The Economist: Vì sao thị trường vốn của Anh kém hấp dẫn?
Anh là quốc gia công nghiệp đầu tiên, và với xuất phát điểm đó, vị trí nền kinh tế hàng đầu của nước này đang trong xu thế suy giảm. Điều đó thể hiện rõ ràng trên thị trường vốn.
Theo tạp chí The Economist, đồng bảng Anh từng là đồng tiền toàn cầu, nhưng hiện chỉ chiếm chưa đến 5% dự trữ ngoại hối. Thị trường tiền tệ của Anh từng nổi bật tại châu Âu nhờ lãi suất cao, nhưng điều đó không còn nữa. Thị trường chứng khoán Anh giờ là "cái bóng" của chính mình.
Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) quy mô lớn là rất hiếm. Sự khan hiếm này cùng với nhiều năm thị trường cổ phiếu kém hiệu quả đã khiến thị phần của Anh trong tổng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu giảm đi rõ rệt.
Tuy nhiên, giờ đây, nền kinh tế đã sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán London với các cổ phiếu niêm yết thuộc nhóm ngành khai thác mỏ, ngân hàng và công ty năng lượng, sẽ hoạt động tốt trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Mặc dù việc khắc phục những khiếm khuyết về cấu trúc của thị trường vốn của Anh là một nhiệm vụ lớn, nhưng điều đó không phải là không thể.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ước tính, dù hoạt động kinh tế tăng đột biến trong quý này, GDP của Anh sẽ vẫn thấp hơn khoảng 5% so với mức trước đại dịch. Nhưng triển vọng của nền kinh tế Anh vẫn được đánh giá là sáng sủa hơn hầu hết các nước khác, nhờ việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng.
Các yếu tố bất ổn đang giảm dần. Quá trình chuyển tiếp khi Anh rời khỏi EU (Brexit) đã kết thúc và đời sống chính trị dần ổn định. Ngay cả khi các tiếng nói giành độc lập của Scotland, và có thể là Bắc Ireland, vẫn còn tồn tại, thì đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn chiếm đa số trong quốc hội.
Chỉ số chứng khoán FTSE All-Share của Anh "nặng trĩu" với các loại cổ phiếu có tính chu kỳ và được ưa chuộng gần đây. Nhưng "ánh hào quang" của các nhà vô địch kỹ thuật số của ngày mai không dành cho những công ty thiếu sự đổi mới.
Nước Anh đã tích cực trong việc thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, với nhiều biện pháp giảm thuế khác nhau để giúp các công ty non trẻ huy động vốn. Anne Glover, chuyên gia thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Amadeus Capital Partners, cũng chỉ ra rằng Anh có 4 trường đại học hàng đầu là University of Oxford, University of Cambridge, Imperial College London và University College London.
Nước Anh hiện nay vẫn thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn bất kỳ nước châu Âu nào khác. Nếu tham vọng của bạn là xây dựng một công ty công nghệ có vị thế toàn cầu, thì việc bắt đầu xây dựng những ý tưởng ở một thành phố toàn cầu sẽ rất hữu ích.
Berlin rất tuyệt và rẻ, nhưng thiếu một trường đại học đẳng cấp thế giới. Paris rất đẹp, nhưng luật lao động của Pháp là một vấn đề nhức nhối. London có thể là một nơi dễ dàng hơn cho các doanh nhân định cư - mặc dù điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào cách thức hoạt động của các chương trình thị thực thời kỳ hậu Brexit.
Tuy nhiên, vấn đề mà nước Anh gặp phải là việc biến các công ty non trẻ thành những công ty niêm yết hàng đầu thế giới. Các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng khi đạt đến một giai đoạn trưởng thành nhất định lại gặp khó khăn trong vấn đề nguồn tài chính. Các công ty này vẫn còn quá nhỏ để được niêm yết, vì vậy cần các quỹ tư nhân để phát triển.
Nhưng những tấm séc lớn là đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ. Một khi hội đồng quản trị toàn người Mỹ, họ sẽ tìm kiếm một lối thoát cho khoản đầu tư của mình, đó có thể là bán công ty cho một doanh nghiệp lớn hơn hoặc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Nhiều doanh nhân Anh đã "cam chịu" bán cho người mua nước ngoài.
Doanh nhân về công nghệ tài chính Ron Kalifa đã đề xuất một loạt cải cách nhằm khuyến khích việc các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Anh. Các đề xuất này bao gồm việc thay đổi quy định về niêm yết ở London để cho phép niêm yết các loại cổ phiếu kép và cổ phiếu nhỏ lưu hành tự do, nhưng điều khoản được New York và Hong Kong (Trung Quốc) áp dụng. Ngoài ra còn có một đề xuất về quỹ chuyên biệt để quảng bá doanh nghiệp dành cho các doanh nghiệp trước IPO, được hỗ trợ bởi các nhà quản lý tài sản của Anh.
Bà Anne Glover nói rằng càng nhiều công ty công nghệ niêm yết ở Anh, thì càng có nhiều nhà phân tích và nhà quản lý tài sản địa phương quan tâm đến họ; điều đó sẽ khuyến khích việc niêm yết thêm các công ty khác./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-economist-vi-sao-thi-truong-von-cua-anh-kem-hap-dan/196244.html