Thế giới chạm mốc 100 triệu ca mắc Covid-19
Sáng nay (26/1), thế giới đã chạm mốc 100 triệu ca mắc Covid-19, chỉ sau khoảng 2 tuần đạt mốc 90 triệu.
Dù các chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được triển khai tại nhiều quốc gia và dự kiến được mở rộng quy mô, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đưa ra cảnh báo về sự lây lan nhanh, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa mới ký sắc lệnh duy trì các hạn chế đi lại đối với hầu hết các nước châu Âu, Brazil và Nam Phi để hạn chế sự lây lan của biến thể mới, bất chấp tính hiệu quả của vaccine.
Tại vùng dịch lớn nhất thế giới, Mỹ hôm qua (25/1) đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thế mới của SARS-CoV-2, được phát hiện tại Brazil. Lo ngại nguy cơ lây lan các biến thể mới của virus, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh duy trì các hạn chế đi lại đối với hầu hết các nước châu Âu và Brazil. Chính quyền mới của Mỹ cũng đang mở rộng các hạn chế đi lại đối với Nam Phi, nơi xuất hiện một biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang hướng tới mục tiêu tiêm chủng cao hơn mức đề ra trước đó, cố gắng tiêm được cho 1,5 triệu người mỗi ngày, tức 150 triệu người trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ:
“Chúng tôi lạc quan rằng chúng tôi sẽ có đủ vaccine. Tôi khá tự tin rằng, trong vòng 3 tuần tới, chúng tôi có thể tiêm chủng cho mọi người với quy mô 1 triệu liều mỗi ngày hoặc vượt quá mức đó. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt mức tiêm được 150 triệu lượt vaccine Covid-19 cho người dân trong 100 ngày đầu tiên, thay vì mức 1 triệu mỗi ngày như hiện nay”, ông Biden nói.
Theo các khảo sát mới nhất, người dân Mỹ đang tỏ ra hài lòng với các chính sách phòng chống dịch bệnh của vị Tổng thống thứ 46 của nước này.
Tại châu Âu, số ca mắc trong ngày tại nhiều nước liên tiếp xô đổ các kỷ lục trước đó. Tây Ban Nha trong 24h qua ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, với hơn 38.000 ca, tiếp sau là Anh và Nga.
Trong 14 ngày qua, tỷ lệ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha lên tới 884,7 ca/100.000 người. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này dự báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày sẽ bắt đầu giảm trong vài ngày tới và đỉnh điểm làn sóng dịch thứ 3 ở nước này rơi vào cuối tuần này hoặc cuối tuần sau.
Trong khi đó, Chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ các quốc gia thiếu nguồn lực trong việc xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Anh hy vọng sẽ sử dụng vị trí Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong năm 2021 để thúc đẩy một “hệ thống y tế toàn cầu hợp tác và hiệu quả hơn” nhằm chuẩn bị tốt hơn trong việc ứng phó với các mối đe dọa trong tương lai.
Nam Phi vẫn là nước chịu ảnh hượng nặng nề nhất của đại dịch tại châu Phi. Tunisia cũng mới đã phải ban bố quy định hạn chế số ca mắc bệnh nhậm cảnh; giữ nguyên lệnh cấm các chuyến bay quốc tế với các nước phát hiện biến thể mới.
Hôm qua (25/1), Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan ngay cả sau khi tiêm chủng quy mô lớn trong tương lai gần. Theo ông, mức độ bao phủ của vaccine sẽ không đạt đến mức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, con người có thể sẽ tiếp tục bị lây nhiễm. Ông nhận rằng, không nên trông chờ việc loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm 2021.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn cảnh báo vaccine phòng bệnh hiện nay đang được phân bổ một cách không đồng đều:“Thế giới đang đứng trên bờ vực của một sự thất bại thảm hại về đạo đức, nếu khả năng tiếp cận vaccine của con người không công bằng. Hai nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Phòng Thương mại quốc tế (ICC) còn cho thấy, việc phân bổ vaccine không đồng đều không chỉ là một thất bại về đạo đức, mà còn gây ra thất bại về kinh tế.”./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/the-gioi-cham-moc-100-trieu-ca-mac-covid-19-833131.vov