Thế giới cần chung tay vì đa dạng sinh học
Thực trạng đa dạng sinh học (ĐDSH) bị suy thoái nghiêm trọng đang đặt ra yêu cầu cấp bách cho các quốc gia đều phải có trách nhiệm đối với vấn đề này.
Vừa qua, các nhà lãnh đạo của hơn 60 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, Đức, Canada, New Zealand và Anh, đã cùng ký tên điện tử vào một bản cam kết nhằm đẩy lùi sự mất mát ĐDSH vào năm 2030 để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia này đại diện cho hơn 1,3 tỷ người và hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Trong bản cam kết, các nhà lãnh đạo cảnh báo rằng nhân loại đang ở trong tình trạng khẩn cấp do khủng hoảng khí hậu và các hệ sinh thái bị phá hủy bởi hoạt động do con người, gây ra “mối nguy hại không thể đảo ngược” đối với sự sống trên trái đất, có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra những đại dịch như Covid-19 trong tương lai.
Báo The Guardian (Anh) cho biết, để khôi phục sự cân bằng với thiên nhiên, các chính phủ và EU đã đưa ra cam kết 10 điểm, trong đó nhấn mạnh đến nỗ lực giảm nạn phá rừng, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt không bền vững, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và bắt đầu chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất lương thực bền vững... Bên cạnh đó, họ cũng cam kết sẽ đưa vấn đề động vật hoang dã và khí hậu vào trọng tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Phát biểu trực tuyến tại lễ ra mắt cam kết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về ĐDSH của Liên hợp quốc (LHQ), Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, các nước phải biến những lời cam kết thành hành động và sử dụng chúng để tạo động lực và thống nhất các mục tiêu ràng buộc. Ông Boris Johnson cho biết, Anh sẽ dành thêm 30% diện tích đất đai, tương đương 400.000ha, để bảo vệ thiên nhiên vào năm 2030.
ĐDSH là một thuật ngữ khái quát để chỉ các giống loài khác nhau trong tự nhiên, bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó. ĐDSH có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gene vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu khác... Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng trái đất đang trải qua thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 mà thủ phạm không ai khác chính là con người. Tuyệt chủng là quy luật tất yếu của tự nhiên nhưng tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật, thực vật hiện nay cao hơn so với mức trung bình từ 100-1.000%. IUCN thống kê, từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu héc-ta rừng bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, hơn 1 triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 75% diện tích mặt đất và 66% diện tích đại dương bị thay đổi đáng kể.
Nhiều năm nay, ĐDSH đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, có 5 nguyên nhân chính gây mất ĐDSH do hoạt động của con người gây ra, đó là: Thay đổi nhu cầu sử dụng đất; khai thác quá mức động vật, thực vật hoang dã; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; sinh vật ngoại lai xâm hại. Dịch Covid-19 bùng phát được coi như một “cơn giận dữ” của thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiên, nó cũng không ngăn được cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang nhanh chóng trở lại mức trước khi dịch bệnh xuất hiện; tình trạng cháy rừng, lũ lụt, mưa bão vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Theo Báo cáo Triển vọng ĐDSH toàn cầu (GBO) lần thứ 5 được LHQ công bố vào giữa tháng 9-2020, nhân loại đã “bỏ lỡ” tất cả các Mục tiêu ĐDSH Aichi năm 2010 để bảo tồn thiên nhiên và cứu ĐDSH của trái đất. Dù vậy, báo cáo cũng nêu ra một số tiến bộ đã đạt được như: Tỷ lệ phá rừng đã giảm khoảng 1/3 so với thập kỷ trước, các khu bảo tồn tăng từ 10% lên 15% trên đất liền và từ 3% lên ít nhất 7% dưới đại dương trong 20 năm qua. Con người vẫn còn thời gian để ngăn chặn và thậm chí đảo ngược việc mất mát ĐDSH, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ. “Thực tế cho chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm nhằm tạo ra những bước chuyển biến tích cực nhằm bảo vệ ĐDSH”, bà Lina Barrera, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chính sách quốc tế của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, nhận định.
Từ lời nói đến hành động là chặng đường dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào chính vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn nhân loại. Bảo vệ ĐDSH chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai bền vững. Đây là thời điểm để tất cả các quốc gia trên thế giới phải kết nối hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái, phục hồi ĐDSH.