Thế giới 'ảo' và giới hạn của người dùng

Mấy ngày qua, chuyện 'sống ảo' trên mạng xã hội (MXH) hay việc đưa các video clip trái đạo đức, phạm pháp lên mạng xã hội được dư luận 'hâm nóng' sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi 'Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân' quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Tiếp đó là việc một số người livestream, quay phim đăng trên nền tảng YouTube về hoạt động liên quan đến ông Nguyễn Minh Phúc được biết đến là người giả danh tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng được dư luận dẫn chứng, coi đó là điển hình cho lối “sống ảo” trên MXH. Theo đó, ông này đã tới Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh rồi tự thuê bộ đồ cử nhân chụp hình đưa lên mạng và tự nhận tốt nghiệp trường này. Mới đây, cơ quan Công an đã mời 5 YouTuber lên làm việc và yêu cầu gỡ bỏ tất cả các video clip này khỏi các trang YouTube.

Thanh niên thực hiện clip “cho đất ăn tiền” gây phản cảm trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Thanh niên thực hiện clip “cho đất ăn tiền” gây phản cảm trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Trước đó, trên MXH cũng xuất hiện một clip gây phản cảm ghi lại cảnh một nam thanh niên mang áo vest, đầu đội nón đen, ngồi sau xe bán tải liên tục rải nhiều cọc tiền mệnh giá 100 ngàn đồng, 200 ngàn đồng và 500 ngàn đồng xuống đường nhựa trong một khu đất nông nghiệp ở thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với ngụ ý “muốn giàu thì phải nuôi đất, nuôi thì phải cho đất ăn tiền”…

Có thể thấy, những vụ việc đầy phản cảm kể trên có vẻ ngày càng nở rộ với sự tiếp tay của một bộ phận người vô ý cũng như cả cố ý khi lối “sống ảo” trên MXH đang có phần bị thả nổi thời gian qua.

Gần đây, để kiếm tiền, câu view, câu like, nhiều người đã bất chấp đưa những clip trái đạo đức, sai sự thật, quay lén chuyện riêng tư tế nhị của người khác, phạm pháp lên MXH. “Sống ảo” trên mạng, theo nhiều chuyên gia là lối sống, cách sống không giống với hoàn cảnh thực ngoài đời. Thoạt đầu là những màn PR bản thân, khoe nhà, xe, quần áo, nữ trang… với mục đích để người khác thích thú, tặng cho nhiều “like và share”.

Theo thời gian, người sống ảo bắt đầu đưa lên MXH những việc không thật, không phân biệt được mối liên hệ giữa con người trong đời thật và hình ảnh bản thân tự vẽ ra. Cứ thế, lối “sống ảo” càng lan mạnh, lên ngôi, dần hình thành sự dối trá, giả tạo, háo danh, thích “nổ”, biến bản thân thành người “hai mặt”. Và vì sống theo lối “sống ảo” mà một số người ảo tưởng về sức mạnh bản thân, không kiểm soát được hành vi trong đời sống thực, nguy hại hơn nữa là đánh mất nhân cách, vi phạm pháp luật.

Thực tế, ngoài những vụ việc nổi bật kể trên, hiện nay trên các MXH, không khó để thấy có rất nhiều blogger, streamer, vlogger sử dụng các nền tảng khác nhau để phát tán những thông tin sai lệch, bịa đặt lên MXH để thu hút người theo dõi nhằm trục lợi cá nhân.

Thời gian qua, Công an các tỉnh thành trên cả nước đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc liên quan tới hành vi đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật trên MXH. Thông tin sai lệch do những đối tượng “sống ảo” đưa lên MXH đã nhận được chia sẻ, bình luận của không ít người khác khiến công chúng hiểu sai bản chất vụ việc, bình luận chửi bới, xúc phạm lực lượng chức năng. Chỉ đến khi được cơ quan chức năng mời làm việc, chứng minh, phân tích đúng sai, những đối tượng “sống ảo” mới thừa nhận thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật, “cốt chỉ để câu view”, thừa nhận hành vi vi phạm, xóa bỏ các bài viết đã đăng tải và cam kết không tái phạm.

Theo Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh, cùng với những lợi ích được người sử dụng khai thác, thì MXH cũng có những mặt trái của nó, mà mỗi người chúng ta cần phải cẩn trọng để chọn lọc, sử dụng MXH một cách thông minh để không bị sa đà chìm đắm trong “môi trường ảo”, mà quên đi đời sống thực, thậm chí vi phạm pháp luật.

Người sử dụng MXH phải luôn có ý thức thận trọng, tỉnh táo, nhận thức được trách nhiệm của cá nhân trước khi đưa bất kỳ thông tin gì lên MXH. Trách nhiệm ở đây là nghiêm túc tuân thủ quy định của luật pháp, đặc biệt là các Luật An ninh mạng và Nghị định 72 của Chính phủ về xử lý vi phạm trên môi trường mạng. Không đăng tải thông tin sai trái, bịa đặt, nhất là thông tin gây hại cho người khác, vi phạm quyền nhân thân, uy tín của tổ chức, cá nhân. Những thông tin dự định đưa lên mạng phải chân thật, khách quan…

Đồng thời, người sử dụng MXH cần lựa chọn đối tượng kết bạn phù hợp; Không click (nhấp chuột), like (thích), share (chia sẻ) những thông tin độc hại, không rõ nguồn gốc thông tin, vì chính điều này có thể dẫn người sử dụng MXH vướng vào những rắc rối không đáng có như click vào tin độc hại có thể người sử dụng bị lấy cắp thông tin cá nhân phục vụ cho các ý đồ phạm tội hoặc làm “bay mất” tài khoản Facebook…

Nếu “like, share” hoặc đăng tải những thông tin phản động, những thông tin không đúng sự thật, những thông tin quảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ; những thông tin cá nhân, riêng tư, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác (kể cả là vô ý, vì có nhiều thông tin có vỏ bọc gắn với những chi tiết, sự kiện, cá nhân có thật nên người xem có thể dễ dàng tin theo mà không nhận ra các ẩn ý bên trong hoặc không nhận thức được những nội dung xuyên tạc, bóp méo trong đó… ) thì cũng bị pháp luật xử lý.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dùng MXH cần phải tự kiểm chứng nguồn gốc của thông tin để tránh bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến bản thân vi phạm pháp luật mà không biết. Có tinh thần trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Có như vậy, MXH mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong không gian mạng và trong cuộc sống.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/the-gioi-ao-va-gioi-han-cua-nguoi-dung-i649399/