Thế giới ASEAN và thị trường giáo dục, học tập thông minh
Để phát triển thị trường giáo dục và học tập thông minh, rất nhiều nỗ lực và sáng kiến của các chính phủ trên khắp châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đã được triển khai để tăng số lượng cơ sở giáo dục trực tuyến và giáo dục thông minh. Nhờ đó, thị trường giáo dục của khu vực đang ngày càng chứng kiến sự sôi động hơn trong vài năm qua.
Ngày càng có nhiều người theo đuổi hình thức học tập trực tuyến. Ảnh minh họa: Tạp chí Giao thông
Hiện nay, chính phủ cũng đang cung cấp các khoản viện trợ và chính sách phát triển để khuyến khích nhiều cơ sở, tổ chức giáo dục tham gia vào thị trường này. Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Nghiên cứu thị trường minh bạch (TMR) cho rằng, để các công ty tận dụng tối đa cơ hội phát triển trong thị trường giáo dục và học tập thông minh, điều kiện tiên quyết là phải phấn đấu tạo ra điểm khác biệt.
Theo TMR, thị trường giáo dục và học tập thông minh ASEAN sẽ có giá trị đạt đến 88,97 triệu USD vào năm 2020 và có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 19,7% trong giai đoạn từ 2016 đến 2020. Trên cơ sở địa lý, thị trường Malaysia dự kiến sẽ là nước phát triển mạnh nhất. Sự thâm nhập sâu của điện thoại thông minh và công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là những yếu tố thúc đẩy thị trường giáo dục và học tập thông minh Malaysia phát triển mạnh mẽ. Ngoài Malaysia, Indonesia cũng được nhìn nhận sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn cho giáo dục và học tập thông minh. Trên cơ sở mô hình phân phối, học tập thông qua máy tính để bàn, hoặc điện thoại thông minh được dự đoán sẽ là hai phương pháp dẫn đầu.
Theo báo cáo, việc sử dụng điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao ngày càng tăng sẽ là hai yếu tố thúc đẩy cho thị trường giáo dục và học tập thông minh của ASEAN. Cùng lúc đó, việc thực hiện những dự án tích hợp các giải pháp giáo dục và học tập thông minh với công nghệ thông tin trong trường học cũng đang phát triển theo cấp số nhân. Các tổ chức giáo dục đang biến việc học trở thành một quá trình tương tác và định hướng bởi công nghệ thông tin bằng cách giới thiệu điện thoại thông minh, máy tính bảng, bảng thông minh và thực tế ảo... trong lớp học.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cho dụng cụ giáo dục và học tập thông minh cao hiện đang là thách thức lớn. Cùng nhiều khó khăn khác như vẫn còn quá ít khóa học trực tuyến sẵn có để học sinh, sinh viên lựa chọn..., chính phủ các nước cần nhanh chóng khắc phục để tạo ra cơ hội tăng trưởng đáng kể cho thị trường giáo dục thông minh trong tương lai.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ On Your Desks)