Thế giới có gần 11 triệu ca mắc COVID-19, Mỹ chịu tác động mạnh nhất
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Houston, bang Texas, Mỹ - Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang mạng thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 3/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 10,97 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 523.000 ca tử vong.
Tổng số hơn 6,13 triệu người mắc bệnh đã hồi phục và hiện còn hơn 4,31 triệu người đang được điều trị, khoảng 1% trong số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Tới nay, dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Quốc gia này có hơn 8,23 triệu ca mắc bệnh và hơn 131.000 ca tử vong. Hơn 30 bang đã ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, một dấu hiệu mới nhất cho thấy đại dịch COVID-19 từng được cho là đang suy yếu, lại đang lây lan nhanh chóng tại cường quốc số một thế giới.
Florida, một trong những bang có tốc độ lây lan nhanh nhất trong tháng 6, ghi nhận 10.000 ca mới trong ngày 2/7, cao nhất trong ngày của bang này tính tới nay. Trong khi đó, California, một tâm dịch khác của đợt bùng phát mới, có tỉ lệ các xét nghiệm dương tính với virus tăng 37% và tỉ lệ bệnh nhân nhập viện tăng 56% trong hai tuần qua. Ngoài ra, Texas và Arizona cũng là các điểm nóng mới.
Trước làn sóng dịch COVID-19 mới, nhiều bang của Mỹ đã phải tạm ngừng kế hoạch mở cửa tiếp theo, đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Bang Texas đã ban hành một lệnh hành pháp bắt buộc người dân phải che mặt ở các nơi công cộng, cấm các cuộc tụ họp quá 10 người và bắt buộc phải giữ khoảng cách xã hội là 2m đồng thời sẽ phạt tiền những người vi phạm
.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 gây tổn hại to lớn tới nền kinh tế vẫn chưa kết thúc.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Merkel nêu rõ virus SARS-CoV-2 chưa biến mất và đang thử thách năng lực đoàn kết của châu Âu.
Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng đạt sự đồng thuận về một quỹ phục hồi trị giá hàng tỉ euro sau đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi châu Âu cùng quyết tâm vượt qua tình thế khó khăn hiện nay. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tháng 7 là thời điểm tốt nhất để thông qua ngân sách của khối, tuy nhiên khi chưa thể đạt đồng thuận thì các nước có thể tiếp tục thảo luận để đi tới sự thống nhất trong mùa Hè.Bà Merkel nêu rõ: “Cần phải đạt được một thỏa thuận trong mùa hè này. Tôi không thể hình dung về một thời điểm nào khác. Do vậy, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức nhằm thể hiện sự quyết tâm. Chúng ta biết rằng châu Âu đang ở thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của khối”.
Trong động thái duy trì kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, Hungary tuyên bố không cho phép công dân các nước không thuộc EU, ngoại trừ Serbia, nhập cảnh. Thủ tướng Hungary Victor Orban khẳng định quốc gia thành viên EU sẽ vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới và sẽ tái thiết lập một khu vực hành lang dành riêng cho những du khách quá cảnh nước này tương tự như trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch.
Chính phủ Thụy Sĩ cũng thông báo từ ngày 6/7, du khách tới từ 29 quốc gia sẽ phải đăng ký với giới chức nước này và tự cách ly nhằm ngăn chặn một đợt tái bùng phát dịch. Danh sách 29 quốc gia bao gồm Mỹ, Thụy Điển, Brazil và Nga, những nước được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, du khách đã từng có thời gian ở những quốc gia thuộc danh sách trên trong vòng 14 ngày trở lại cần phải lập tức thông báo với giới chức Thụy Sĩ ngay khi tới nước này, sau đó cách ly trong 10 ngày.
Tại châu Á, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thông báo nước này đang lập các trung tâm xét nghiệm PCR tại 3 sân bay lớn ở thủ đô Tokyo và Osaka. Thông báo được đưa ra trong thời điểm quốc gia Đông Bắc Á này chuẩn bị dỡ bỏ lệnh cấm đi lại. Hiện chỉ có khoảng 1.000 lượt xét nghiệm PCR được thực hiện hàng ngày ở các điểm kiểm dịch đặt tại sân bay của Nhật Bản và thường mất 1-2 ngày để có kết quả.
Với kế hoạch mới, Nhật Bản hy vọng có thể thực hiện được khoảng 4.000 lượt xét nghiệm PCR mỗi ngày và thời gian chờ kết quả dự kiến được rút xuống còn vài giờ.
Tại Hàn Quốc, do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19, hơn 4.000 cơ sở kinh doanh tại Seoul đã phải đóng cửa trong sáu tháng đầu năm nay. Ngành kinh doanh thực phẩm tại Hàn Quốc bao gồm nhà hàng, quán rượu, quán càphê và cửa hàng tiện lợi vốn thường có ít rào cản về các thủ tục gia nhập nên thu hút được nhiều cá nhân tự đầu tư. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 kéo dài mà nhiều chủ các cơ sở này quyết định không tiếp tục kinh doanh hoặc chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng.
Cùng ngày 2/7, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) dự báo sẽ có khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp tại Mỹ Latin phải đóng cửa trong nửa cuối năm 2020 này do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, kéo theo đó là khoảng 8,5 triệu người cũng bị mất việc làm.
Trong báo cáo mới nhất của cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, CEPAL nhấn mạnh phần lớn các doanh nghiệp bị tác động của đại dịch là các công ty siêu nhỏ và nhỏ. Báo cáo nêu rõ, đa phần các doanh nghiệp Mỹ Latin ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập, gây khó khăn cho việc duy trì các hoạt động trong bối cảnh bị hạn chế bởi các biện pháp phòng ngừa y tế và tài chính.
Theo CEPAL, các hoạt động thương mại bán buôn và bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, bất động sản, kinh doanh và cho thuê và sản xuất nằm trong số các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng hoảng dịch bệnh.
Dự báo lĩnh vực thương mại sẽ mất 1,4 triệu công ty và 4 triệu việc làm, trong khi đó, bên cạnh hàng không, du lịch cũng phải hứng chịu tác động nặng nề với ít nhất 290.000 công ty giải thể và 1 triệu người thất nghiệp.
Ngoài ra, những lĩnh vực khác cũng phải chịu tác động đáng kể gồm khai thác, dịch vụ kinh doanh, công nghiệp hóa chất, điện tử, khí đốt và nước, trong đó có thể các ngành này cũng có khả năng mất tới 47,6% lao động.
CEPAL khuyến nghị áp dụng một nhóm các biện pháp đối phó với vấn đề suy giảm năng lực sản xuất của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latin, trong đó bao gồm việc mở rộng các điều khoản và phạm vi can thiệp vào thanh khoản và tiếp cận tín dụng; đồng tài trợ bảng lương cho doanh nghiệp trong sáu tháng; hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động tự doanh và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực chiến lược bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 1/7, đại dịch COVID-19 tới nay đã khiến 41 triệu người thất nghiệp tại Mỹ Latin và Caribe./.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)