Thế giới có gần 31 triệu ca nhiễm Covid-19
Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 20-9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 30,98 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 961.400 ca tử vong.
Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 20-9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 30,98 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 961.400 ca tử vong.
Ấn Độ tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận gần hơn 92.700 ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn trên 1.100 ca trong vòng 24 giờ qua. Hiện Ấn Độ ghi nhận tổng cộng gần 5,40 triệu ca nhiễm và 86.774 ca tử vong đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm sau Mỹ và trước Brazil.
Theo TTXVN, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19-9 đã cân nhắc để đưa ra những biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt hơn nữa tại vùng England sau khi xác nhận Anh "đang bước vào làn sóng thứ hai" của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong những ngày cuối tuần, chính phủ đã họp để chuẩn bị đưa ra những lệnh cấm mới trong tuần tới như các gia đình không được phép gặp gỡ tiếp xúc với nhau và giảm thời gian cho phép các quán rượu mở cửa.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày của Anh đã vượt quá con số 4.000 ca từ ngày 18-9. Hiện nay, ở Anh có ít nhất khoảng 13,5 triệu người, tương đương với 20% tổng dân số Anh đang sống trong lệnh phong tỏa.
Cựu cố vấn của chính phủ giáo sư Neil Ferguson, người đã cố vấn Chính phủ Anh đối với quyết định đưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng Ba, cho rằng, Chính phủ hiện nay cần đưa ra các biện pháp thắt chặt giãn cách xã hội mới "càng sớm càng tốt" vì nếu để tình trạng này giữ nguyên trong 2-4 tuần nữa thì nước Anh sẽ quay trở lại mức độ mắc bệnh và tử vong cao như hồi trung tuần tháng Ba.
Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon và Thủ hiến xứ Wales Mark Drakeford đều lên tiếng kêu gọi Chính phủ tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiễm bệnh mỗi tuần theo cấp số nhân trong hai tuần qua.
Trong khi đó, Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết ông rất quan ngại trước những bằng chứng cho thấy tốc độ lây nhiễm đang lan nhanh tại thủ đô London.
Trước đó, ngày 18-9, Thủ tướng Johnson cho biết ông không muốn tiến hành những biện pháp phong tỏa quy mô lớn nhưng thắt chặt các quy định giãn cách xã hội có thể là điều cần thiết.
Hiện Anh ghi nhận tổng số ca nhiễm là 390.358 ca và 41.759 ca tử vong xếp thứ 14 trên thế giới về số ca nhiễm.
Theo TTXVN, Bộ Y tế Ba Lan ngày 19-9 thông báo thêm 1.002 ca mắc mới, mức cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Hiện, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 78.330 ca, trong khi số ca tử vong đã tăng thêm 12 ca lên 2.282 ca.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ba Lan đã siết chặt các biện pháp chống dịch, theo đó các bác sĩ bắc buộc phải gửi bệnh nhân đi xét nghiệm.
Ba Lan đã đóng cửa biên giới và ngừng tất cả các chuyến bay trong tháng 3 năm nay nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Tuy nhiên, nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó mở cửa trở lại tất cả các trung tâm mua sắm, khách sạn và nhà hàng kể từ tháng Năm.
Cũng theo TTXVN, Indonesia tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á khi Bộ Y tế nước này ngày 19-9 thông báo có thêm 4.168 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày.
Tính tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã lên tới 240.687 ca. Ngoài ra, nước này trong cùng ngày cũng ghi nhận thêm 112 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch Covid-19 lên 9.448 người, cao nhất tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo có thêm 3.962 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đánh dấu ngày thứ 12 liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở nước này ở mức trên 3.000 ca. Theo đó, tổng số ca mắc Covid-19 ở Philippines đã lên tới 283.460 ca.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định duy trì quy định giãn cách xã hội 1 m trên các phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, đồng thời bác bỏ việc thu hẹp khoảng cách xuống còn 30 cm.
Trước đó, các chuyên gia y tế đã cảnh báo việc thu hẹp khoảng cách giữa các hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng có thể làm gia tăng số ca mắc Covid-19 tại Philippines, vốn đang có số ca nhiễm cao nhất tại Đông - Nam Á.
Người phát ngôn Tổng thống Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte đã nghiên cứu khuyến nghị của các chuyên gia và quyết định duy trì quy định đảm bảo khoảng cách 1 m, bao gồm cả lệnh cấm ăn uống và nói chuyện trên phương tiện công cộng.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 20-9 (giờ Việt Nam):
5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 6.967.403 ca mắc, 203.824 ca tử vong
2. Ấn Độ: 5.398.230 ca mắc, 86.774 ca tử vong
3. Brazil: 4.528.347 ca mắc, 136.5656 ca tử vong
4. Nga: 1.097.251 ca mắc, 19.339 ca tử vong
5. Peru: 762.865 ca mắc, 31.369 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 283.460 ca mắc, 4.930 ca tử vong
2. Indonesia: 240.687 ca mắc, 9.448 ca tử vong
3. Singapore: 57.558 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Malaysia: 10.167 ca mắc, 130 ca tử vong
5. Myanmar: 4.870 ca mắc, 81 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.500 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.068 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 275 ca mắc
9. Brunei: 145 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 9.348.529 ca mắc, 175.388 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 8.302.186 ca mắc, 297.711 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 7.490.339 ca mắc, 237.107 ca tử vong
4. Châu Âu: 4.398.332 ca mắc, 215.893 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.405.973 ca mắc, 33.879 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 30.479 ca mắc, 879 ca tử vong