The Economist: Suy thoái có thể không làm giảm lạm phát tại châu Âu

Rất khó để xác định được đỉnh núi khi đang đi bộ trong sương mù. Cái gì đúng với người đi bộ trên dãy Alps cũng đang đúng với các nhà hoạch định chính sách khi họ vật lộn với lạm phát.

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng đồng tiền chung euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone), giá tiêu dùng trong tháng 10/2022 đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp thứ hai liên tiếp, đi theo con đường Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đi. Các quan chức rất hy vọng lạm phát đã đến gần đỉnh.

Những người lạc quan cho rằng Eurozone không thực hiện các biện pháp kích thích tài chính lớn sau đại dịch COVID-19 như Mỹ có nghĩa lạm phát được thúc đẩy bởi các cú sốc về nguồn cung và giá năng lượng, chứ không phải do nền kinh tế phát triển quá nóng.

Các gói chi tiêu gần đây ở châu Âu nhằm tìm cách giảm bớt tác động từ giá năng lượng cao, chứ không phải kích thích chi tiêu. Trong quý II/2022, tăng trưởng tiêu dùng tại Eurozone tăng chưa đến 2% so với cùng kỳ năm 2019. Ở Mỹ, con số đó là 7%.

Hơn nữa, các chỉ báo tâm lý không cho thấy nền kinh tế châu Âu đang hướng tới suy thoái. Tiền lương tăng vừa phải và không có mấy dấu hiệu về vòng xoáy lương - giá.

Giá năng lượng hiện tại và tương lai trên thị trường bán buôn đã giảm so với mức cao điểm của mùa Hè. Các nút thắt cổ chai ảnh hưởng đến mọi thứ, từ vi mạch đến đồ nội thất, đã cải thiện. Có lẽ đỉnh lạm phát thực sự đang ở gần.

Tuy nhiên, tạp chí The Economist cho rằng sự lạc quan đó có thể là không có cơ sở. Giá năng lượng thấp hơn cần có thời gian để chuyển đến người tiêu dùng. Hầu hết mọi người vẫn đang chứng kiến mức tăng giá khổng lồ.

Pháp có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong Eurozone là 7,1% vào tháng 10, một phần do chính phủ nước này đã giới hạn giá khí đốt và điện. Tuy nhiên sang năm tới, giá sẽ được phép tăng 15%, làm tăng thêm lạm phát. Ở Đức, nhiều hộ gia đình có hợp đồng dài hạn và dần dần sẽ được gia hạn với giá cao hơn.

Và dù giá bán buôn năng lượng giảm trong cái nắng ấm áp của tháng 10, các dự báo trung hạn vẫn là mùa Đông lạnh và khô. Điều đó có nghĩa giá năng lượng nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Hơn nữa, phía Nga có thể làm leo thang cuộc chiến năng lượng.

Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá năng lượng và thực phẩm chỉ chiếm chưa đến 1/3 rổ hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để đo lường lạm phát. Nhưng xu hướng trong phần còn lại của rổ cũng đáng lo ngại. Giá dịch vụ và hàng hóa ngoài thực phẩm và năng lượng trong ba tháng qua đã tăng 6% so với năm trước.

Mặc dù giá năng lượng có thể là một phần nguyên nhân của sự tăng giá này - ví dụ như các nhà hàng cần sưởi ấm - quy mô của sự gia tăng đó cho thấy lạm phát đang lan rộng. Chuyên gia Chris Marsh của công ty nghiên cứu thị trường Exante lưu ý rằng tình hình của châu Âu có vẻ tương tự như ở Mỹ vài tháng trước.

Tăng lương cũng có khả năng làm tăng lạm phát. Cho đến nay, lương của người lao động châu Âu đã tăng rất ít. Không giống như ở Mỹ, cứ 10 người lao động thì có sáu người có thỏa thuận thương lượng tập thể và thỏa thuận có xu hướng kéo dài từ một năm trở lên - nghĩa là phải mất thời gian để các điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến lương của họ.

Các nhà đàm phán công đoàn đã hạn chế các yêu cầu, nhận thức được rằng vòng xoáy giá cả, tiền lương có thể quay lại ám ảnh họ. Nhưng sự kiên nhẫn của các nhà đàm phán đang bắt đầu vơi đi. Các công đoàn trong khu vực công của Đức sẽ tham gia các cuộc đàm phán sắp tới để tìm kiếm mức tăng 10,5%.

Vấn đề đối với các ông chủ là thị trường lao động vẫn đặc biệt căng thẳng. Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng thiếu nhân viên đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất đứng ở mức cao gần kỷ lục trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Một lý do là sự tồn đọng rất lớn của các đơn đặt hàng từ thời đại dịch.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, các công ty sản xuất phải mất trung bình trên năm tháng để đáp ứng các đơn hàng đã có, tăng so với mức bốn tháng trước khi COVID-19 xảy ra. Thêm vào đó là nhóm lao động nghỉ việc mỗi năm ở các quốc gia già hóa như Italy và Đức. Sang năm 2023, nhiều khả năng thị trường lao động sẽ vẫn căng thẳng như vậy.

Tất cả những yếu tố trên có nghĩa là đỉnh lạm phát có lẽ còn ở rất xa. Tình hình cũng sẽ không "dễ thở" khi lạm phát đạt đỉnh vì việc đi xuống khó khăn không kém. Giá năng lượng sẽ ổn định ở mức thấp hơn trong năm tới, điều này sẽ làm giảm lạm phát tổng thể. Tuy nhiên, lạm phát ở phần còn lại của nền kinh tế có thể vẫn tăng tốc, hạn chế mức giảm ngay lập tức.

Ngay cả khi mọi người mong đợi một cuộc suy thoái diễn ra trong thời gian ngắn, điều đó vẫn khó có thể chế ngự được lạm phát. Trong trường hợp đó, ECB sẽ phải siết chặt các chính sách một lần nữa.

Chuyên gia Marsh lưu ý Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) trong những năm 1970 thậm chí không hề nao núng khi nền kinh tế suy yếu và họ đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát./.

Đình Thư (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-economist-suy-thoai-co-the-khong-lam-giam-lam-phat-tai-chau-au/268372.html