Thế giới có hơn 231 triệu ca mắc, châu Á vẫn là 'điểm nóng' COVID-19

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 25/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 231.864.262 ca bệnh COVID-19, trong đó có 4.750.491 ca tử vong. Hơn 208,44 triệu bệnh nhân đã phục hồi trong khi vẫn còn 18,66 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Tại Đông Nam Á, đến hết ngày 24/9, Singapore ghi nhận tổng cộng 84.510 ca bệnh, tăng 1.650 ca so với một ngày trước đó. Trong số các ca mới ghi nhận thêm có 1.369 ca trong cộng đồng, 277 ca tại các nhà trọ dành cho người lao động lập cư và 4 ca nhập cảnh.

Theo Bộ Y tế Singapore, còn hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện ở nước này, với 162 ca bệnh nặng cần thở oxy và 23 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Hiện Singapore đã tiêm phòng đầy đủ cho 82% dân số và khoảng 84% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, giới chức Singapore đã quyết định trở lại giai đoạn "Cảnh báo tăng cường" với việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng, kể từ ngày 27/9, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế.

Tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/9 xác nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 3.273 ca, trong đó có tới 3.245 ca lây nhiễm trong cộng đồng (tăng gần 1.000 ca so với một ngày trước đó). Đây là mức cao nhất ghi nhận được kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 298.402 ca.

Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn chiếm đa số với gần 75%. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở TP Seoul vượt ngưỡng 1.000 ca. KDCA cho biết khoảng 40% ca nhiễm mới được xác nhận là không thể truy vết.

Lệnh cấm tụ tập riêng tư đã được nới lỏng trong kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu), cho phép tụ tập tối đa 8 người với điều kiện có ít nhất 4 người đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, những người đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ được miễn tự cách ly bắt buộc bắt đầu từ ngày 25/9 nếu không có bất kỳ triệu chứng nào cho dù tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, KDCA đã quyết định thắt chặt các hạn chế, giới hạn số lượng người tham gia các cuộc tụ tập riêng tư xuống còn tối đa là 6 người bắt đầu từ ngày 25/9. KCDA cho rằng chính việc di chuyển và tiếp xúc tăng lên trước và trong kỳ nghỉ lễ Chuseok là nguyên nhân chính dẫn đến số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Đặc biệt, từ tuần tới, số ca nhiễm mới theo ngày được cho là có thể còn tiếp tục tăng cao khi hiện vẫn còn hàng triệu người dân Seoul đang chờ kết quả xét nghiệm sau kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Trong diễn biến liên quan, KDCA cho biết Hàn Quốc đã sẵn sàng tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên (từ 2-17 tuổi) bắt đầu từ tháng 10 tới. Ngoài ra, KDCA cũng dự kiến sẽ triển khai tiêm mũi vắc xin bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng của biến thể Delta vốn là nguyên nhân chủ yếu làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay. Danh sách những người được tiêm chủng trong Quý IV sẽ được công bố chính thức vào ngày 27/9 tới.

Tại châu Âu, Ý đã công nhận vắc xin Covishield phòng COVID-19 do Ấn Độ sản xuất, đồng nghĩa rằng những người đã được tiêm vắc xin Covishield có thể nhập cảnh Ý nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định như xét nghiệm hoặc cách ly. Đây là thông tin được Đại sứ quán Ấn Độ tại Rome xác nhận sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya và người đồng cấp Ý Roberto Speranza.

Cho đến nay, Ý mới chỉ công nhận 4 loại vắc xin được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (Johnson & Johnson), tức là chỉ những người tiêm 4 loại vắc xin này được coi là đã tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh. Ý là quốc gia EU thứ 19 công nhận vắc xin Covishield.

Anh ghi nhận thêm 35.623 ca mắc mới trong 24 giờ qua nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 7.601.487 ca. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này đã tăng lên 135.983 ca, thêm 180 ca so với một ngày trước đó. Hiện tỉ lệ lây nhiễm (R), tức số người bị lây nhiễm từ một người bệnh, tại Anh đã giảm nhẹ xuống mức từ 0,8-1.

Hơn 89% dân số Anh trên 16 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 và hơn 82% đã được tiêm đầy đủ. Theo kế hoạch chuẩn bị mở cửa đi lại quốc tế, từ cuối tháng 10, những hành khách từ các quốc gia trong danh sách đỏ về hạn chế đi lại nếu đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR mà chỉ cần xét nghiệm dịch mũi họng vào ngày thứ 2 sau khi nhập cảnh.

Ireland thông báo số trẻ em dưới 14 tuổi mắc bệnh COVID-19 hiện đang cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Cụ thể, trong tuần tính đến ngày 17/9, Ireland ghi nhận tổng cộng 8.662 ca mắc bệnh, trong đó trẻ dưới 14 tuổi chiếm 34%, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.

Trong khi đó, nhóm từ 25-44 tuổi chiếm 27%, tiếp đến là nhóm từ 45-64 tuổi chiếm 17%, nhóm từ 15-24 tuổi chiếm 15% và chỉ có 7% số ca bệnh là trên 65 tuổi. Tổng số ca mắc mới COVID-19 hằng tuần ghi nhận ở nhóm dưới 14 tuổi tại Ireland đã tăng gấp 3 so với 2 tháng trước đó. Ireland đã bắt đầu tiêm phòng cho trẻ từ 12-15 tuổi nhưng chưa có kế hoạch tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Hơn 90% người trưởng thành tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại châu Mỹ, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp 20 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Peru và lô đầu tiên sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2022. Theo thông báo, hiện Moderna đang làm việc với các cơ quan chức năng của Peru để sớm có được các giấy phép cần thiết trước khi phân phối vắc xin tại quốc gia Nam Mỹ này.

Hồi tháng 7, Peru cũng đã mua của Nga 20 triệu liều vắc xin Sputnik V để phục vụ cho chương trình tiêm phòng COVID-19 đại trà. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký kết thỏa thuận với các hãng Pfizer, AstraZeneca và Sinopharm. Đến nay, Peru đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cho khoảng 37,6% dân số. Thống kê chính thức cho thấy Peru đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 199.108 trường hợp tử vong.

Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng, thất nghiệp, nợ nần của các nước Mỹ Latin, cản trở tài chính và làm trầm trọng thêm những yếu kém về cơ cấu của hệ thống y tế ở khu vực vốn đã đang trải qua một giai đoạn suy thoái.

Phát biểu tại diễn đàn toàn cầu về Mỹ Latin và Caribe ở Liên Hợp Quốc, thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe, bà Alicia Barcena, nhận định nghịch lý của sự phục hồi tại khu vực, vì dù ghi nhận sự những tín hiệu tích cực trong năm 2021, khu vực không thể đạt tăng trưởng bền vững, tổng thể và chuyển đổi.

Theo bà Alicia Barcena, điều quan trọng nhất đối với khu vực để phục hồi sau đại dịch là đầu tư và cần phải đảm bảo bình đẳng và bền vững.

Bà Alicia Barcena nhấn mạnh đại dịch đã khiến tăng trưởng của khu vực ở mức chậm nhất trong vòng một thế kỷ và thách thức hiện tại của Mỹ Latin và Caribe là phải đảo ngược tình trạng này. Trong giai đoạn 2014-2019, khu vực được dự báo tăng trưởng không quá 0,3%.

Ngoài ra, khu vực tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề cơ cấu rất nghiêm trọng như đầu tư thấp, năng suất, việc làm phi chính thức, nghèo đói và bất bình đẳng - các yếu tố đang thực sự hạn chế tăng trưởng của Mỹ Latin và Caribe.

Bên cạnh đó, Mỹ Latin và Caribe cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với dân số chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong chiếm tới 32%.

Bà Alicia Barcena cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, bất bình đẳng và nghèo đói sẽ tiếp tục đeo bám Mỹ Latin và Caribe trong nhiều năm tới, khiến khu vực ngày càng xa rời các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/264461/the-gioi-co-hon-231-trieu-ca-mac-chau-a-van-la-diem-nong-covid-19.html