Thế giới ảo, tội phạm thật
Các hội nhóm ảo trên mạng xã hội kích động người dùng vi phạm pháp luật hoặc thực hiện các hành vi ảnh hưởng đến tính mạng con người đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Hậu quả của các hội nhóm này đã và đang hiện hữu ngoài đời thật, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có các biện pháp nào nhằm ngăn chặn và xử lý triệt để.
Áp lực đồng trang lứa, tổn thương vì sống trong gia đình không hạnh phúc, Hoàng Thị Lan (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) đã tham gia vào các hội nhóm tâm sự kín với mong muốn được chia sẻ, đồng cảm và tìm cách vượt qua những tiêu cực.
Khi Hoàng Thị Lan chia sẻ vào trong nhóm: “Mỗi sáng thức dậy biết mình còn sống, đáng sợ hơn là mình chết đi, nhiều khi ước gì không thức dậy nữa. Chết có khi là giải thoát cho chính mình...”, mỗi thành viên trong nhóm này lại “tiếp tay” đẩy Lan đến ý định kết thúc cuộc đời mình, dập tắt những hy vọng sống mong manh cuối cùng.
Ông bà ta có câu "chọn bạn mà chơi" và với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều người giờ cho rằng cần có thêm câu "chọn hội mà vào". Bởi đằng sau mục đích muốn tìm kiếm những người cùng chia sẻ, có thể những người lập ra các hội nhóm này còn có mục đích trục lợi.
Hội nhóm ảo nhưng hậu quả thật đã và đang trở thành mối nguy hiểm dẫn đến nhiều loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên.
Mới đây, một nhóm gồm 12 đối tượng đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, tụ tập và bàn bạc phương thức phạm tội trên hội nhóm kín, cứ vào ban đêm, cả nhóm tập hợp đuổi đánh người đi đường vì thấy “ngứa mắt”. Sau khi nhận tin báo, Công an quận Thanh Xuân đã bố trí lực lượng, tổ chức chia ca trinh sát, mật phục địa bàn từ 22h đêm đến sáng ngày hôm sau nhằm rà soát, truy tìm dấu vết, bắt giữ nhóm thanh niên trên.
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, tội phạm bạo lực, bao gồm cả những vụ giết người, cướp của trong nhóm vị thành niên có xu hướng tăng, ở cả thành thị và nông thôn. Một trong những lý do ảnh hưởng tới loại tội phạm này là sự xuất hiện của những hội nhóm rủ rê vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Những bài viết tác động tới tâm lý của người dùng mạng, từ đó chi phối cả hành vi của họ. Chỉ tính riêng nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", trong năm 2023 đã gây ra đến 3 vụ cướp ngân hàng gây xôn xao dư luận. Đây không còn là hồi chuông cảnh báo về hệ lụy mà các hội nhóm xấu trên mạng tạo ra, nó đã trở thành mối nguy hại trầm trọng cần cơ quan chức năng can thiệp và có hướng xử lý triệt để.
Pháp luật không “dung thứ” cho các đối tượng phạm tội. Bất kỳ nguy cơ nào tạo điều kiện cho việc vi phạm pháp luật xảy ra đều đáng bị lên án. Muốn vậy, mỗi người cần có sự chọn lọc thông tin và có thái độ bài trừ những nội dung tiêu cực. Khi thấy bản thân hay người thân có những dấu hiệu về tâm lý, cần tìm đến những người có chuyên môn để tìm biện pháp điều trị phù hợp, tránh những chuyện không mong muốn xảy ra.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/the-gioi-ao-toi-pham-that-258947.htm