The Financial Times: Việt Nam- Mô hình dập dịch Covid-19 ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế
Trong bối cảnh việc đương đầu với đại dịch Covid-19 đang là bài toán hóc búa với nhiều quốc gia, tờ The Financial Times (Thời báo Tài chính) danh tiếng của Anh đã có bài viết đánh giá cao nỗ lực và mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Tiêu đề bài viết ca ngợi nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam trên www.ft.com
Trong bài báo với nhan đề: "Vietnam’s coronavirus offensive wins praise for low-cost model" (tạm dịch Cuộc chiến chống virus corona của Việt Nam giành được sự ngợi ca bởi mô hình chi phí thấp) trên trang www.ft.com ngày 24/3, phóng viên của tờ Thời báo đã viết:
Không thực hiện xét nghiệm trên diện rộng
Trong lúc 96 triệu người dân Việt Nam đang chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trong cuộc họp, tuyên bố "tuyên chiến" với "giặc Coronavirus". Thời điểm đó, dịch bệnh này đang hoành hành tại Trung Quốc và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng chính thời điểm đó đã cảnh báo: dịch bệnh sẽ xâm nhập vào Việt Nam.
Chỉ ít lâu sau, vào thời điểm cuối tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: "Chống dịch như chống giặc".
Và kể từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam đã, đang chứng tỏ là mô hình chống dịch bệnh tại một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng lại có sự quyết tâm rất cao từ đội ngũ những người lãnh đạo (NV: Since then Vietnam has proved a model in containing the disease in a country with limited resources but determined leadership).
Ví dụ minh chứng cho "mô hình chi phí thấp" ấy là việc thay vì bắt tay vào xét nghiệm diện rộng, vốn là cách mà quốc gia giàu có hơn như Hàn Quốc đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam chú trọng cách ly những người nhiễm bệnh và tìm kiếm các đối tượng F1, F2, F3 đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Nói như ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng của Việt Nam (đơn vị mà theo FT là tương đương Cơ quan kiểm soát và dịch bệnh Hoa Kỳ), xét nghiệm diện rộng là tốt, nhưng còn tùy thuộc vào nguồn lực của từng quốc gia. Điều quan trọng là phải nắm được số lượng người mà bệnh nhân đã tiếp xúc, hoặc những người quay về từ vùng dịch sau đó mới khoanh vùng tiến hành xét nghiệm.
"Phản ứng rất chủ động và nhất quán"
Thời báo tài chính Anh: Việt Nam "đã phản ứng rất ấn tượng" trước dịch bệnh. Ảnh: Getty.
Bên cạnh việc tích cực tìm kiếm những người có nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhiễm bệnh, Việt Nam còn áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với các đối tượng nghi nhiễm. Một điểm nữa là Việt Nam đã huy động các sinh viên y khoa, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu cùng bước vào cuộc chiến chống dịch. Tờ FT dẫn lời giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales Canberra- một chuyên gia đã từng có rất nhiều nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có lực lượng an ninh lớn, có lực lượng quân đội và chính phủ ứng phó rất hiệu quả với thiên tai.
Tờ FT một lần nữa dẫn lời ông Trần Đắc Phu: Chúng tôi đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng bước vào cuộc chiến chống dịch với nỗ lực, khả năng cao nhất, đoàn kết cùng nhau chống dịch và điều quan trọng là chúng tôi đã tìm kiếm các trường hợp nhiễm bệnh và cách ly họ sớm.
Hà Nội đã thực hiện bắt buộc cách ly 14 ngày đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh và hủy hết các chuyến bay quốc tế. Việt Nam (tính tới thời điểm FT xuất bản bài báo này) đã có 123 ca bệnh Covid-19 nhưng chưa có ca bệnh nào tử vong. Phần lớn các ca bệnh phát hiện trong giai đoạn 2 đều từ nước ngoài trở về Việt Nam. Tính đến ngày 20/3, Việt Nam đã xét nghiệm 15.637 người, bằng một phần nhỏ so với con số 339.000 người được xét nghiệm ở Hàn Quốc.
Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch bệnh, sự bùng phát của dịch đều được thông tin rất minh bạch.
Theo FT, Việt Nam "đã phản ứng rất ấn tượng" trước dịch bệnh (Vietnam’s response has still been impressive). Như việc Việt Nam đã dừng tất cả chuyến bay hai chiều với Trung Quốc vào ngày 1/2; cho học sinh ở khắp các tỉnh thành tạm nghỉ học; Ngày 13/2, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư rộng lớn, bắt buộc cách ly 21 ngày tại một phần tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người sinh sống sau khi có nhiều ca nhiễm đến từ công nhân trở về từ Vũ Hán - vùng tâm dịch đầu tiên.
"Một sự phản ứng chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch"- Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Hà Nội- ca ngợi.