The Economist: 'Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất thế giới' gây nên sóng gió
Bài báo trang bìa số mới nhất của The Economist gọi Đài Loan là 'nơi nguy hiểm nhất trên trái đất', phân tích và đưa ra các kiến nghị; cả hai đảng cầm quyền và đối lập ở Đài Loan đều phản ứng về điều này.
Theo Deutsche Wells (Tiếng nói nước Đức), tạp chí The Economist của Anh số phát hành hôm thứ Bảy (1/5) lấy bản đồ radar hình Đài Loan làm trang bìa, gọi đây là "nơi nguy hiểm nhất trên trái đất" và nói rằng nếu một cuộc chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, nó sẽ là một thảm họa; Mỹ và Trung Quốc phải cố gắng tránh để nó xảy ra.
Bài báo trang bìa này bắt đầu bằng một câu nói của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ F. Scott Fitzgerald để mô tả cách Mỹ xử lý vấn đề eo biển Đài Loan: “Để kiểm tra xem một người có trí thông minh hàng đầu hay không, cần xem trí óc của anh ta liệu có thể cùng lúc chứa đựng được cả hai ý kiến trái ngược nhau, mà vẫn duy trì khả năng hành động”. Bởi vì, mặc dù Mỹ công nhận “chính sách một Trung Quốc”, nhưng “họ vẫn đảm bảo rằng có hai Trung Quốc tồn tại trong suốt 70 năm qua”.
Tuy nhiên, tác giả của bài báo đột nhiên thay đổi cách viết: "Ngày nay, kiểu mơ hồ chiến lược này đang tan biến. Mỹ bắt đầu lo lắng rằng họ có thể không còn có thể ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan". Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Hải quân Philip Davidson nói với Quốc hội hồi tháng 3 năm nay rằng ông lo ngại Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan sớm nhất là vào năm 2027.
Mấy năm gần đây, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được gia tăng mạnh mẽ (Ảnh: Tân Hoa xã ).
Phân tích hậu quả của chiến tranh
Dưới con mắt của tác giả trên tờ The Economist, lý do chiến tranh là một thảm họa không chỉ vì nó sẽ gây đổ máu và leo thang xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân Trung Quốc và Mỹ, mà còn cả vì nguyên nhân kinh tế. Bài báo giải thích: "Đài Loan là cốt lõi của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, và TSMC là nhà máy sản xuất chip giá trị nhất thế giới, làm ra tới 84% chip tiên tiến nhất. Một khi nhà máy ngừng sản xuất, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu cũng sẽ đình trệ, cái giá phải trả rất lớn. Công nghệ và kinh nghiệm của TSMC có thể dẫn trước các đối thủ của mình tới 10 năm, Mỹ và Trung Quốc sẽ mất mấy năm mới có thể bắt kịp".
Một nguyên nhân khác quan trọng hơn, theo tạp chí này là: "Đài Loan là đấu trường nơi Trung Quốc và Mỹ đọ sức. Mặc dù không có hiệp ước nào ràng buộc Mỹ phải bảo vệ Đài Loan, nhưng cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ kiểm tra sức mạnh quân sự và quyết tâm ngoại giao và chính trị của Mỹ. Nếu Hạm đội 7 của Mỹ không xuất hiện kịp thời, Bắc Kinh sẽ trở thành cường quốc thống trị ở châu Á trong một sớm một chiều và các đồng minh của Mỹ sẽ nhận ra rằng họ không thể trông cậy vào Mỹ, và ‘Pax Americana’ cũng sẽ sụp đổ". (Pax Americana đề cập đến nền hòa bình tương đối trên thế giới do Mỹ chủ đạo tiếp tục từ sau Thế chiến thứ hai đến nay).
Hải quân Trung Quốc diễn tập đổ bộ chiếm đảo (Ảnh: CCTV).
Sự thù địch lẫn nhau là hiển nhiên
Bài báo sau đó đưa ra các yếu tố mâu thuẫn khác nhau đã duy trì hiện trạng trên eo biển Đài Loan trong vài thập kỷ qua, và cho rằng điều đã thay đổi trong vấn đề eo biển Đài Loan trong những năm gần đây là Mỹ nhận ra rằng Trung Quốc đã liên tục phát triển sức mạnh quân sự của nó trên eo biển trong 25 năm qua. Bài báo thẳng thừng: “Trong cuộc chiến mô phỏng của Trung Quốc chống lại Mỹ, Mỹ đã bắt đầu thua cuộc".
The Economist sau đó giới thiệu: "Một số nhà phân tích Mỹ tổng kết cho rằng, sớm hay muộn, ưu thế về quân sự cũng sẽ khiến Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, không phải là bất đắc dĩ, mà là vì họ có khả năng để làm điều đó. Trung Quốc tự thuyết phục mình tin rằng Mỹ muốn cuộc khủng hoảng Đài Loan nóng lên, và thậm chí có thể muốn phát động một cuộc chiến để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Bài báo đánh giá về điều này: "Mặc dù Trung Quốc rõ ràng đã trở nên độc tài và dân tộc chủ nghĩa hơn, nhưng những phân tích như trên vẫn quá bi quan - có lẽ vì sự thù địch với Trung Quốc đang trở thành thái độ mặc định ở Mỹ. Sau cùng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn chưa khởi động người của mình chuẩn bị cho một cuộc chiến có khả năng gây ra nhiều thương vong và thiệt hại kinh tế cho tất cả các bên”. Tuy nhiên, bài báo cũng chỉ ra rằng không ai ở Mỹ có thể thực sự biết ông Tập Cận Bình đang nghĩ gì lúc này, cũng như không thể đoán được kế hoạch tương lai của ông ta và người kế nhiệm.
Hai nhóm chiến đấu tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông tháng 2/2021 nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: HĐ7).
Đề xuất của The Economist
The Economist cho rằng: “Nếu muốn Trung Quốc vẫn tin rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan là quá lớn, Mỹ và Đài Loan phải lên kế hoạch trước. Sẽ mất mấy năm để thiết lập lại sự cân bằng ở eo biển Đài Loan. Đài Loan phải bắt đầu giảm đầu tư vào các hệ thống vũ khí lớn và đắt tiền. Dù sao, họ rất dễ bị Trung Quốc tấn công bằng tên lửa. Đồng thời, Đài Loan nên tập trung vào các chiến thuật và công nghệ có thể chống lại cuộc xâm lược".
Đối với Mỹ, tạp chí này gợi ý: "Mỹ cần có vũ khí răn đe để ngăn Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ, đồng thời đưa các đồng minh khác như Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuộc; đồng thời cho Trung Quốc thấy rằng kế hoạch tác chiến của Mỹ là đáng tin cậy. Đây sẽ là một sự cân bằng khéo léo. Sự răn đe thường truyền đi một cách rõ ràng về hậu quả trả đũa. Nhưng Mỹ vào lúc này cần giao tiếp tế nhị. Trung Quốc cần phải từ bỏ ý định cố gắng thay đổi hiện trạng của Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời nhận được sự đảm bảo từ Mỹ rằng nước này sẽ không ủng hộ việc Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập”.
Cuối cùng bài báo viết: "Phần lớn các tranh chấp tốt nhất nên được gác lại. Những tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh thường có thể bị kéo dài, như cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói, hãy để hậu thế thông minh hơn giải quyết chúng. Chỉ có các chính trị gia tại nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh mới phải đối mặt với thử thách như vậy".
Chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục chính sách bán vũ khí cho Đài Loan của Chính phủ tiền nhiệm (Ảnh: Đông Phương).
Phản ứng của các bên ở Đài Loan
Trước khi được xuất bản chính thức, bài báo trang bìa số mới nhất của The Economist này đã gây nên phản ứng rất lớn ở Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An, hôm thứ Sáu (30/4) nói rằng, “nguy hiểm” được nêu trong bài báo đến từ Trung Quốc và không chỉ đối với eo biển Đài Loan. “Trung Quốc cũng đe dọa và bành trướng ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và Nam Á. Hành vi này của Trung Quốc đã có ảnh hưởng và nguy hại nghiêm trọng đến an ninh khu vực và hiện trạng của eo biển Đài Loan. Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với các nước có cùng ý tưởng, bảo vệ chế độ tự do và dân chủ, duy trì hiện trạng của eo biển Đài Loan và hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Cuối ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng đăng trên trang Facebook của mình. Bà viết: “Bài báo của The Economist đã nhấn mạnh sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, sự đe dọa đối với eo biển Đài Loan và các khu vực lân cận. Tôi hy vọng rằng các nhà chức trách Bắc Kinh có thể hiểu rằng các hành động liên quan của PLA đã hoàn toàn vi phạm tuyên bố chính trị gọi là ‘trỗi dậy hòa bình’ của họ, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngờ sâu sắc hơn.
Tôi muốn nói với mọi người rằng, mặc dù mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn tồn tại, nhưng chính phủ hoàn toàn có khả năng kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra và thiết lập hàng rào an ninh cho Đài Loan.
Bài viết trên Facebook của bà Thái Anh Văn đáp trả bài báo của The Economist (Ảnh: Deutsche Wells).
Trong mấy năm qua, chúng tôi đã nắm bắt được xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc tế và nhấn mạnh sự liên kết giữa Đài Loan với nền kinh tế và an ninh quốc tế. Chúng tôi cũng tích cực củng cố quốc phòng, đặc biệt là chiến tranh phi đối xứng, và hoàn thành trách nhiệm quốc tế của mình duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi giữ thái độ ‘không khuất phục trước áp lực và không mạo hiểm nếu được hỗ trợ’ khiến Đài Loan được quốc tế công nhận là một lực lượng lương thiện có trách nhiệm trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Bà Thái Anh Văn viết: “Mặc dù mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn tồn tại, nhưng chính phủ hoàn toàn có khả năng kiểm soát nhiều rủi ro có thể xảy ra và thiết lập hàng rào an ninh cho Đài Loan”. Bà đồng thời chỉ rõ: "Đài Loan ở tuyến đầu dân chủ. Đối mặt với thách thức của sự bành trướng của chủ nghĩa chuyên quyền, chỉ cần người dân Đài Loan đoàn kết, thận trọng phán đoán tình hình và tuân thủ các giá trị của tự do dân chủ, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thử thách. Tôi cũng mong các nước quan tâm đến dân chủ và tự do trên thế giới đã nhìn thấy những nguy cơ tiềm ẩn, càng phải cùng nhau hợp tác duy trì hòa bình và phồn vinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Viện trưởng Hành chính (Thủ tướng) Đài Loan Tô Trinh Xương ngày 1/5 cũng lên tiếng: Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để xâm lược Đài Loan. Máy bay chiến đấu và tàu chiến đã nhiều lần xâm phạm Đài Loan, không chỉ phá hoại hòa bình khu vực mà còn gây nguy hiểm cho an ninh của Đài Loan. Vì vậy, ông tin chắc rằng chỉ có tự lực mới được người khác giúp, và chỉ tự cứu mình mới có thể tồn tại.
Ngoài ra, theo Thời báo Tự do của Đài Loan, các quan chức quan trọng của chính phủ Mỹ và Australia đã liên tiếp cảnh báo về tình hình ở eo biển Đài Loan, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cũng đưa ra những phân tích tương tự, thậm chí ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan còn cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cho “cuộc chiến cuối cùng”.
Bà Thái Anh Văn xuống tàu chiến để kiểm tra tình hình thực tế của quân đội (Ảnh: Đa Chiều).
Quốc Dân Đảng đối lập ở Đài Loan hôm 1/5 cũng yêu cầu bà Thái Anh Văn lập tức giải thích lập trường và đối sách của chính quyền cho người dân Đài Loan và cộng đồng quốc tế. Quốc Dân Đảng nhấn mạnh rằng bà Thái Anh Văn không nên chỉ sử dụng Facebook để nói chính phủ có khả năng kiểm soát rủi ro và thiết lập hàng rào an ninh của Đài Loan, hy vọng người dân cả nước đoàn kết dưới sự lãnh đạo của bà. Quốc Dân Đảng yêu cầu chính quyền Đảng Dân Tiến cần thông báo ngay lập tức và trung thực cho người dân Đài Loan và cộng đồng quốc tế về tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và biện pháp ứng phó của chính phủ đối với việc quản lý xung đột ở eo biển Đài Loan.