn tỷ đồng), trong khi phim chỉ mất khoảng 30 - 40 triệu đô la để sản xuất, doanh thu cao gấp 10 lần kinh phí. Phim mang về cho Meryl Streep một đề cử Oscar và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng; nhà thiết kế trang phục của phim Patricia Field cũng nhận được đề cử Oscar ở hạng mục thiết kế trang phục.

Nội dung phần mới bám theo dòng chảy thời đại

Nhiều khán giả yêu thích The Devil Wears Prada vì những bộ trang phục lộng lẫy, diễn xuất ấn tượng của dàn sao hạng A hay những câu thoại sắc sảo. Bên cạnh đó, phim còn ghi dấu bởi góc nhìn thú vị về ngành truyền thông, phơi bày sự cạnh tranh không khoan nhượng và áp lực thành công luôn đè nặng lên những ai theo đuổi lĩnh vực này.

 Câu chuyện trong phim được thể hiện theo cách hư cấu và lãng mạn hóa, song cũng phơi bày không ít thực tế khắc nghiệt.

Câu chuyện trong phim được thể hiện theo cách hư cấu và lãng mạn hóa, song cũng phơi bày không ít thực tế khắc nghiệt.

Hiện phía nhà sản xuất chưa tiết lộ nhiều về nội dung phần hai. Tuy nhiên, theo nội dung của tiểu thuyết gốc, vị thế của "ác nữ" Miranda Priestly sẽ không còn như phần đầu. Vị tổng biên tập đang phải đối mặt với viễn cảnh sự nghiệp đi đến hồi kết khi thị trường không còn ưu ái tạp chí in. Trong động thái tìm kiếm nguồn thu quảng cáo cho tờ tạp chí, Priestly buộc phải tiếp cận với Emily Charlton, người trợ lý cũ ngày xưa mình từng phũ phàng, nay đã trở thành một chuyên viên cấp cao tại tập đoàn thời trang lớn.

Đa phần các tờ báo quốc tế uy tín cũng dự đoán phần hai của phim sẽ khai thác sự suy thoái của nền công nghiệp in ấn, sự nổi lên của báo trực tuyến và các nền tảng mạng xã hội. Nội dung phim dự kiến được cập nhật để phù hợp với bối cảnh truyền thông và ngành thời trang hiện đại.

Phần hai của phim dự kiến bám sát bối cảnh ngành truyền thông và thời trang hiện đại.

Phần hai của phim dự kiến bám sát bối cảnh ngành truyền thông và thời trang hiện đại.

Vì sao "The Devil Wears Prada" được đón nhận hơn "Emily in Paris"?

Đều là tác phẩm khai thác chủ đề thời trang, nhưng lý do The Devil Wears Prada được đón nhận rộng rãi hơn so với Emily in Paris đến từ nhiều yếu tố khác nhau, cả về nội dung và cách tiếp cận.

Về phần cốt truyện và thông điệp, The Devil Wears Prada xoay quanh sự phát triển cá nhân của Andrea Sachs, khai thác sâu vào quá trình trưởng thành của nhân vật chính khi cô phải lựa chọn giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Trong khi đó, Emily in Paris thiên về khía cạnh giải trí, kể nhiều về trải nghiệm và đời tư tình cảm của Emily, thiếu chiều sâu trong việc phát triển nhân vật, dẫn đến việc ít được đánh giá cao hơn.

Emily in Paris thỏa mãn tính giải trí, The Devil Wears Prada lại thu hút hơn với những khán giả tìm kiếm câu chuyện có chiều sâu.

Emily in Paris thỏa mãn tính giải trí, The Devil Wears Prada lại thu hút hơn với những khán giả tìm kiếm câu chuyện có chiều sâu.

Về diễn xuất, Meryl Streep đã mang đến một màn diễn có sức nặng và tinh tế trong khia hóa thân Miranda Priestly, vai giúp bà nhận được đề cử Oscar và một giải Quả Cầu Vàng. Anne Hathaway cũng được đánh giá cao trong việc thể hiện những khó khăn và xung đột nội tâm của nhân vật chính. Trong khi đó, Lily Collins trong Emily in Paris mang đến một màn trình diễn nữ tính, đáng yêu nhưng không để lại dấu ấn mạnh mẽ.

ĐÔNG MIÊN

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/the-devil-wears-prada-tai-xuat-thuong-hieu-phim-thoi-trang-dinh-hon-emily-in-paris-post1679723.tpo