Thế giới 'chạy đua' chế tạo bộ chẩn đoán nhanh virus corona

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang làm việc gấp rút để phát triển bộ xét nghiệm chẩn đoán virus corona với mục tiêu cho kết quả trong thời gian kỷ lục.

Việc một số nhà khoa học giải trình tự gen của virus corona, đồng thời chia sẻ chúng lên các kho dữ liệu mở, đã mở đường cho các trung tâm nghiên cứu chế tạo bộ xét nghiệm nhanh loại virus này.

Khi tình trạng nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới, nhu cầu có một loại kit chẩn đoán nhanh và đáng tin cậy là rất cấp bách. Theo phương pháp hiện tại, để xác định một người có dương tính với corona thật sự hay không cũng phải mất đến vài tuần.

Sau khi đại dịch bùng phát, đã có 3 nhóm nghiên cứu làm việc độc lập để xác định nguyên nhân cụ thể của đại dịch cúm này.

Nhóm đầu tiên bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Thượng Hải, Vũ Hán, Bắc Kinh và Sydney. Họ đã dùng kỹ thuật giải trình tự RNA hệ gen tự nhiên (Metagenomic) từ mẫu bệnh phẩm duy nhất của một bệnh nhân sống tại chợ hải sản. Kết quả hệ gen đã được gửi về kho lưu trữ GenBank.

Cùng lúc đó, đội phản ứng nhanh do Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc phái đi cũng báo cáo đã phân lập và nuôi cấy được một loại virus mới từ dịch rửa phế quản của 3 bệnh nhân.

Qua kính hiển vị, họ phát hiện hình thái điển hình của virus corona, đồng thời chứng minh được nó có các phản ứng gây bệnh trên tế bảo biểu mô phế quản người. Hệ gen của virus này giống đến 85% một chủng virus được tìm thấy ở dơi trước đó. Đến ngày 12/1, nhóm này cũng gửi thêm 3 trình tự hệ gen vào hệ thống lưu trữ dữ liệu dịch cúm (GISAID).

Nhóm thứ ba ở Vũ Hán và Bắc Kinh đã phát hiện cùng loại virus gây bệnh trên 5 bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Họ đã gửi thêm dữ liệu 5 mã gen về GISAID. Các tác giả cho biết, loại virus này sử dụng enzyme chuyển hóa Angiotensin II để xâm nhập vào tế bào vật chủ giống như SARS-CoV, chủng virus gây ra vụ dịch năm 2002-2003 khiến 8.096 người nhiễm bệnh và 774 người tử vong.

Thế giới ‘chạy đua’ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh virus corona

Một vài nhóm quốc tế đã dựa trên dữ liệu trình tự này để thiết kế mồi cho phản ứng chuỗi polymerase (PCR) nhằm hỗ trợ các phòng thí nghiệm y tế công cộng trên toàn cầu trong trường hợp không có xét nghiệm thương mại cho virus corona.

Ông Christian Drosten thuộc Viện Virus học, Bệnh viện ĐH Charite tại Berlin cùng các cộng sự ngày 23/1 cũng đã công bố chi tiết về xét nghiệm Real-time RT-PCR và quy trình xét nghiệm.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu tại ĐH Hồng Kông đã phát triển hai xét nghiệm chẩn đoán PCR một bước phiên mã ngược định lượng. Hai xét nghiệm này được đánh giá bằng cách sử dụng hai mẫu bệnh phẩm thu được từ bệnh nhân nhiễm virus corona.

Xét nghiệm PCR rất nhạy nếu được sử dụng đúng cách. “Trong tay chúng tôi có độ nhạy 10 bản sao cho mỗi phản ứng”, Leo Poon, Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng, ĐH Hồng Kông nói. Tuy nhiên, âm tính giả - sự thất bại trong việc phát hiện virus ở bệnh nhân bị nhiễm bệnh - có thể là một vấn đề đáng kể trong cài đặt vận hành công suất cao.

Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh đã phát triển các xét nghiệm chẩn đoán của riêng mình trên tất cả 50 bang trong nước. Các xét nghiệm này là phương pháp đối phó tạm thời trong thời gian chờ đợi bộ kit chẩn đoán nhanh được sản xuất rộng rãi.

Ở Trung Quốc, Viện nghiên cứu hệ gen Bắc Kinh cũng đã phân phối hơn 50.000 bộ xét nghiệm như vậy trên khắp cả nước. Ngày 5/2, Viện này mở một phòng thí xét nghiệm khẩn cấp ở Vũ Hán với quy mô lên tới 10.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Song song với phát triển bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, các nhà dịch tễ học cũng đã điều chỉnh lại các công cụ phân tích dữ liệu số hóa về sự bùng phát của dịch cúm này.

Trung tâm Khoa Học và Công Nghệ tại ĐH Johns Hopkins cũng đã đưa ra một bản đồ để theo dõi tiến độ lây lan của virus corona theo thời gian thực. Các dữ liệu này sau đó đã được cung cấp miễn cho các nhà khoa học thông qua kho lưu trữ GitHub.

Nguồn gốc số liệu đến từ DXY, một nguồn dữ liệu trực tuyến được điều hành bởi cộng đồng y khoa Trung Quốc. Tính đến ngày 19/2, nguồn này chứa thông tin lâm sàng và dịch tễ học của hơn 7.800 ca bệnh riêng lẻ. Đây là những dữ liệu rất quan trọng mà các trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới đang cần.

Các nhà khoa học cho biết, có vô số diễn biến khó lường của dịch bệnh này. Tại tỉnh Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, hiện vẫn có hàng triệu người đang phải chiến đấu với dịch bệnh.

Trường Giang (Theo Nature)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/the-gioi-chay-dua-che-tao-bo-chan-doan-nhanh-virus-corona-619107.html