THẾ GIỚI 24H: Indonesia sắp ra mắt trung tâm chỉ huy thủ đô mới
Chính quyền thủ đô mới Nusantara (OIKN) của Indonesia sẽ ra mắt Trung tâm Chỉ huy OIKN trong đợt động thổ thứ 5 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/2 và 1/3 tới.
Ngày 26/2, người phát ngôn của OIKN, Troy Pantouw, cho biết Trung tâm Chỉ huy OIKN có thể hoạt động ngay sau khi ra mắt, sẽ cung cấp một cái nhìn trực quan về diễn biến thực tế của tình hình và phân tích thông tin đầu vào từ các phương tiện truyền thông. Theo kế hoạch chi tiết về phát triển thành phố thông minh Nusantara, việc phát triển thành phố thông minh sẽ được triển khai thông qua kết hợp công nghệ thông tin và dịch vụ công cộng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Quy hoạch tổng thể OIKN bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia; tạo dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo thành phố vận hành hiệu quả và bền vững. Bằng cách sử dụng các chính sách được công nghệ hỗ trợ, việc triển khai thành phố thông minh có thể tối ưu hóa mọi nguồn lực, cải thiện dịch vụ công và tạo ra một môi trường thân thiện với đổi mới.
Đan Mạch ra tuyên bố về vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc, Nga lên tiếng. Ngày 26/2, Đan Mạch tuyên bố kết thúc cuộc điều tra về các vụ nổ trong năm 2022 tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức. Reuters dẫn một tuyên bố của cảnh sát Đan Mạch khẳng định: "Chưa đủ căn cứ cần thiết để theo đuổi vụ án hình sự, do đó, cảnh sát Copenhagen đã quyết định kết thúc cuộc điều tra về các vụ nổ". Phản ứng về động thái này, Nga cho rằng, quyết định của quốc gia Bắc Âu là "gần như vô lý".
Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công mới. Ngày 26/2, tại diễn đàn “Ukraine năm 2024” tổ chức tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công mới và đã có kế hoạch rõ ràng liên quan đến một số thay đổi trong bộ chỉ huy. Việc thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang vừa qua là một phần trong chiến lược quân sự được giữ bí mật. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luân chuyển quân và cho rằng Ukraine cần chuẩn bị tốt hơn cho lực lượng dự bị.
Hungary có tổng thống mới sau bê bối chính trị. Quốc hội Hungary hôm qua đã bầu Chủ tịch hiện tại của Tòa án Hiến pháp Tamas Sulyok, 67 tuổi làm tổng thống mới của nước này. Ngay sau khi công bố kết quả, ông Tamas Sulyok đã tuyên thệ theo quy định của hiến pháp. Trong bài phát biểu ngắn gọn, ông Tamas Sulyok hứa sẽ minh bạch về các quyết định của mình liên quan đến việc ân xá và trao thưởng, cũng như ủng hộ sự đoàn kết của đất nước bằng cách phát huy các giá trị cơ bản của luật pháp.
Quốc hội Hungary phê chuẩn yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển. Ngày 26/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn động thái này. Cuộc bỏ phiếu được thông qua với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi giữa các đồng minh của Hungary nhằm thuyết phục chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc tại Hungary dỡ bỏ việc ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Nổ mìn tại miền Bắc Syria làm ít nhất 15 người thiệt mạng. Ngày 26/2, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong vụ nổ mìn tại tỉnh Raqqa, miền Bắc nước này. Vụ nổ xảy ra một ngày trước đó khi hơn 20 người dân đang tìm hái nấm đã trúng phải mìn, được cho là do tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cài lại. Theo SOHR, số người thiệt mạng sẽ tăng lên do trong 8 người bị thương có nhiều người thương nặng.
Nga thành lập Quân khu Moscow và Leningrad. Ngày 26/2, truyền thông Nga cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh khôi phục các Quân khu Moscow và Leningrad. Như vậy, Nga sẽ không còn Quân khu miền Tây, mà thay vào đó là hai quân khu mới. Các Quân khu miền Trung và miền Đông vẫn giữ nguyên ranh giới.
Hy Lạp tham gia phái bộ hải quân của Liên minh châu Âu ở Biển Đỏ. Ngày 26/2, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận việc nước này tham gia vào phái bộ hải quân của Liên minh châu Âu (EU) ở Biển Đỏ để bảo vệ tàu thương mại trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen. Một quan chức Chính phủ Hy Lạp xác nhận một khinh hạm của nước này sẽ khởi hành đến Biển Đỏ trong những ngày tới.
Nga cấm xuất khẩu xăng dầu trong vòng 6 tháng.Thủ tướng Liên bang Nga, ông Mikhail Mishustin ngày 26/2 đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3/2024. Các nguồn thạo tin cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tăng hạn mức bán dầu diesel trên sàn giao dịch lên 16%. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.