The Economist: Trung Quốc đang tái tạo lại mô hình phát triển kinh tế và đừng coi thường Xinomics

Chủ tịch Tập Cận Bình đang định nghĩa lại khái niệm chủ nghĩa tư bản nhà nước cho những năm còn lại của thập kỷ 2020.

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên khốc liệt. Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm 2 ứng dụng của Trung Quốc là TikTok và WeChat, trừng phạt một số nhà lãnh đạo Hồng Kông và 1 thành viên nội các vừa có chuyến thăm tới đảo Đài Loan.

Điều này không có gì khó hiểu khi cứng rắn với Trung Quốc là một trong những nội dung chủ chốt trong chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Trump. Đồng thời những sự kiện gần đây cũng phản ánh quan điểm tạo nên thái độ mà chính quyền Trump thể hiện đối với vấn đề Trung Quốc suốt từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại đến nay: rằng cách tiếp cận này chắc chắn sẽ có hiệu quả, bởi vì chủ nghĩa tư bản nhà nước mà Trung Quốc đang theo đuổi không mạnh như vẻ bề ngoài.

Logic đằng sau nhận định này khá đơn giản. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng như vũ bão, nhưng chỉ bằng cách phụ thuộc vào công thức không bền vững bao gồm nợ, trợ cấp, chủ nghĩa thân hữu và ăn cắp tài sản trí tuệ. Nếu chịu áp lực quá lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bị lung lay, buộc các nhà lãnh đạo nước này phải nhượng bộ và cải cách theo ý muốn của phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói "các quốc gia yêu tự do trên thế giới cần phải hành động để buộc Trung Quốc phải thay đổi".

Tuy nhiên đến thời điểm này có thể nhận thấy đó là đánh giá sai lầm. Cuộc chiến thuế quan không làm tổn hại kinh tế Trung Quốc nhiều như dự đoán. Trung Quốc cũng tỏ ra khá kiên cường trước đại dịch Covid-19. IMF dự báo tăng trưởng GDP của nước này là 1% trong năm 2020, so với mức suy giảm 8% của kinh tế Mỹ. TTCK Thâm Quyến là một trong những TTCK lớn tăng điểm mạnh nhất từ đầu năm đến nay – chứ không phải New York.

Và tạp chí The Economist cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang định nghĩa lại khái niệm chủ nghĩa tư bản nhà nước cho những năm còn lại của thập kỷ 2020. Hãy quên đi những nhà máy thép nhả khói lên bầu trời và hạn ngạch. Chương trình nghị sự mới của ông Tập theo đuổi mục tiêu làm cho thị trường và các cải tiến sáng tạo hoạt động hiệu quả hơn nhưng là trong khuôn khổ những giới hạn được định nghĩa rất rõ ràng và nằm dưới sự giám sát của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó không phải là mô hình kinh tế như Milton Friedman miêu tả mà là sự kết hợp giữa mô hình quyền lực tập trung, công nghệ và nền kinh tế năng động sẽ có thể tạo ra tăng trưởng trong nhiều năm.

Đánh giá thấp nền kinh tế Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã tăng từ mức 2% trong năm 1995 lên 16% ở thời điểm hiện tại bất chấp sự hoài nghi của phương Tây. Các lãnh đạo doanh nghiệp ở thung lũng Silicon gọi các công ty công nghệ Trung Quốc là kẻ đạo nhái; giới bán khống ở phố Wall quả quyết những thị trấn ma sẽ khiến hệ thống ngân hàng Trung Quốc sụp đổ; các nhà nghiên cứu thống kê cho rằng Trung Quốc làm giả số liệu GDP và giới đầu cơ cảnh báo dòng vốn tháo chạy sẽ khiến Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên, những dự báo này vẫn chưa trở thành sự thật.

Có lẽ bởi vì mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Ví dụ, 20 năm trước kinh tế Trung Quốc chú trọng vào thương mại nhưng giờ xuất khẩu chỉ đóng góp khoảng 17% GDP. Trong suốt những năm 2010, các lãnh đạo Trung Quốc đã đem lại cho những công ty công nghệ như Alibaba và Tencent đủ không gian để lớn mạnh thành những gã khổng lồ.

Có thể gọi giai đoạn tiếp theo của mô hình phát triển mà Trung Quốc đang đi theo là Xinomics. Kể từ khi nắm quyền năm 2012, ông Tập đã làm nhiều thứ để tăng cường sức mạnh của kinh tế Trung Quốc trước những mối đe dọa như nợ tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ và những rào cản đối với khu vực tư nhân.

Xinomics có 3 trụ cột chính. Đầu tiên là thắt chặt kiểm soát chu kỳ kinh tế và nợ. Các gói kích thích tài khóa khổng lồ và những "đại tiệc nợ" giờ đã là câu chuyện rất xa xưa. Các ngân hàng buộc phải thể hiện rõ những hoạt động ngoại bảng và tăng vốn. Các công ty phát hành nợ trên thị trường trái phiếu, tăng tính minh bạch và theo cơ chế thị trường nhiều hơn. Không giống như cách phản ứng với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09, phản ứng của Trung Quốc với Covid-19 dè dặt thận trọng hơn. Gói giải cứu của Trung Quốc chỉ tương đương khoảng 5% GDP và chưa bằng một nửa so với những gì Mỹ đã tung ra.

Trụ cột thứ hai là cải thiện hệ thống hành chính công. Đại lục đã xây dựng được 1 hệ thống pháp luật thương mại phản ứng nhanh nhạy hơn với các hoạt động kinh doanh. Số vụ việc liên quan đến phá sản và bằng sáng chế - vốn rất hiếm – đã tăng gấp 5 lần kể từ khi ông Tập nắm quyền năm 2012. Trung bình chỉ cần 9 ngày để thành lập 1 doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Yếu tố cuối cùng là nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa các tập đoàn nhà nước và công ty tư nhân. Các công ty quốc doanh đang được cải tổ để nâng cao sức khỏe tài chính và thu hút nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó chính phủ tăng cường kiểm soát công ty tư nhân thông qua các tổ chức đảng nằm trong chính các công ty đó. Hệ thống chấm điểm tín dụng trừng phạt các công ty hành động sai trái.

Thay vì những chiến dịch mang tính bề nổi nhiều hơn như "Made in China 2025" được triển khai từ 2015, ông Tập đang chuyển hướng tập trung sang giải quyết những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, nơi Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những sự kiện từ bên ngoài hoặc đó cũng là những điểm mà Trung Quốc có thể tận dụng để tăng cường tầm ảnh hưởng ở nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với xây dựng nội lực trong những ngành công nghệ chủ chốt như pin và chip bán dẫn.

Ít nhất thì trong ngắn hạn Xinomíc đang tỏ ra hiệu quả. Trước khi Covid-19 ập đến, Trung Quốc đang có những tiến bộ trong việc giảm nợ và sau đó cú sốc kép gồm chiến tranh thương mại và đại dịch đã không thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Sản lượng của nhóm doanh nghiệp nhà nước đang tăng lên và các nhà đầu tư nước ngoài đổ nhiều tiền của vào thế hệ các doanh nghiệp công nghệ mới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài kiểm tra thật sự vẫn còn chưa đến. Trung Quốc đang hi vọng rằng chiến lược kế hoạch tập trung lấy công nghệ làm trung tâm sẽ có thể giúp duy trì đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên lịch sử cho thấy những yếu tố mang đậm tính phương Tây như mở cửa hoàn toàn, tự do ngôn luận ở mức độ cao hơn và hoạch định chính sách phi tập trung sẽ là những điều thần kỳ dẫn đến thành công.

Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng là Mỹ đã sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng đầu hàng. Mỹ và các đồng minh nên chuẩn bị cho 1 cuộc chiến dài hơn hơn rất nhiều giữa phương Đông và phương Tây. Không giống như Liên Xô trước đây, nền kinh tế khổng lồ quy mô 14.000 tỷ USD của Trung Quốc rất phức tạp và kết nối cao với phần còn lại của thế giới. Phương Tây vẫn nên tìm ra những cách mới và bền vững để hợp tác với Trung Quốc trên một số lĩnh vực, ví dụ như chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Nền kinh tế tư bản nhà nước của Trung Quốc không thể bị phủ nhận sạch trơn. Giờ là lúc để xóa bỏ ảo tưởng đó.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-economist-trung-quoc-dang-tai-tao-lai-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-va-dung-coi-thuong-xinomics-42020158144429563.htm