Thể dục buổi tối có thể giảm nguy cơ tử vong

Các nhà nghiên cứu Đại học Sydney (Australia) cho rằng hoạt động thể chất vào buổi tối mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cho những người béo phì...

Hoạt động thể chất buổi tối có thể làm giảm đáng kể các vấn đề về sức khỏe cho người mắc bệnh béo phì.

Hoạt động thể chất buổi tối có thể làm giảm đáng kể các vấn đề về sức khỏe cho người mắc bệnh béo phì.

Sau khi theo dõi hàng chục nghìn người trong gần 8 năm, các nhà nghiên cứu Đại học Sydney (Australia) cho rằng hoạt động thể chất vào buổi tối mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cho những người béo phì, giảm nguy cơ tử vong sớm và tử vong do bệnh tim mạch.

Đánh giá tầm quan trọng

Với thiết bị đeo để phân loại hoạt động thể chất của người tham gia theo buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng người thực hiện phần lớn hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải đến mạnh mẽ (MVPA hiếu khí - loại hoạt động thể chất làm tăng nhịp tim và khiến chúng ta khó thở trong thời gian dài) từ khoảng 18 giờ tới nửa đêm có thể giảm nguy cơ tử vong sớm và tử vong do bệnh tim mạch xuống mức thấp nhất.

Tần suất mọi người thực hiện MVPA buổi tối, được đo bằng các đợt ngắn 3 phút trở lên, dường như quan trọng hơn tổng lượng hoạt động thể chất hàng ngày của họ. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ Angelo Sabag - giảng viên môn Sinh lý học thể dục tại Đại học Sydney cho biết, do một số yếu tố xã hội phức tạp, khoảng 2/3 người Australia bị thừa cân hoặc béo phì, khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nhiều hơn như đau tim, đột quỵ và tử vong sớm.

Tuy tập thể dục không phải là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng béo phì, nhưng nghiên cứu này cho thấy người lập kế hoạch hoạt động của mình vào những thời điểm nhất định trong ngày có thể bù đắp tốt nhất một số rủi ro trên về sức khỏe.

Các thử nghiệm lâm sàng nhỏ hơn cũng cho thấy kết quả tương tự. Phát hiện này trở nên quan trọng bởi quy mô lớn của dữ liệu người tham gia trong nghiên cứu, việc sử dụng các biện pháp khách quan về hoạt động thể chất và các kết quả tiêu cực như tử vong sớm.

Đồng tác giả nghiên cứu là Tiến sĩ Matthew Ahmadi - Quỹ Tim mạch quốc gia tại Trung tâm Charles Perkins, Đại học Sydney nhấn mạnh, kết quả thu được không chỉ theo dõi các bài thể dục có cấu trúc, mà còn tập trung vào việc theo dõi MVPA hiếu khí liên tục trong các đợt từ 3 phút trở lên.

Các nhà khoa học không phân biệt loại hoạt động để theo dõi, đó có thể là bất cứ hoạt động gì từ đi bộ nhanh đến leo cầu thang, nhưng cũng có thể là các bài tập có cấu trúc như chạy, lao động nặng nhọc hoặc thậm chí là dọn dẹp nhà cửa một cách mạnh mẽ.

Những phát hiện của nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết ban đầu của tác giả, đó là người mắc bệnh tiểu đường hoặc béo phì, vốn không dung nạp glucose vào buổi tối muộn, có thể bù đắp một số không dung nạp và giảm các biến chứng liên quan bằng cách hoạt động thể chất.

Gần 30 nghìn người tham gia nghiên cứu

Theo Giáo sư Stamatakis, cần có nghiên cứu sâu hơn để thiết lập mối liên hệ nhân quả về phát hiện trên. Nghiên cứu này cho thấy khung thời gian hoạt động thể chất có thể là một phần quan trọng trong các khuyến nghị về quản lý bệnh béo phì và bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai, cũng như chăm sóc sức khỏe phòng ngừa nói chung.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ ngân hàng sinh học Biobank của Vương quốc Anh, gồm 29.836 người trưởng thành trên 40 tuổi mắc bệnh béo phì, trong đó 2.995 người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Người tham gia được phân loại thực hiện MVPA buổi sáng, buổi chiều và buổi tối dựa trên thời điểm họ thực hiện MVPA hiếu khí. Hoạt động này được đo bằng gia tốc kế đeo cổ tay liên tục trong 24 giờ/ngày và trong 7 ngày khi bắt đầu nghiên cứu.

Sau đó, nhóm nghiên cứu theo dõi quỹ đạo sức khỏe của người tham gia trong gần 8 năm. Trong giai đoạn này, họ ghi nhận 1.425 trường hợp tử vong, 3.980 trường hợp mắc bệnh tim mạch và 2.162 trường hợp rối loạn chức năng vi mạch.

Để hạn chế sai lệch, các nhà nghiên cứu đã tính đến những khác biệt như tuổi tác, giới tính, hút thuốc, uống rượu, tiêu thụ trái cây và rau quả, thời gian ít vận động, tổng MVPA, trình độ học vấn, việc sử dụng thuốc và thời gian ngủ. Họ cũng loại trừ những người tham gia mắc bệnh tim mạch và ung thư từ trước.

Các nhà nghiên cứu cho biết thời gian theo dõi và phân tích độ nhạy bổ sung đã khẳng định thêm các phát hiện của họ. Tuy nhiên, do thiết kế mang tính quan sát, họ không thể loại trừ hoàn toàn nguyên nhân ngược lại có thể xảy ra. Đó là khả năng một số người tham gia có mức MVPA hiếu khí thấp hơn do bệnh tiềm ẩn hoặc không được chẩn đoán.

Giáo sư Emmanuel Stamatakis - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thiết bị đeo Mackenzie tại Trung tâm Charles Perkins (Australia) cho biết, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết bị đeo đang cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các mô hình hoạt động có lợi nhất cho sức khỏe.

“Đây là thời điểm thực sự thú vị đối với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng như các bác sĩ thực hành. Bởi dữ liệu được ghi lại trên thiết bị đeo cho phép kiểm tra các mô hình hoạt động thể chất ở độ chi tiết rất cao và chuyển chính xác các phát hiện thành lời khuyên có thể, điều đó đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe” - Giáo sư Stamatakis cho biết.

Theo Scitechdaily

Cẩm Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-duc-buoi-toi-co-the-giam-nguy-co-tu-vong-post687519.html