Thế giới đã ghi nhận hơn 6,2 triệu ca tử vong do COVID-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Cremona, Ý. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biến thể phụ của Omicron cho thấy SARS-CoV-2 không ngừng thay đổi

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 2/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 513.580.931 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.261.598 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 467.695.030 người, trong khi vẫn còn 39.624.303 bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 83.083.425 ca mắc và 1.020.854 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với hơn 43,08 triệu ca mắc và 523.843 ca tử vong.

Với hơn 30,4 triệu ca mắc và 663.567 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.

Các quốc gia còn lại trong nhóm 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất gồm Pháp (28.682.011 ca), Đức (24.770.595 ca), Anh (22.038.340 ca), Nga (18.189.401 ca), Hàn Quốc (hơn 17,2 triệu ca), Ý (hơn 16,5 triệu ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (hơn 15triệu ca).

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 191.231.424 ca mắc, trong đó có 1.818.237 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 148 triệu ca mắc và 1.424.266 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 98,3 triệu ca mắc, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 56,8 triệu ca.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi, tính tới tối 1/5, số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đã tăng lên 11.446.107 ca. Số ca tử vong tại châu lục này cũng tăng lên 252.157 ca và đã có hơn 10,8 triệu bệnh nhân bình phục.

Nam Phi, Marốc, Tunisia, Ai Cập và Libya nằm trong những nước có số ca mắc cao nhất tại Lục địa Đen, trong đó, Nam Phi ghi nhận 3.791.925 ca, tiếp sau là Maroc với 1.164.953 ca.

Tại châu Á, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn khoảng 20.000 ca vào ngày 2/5, mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua, trong bối cảnh quốc gia này dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở ngoài trời.

Cụ thể, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 20.084 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 17.295.733 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 22.958 ca sau khi có thêm 83 bệnh nhân không qua khỏi. Tỉ lệ tử vong là 0,13%.

Tại Singapore, quốc gia Đông Nam Á này ngày 1/5 có 1.732 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 1.199.640 ca. Trong số các ca mắc mới có 1.694 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 38 ca nhập cảnh. Singapore cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 1.336 người.

Tại châu Âu, kể từ ngày 1/5, Chính phủ Ý đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 còn lại của nước này.

Theo các quy định mới, người dân sẽ không cần phải có "thẻ xanh", giấy chứng nhận cho thấy một người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong 48-72 giờ, để được ăn và uống tại các nhà hàng hoặc đến trung tâm sức khỏe, phòng tập thể dục, các sự kiện thể thao, câu lạc bộ đêm và hội nghị.

Người dân cũng không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào các cơ quan của chính phủ, cửa hàng, ngân hàng, bưu điện, nhà hàng và hầu hết các công sở, mặc dù khẩu trang vẫn được khuyến khích.

Tuy nhiên, người dẫn vẫn phải đeo khẩu trang trong một số không gian kín, bao gồm các phương tiện giao thông công cộng đường dài và địa phương, nhà hát và rạp chiếu phim cho đến ngày 15/6 và trong các trường học cho đến khi kết thúc năm học.

Ngoài ra, người dân vẫn cần phải có siêu thẻ xanh, chứng nhận một người đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19, mới được vào bệnh viện và nhà an dưỡng cho đến cuối năm nay.

* Trong những ngày đầu đại dịch COVID-19 mới bùng phát, các nhà khoa học đã đưa ra một thông tin rằng virus SARS-CoV-2 biến đổi từ từ. Nếu được phát triển, vaccine ngừa COVID-19 có thể không cần cập nhật thường xuyên theo thời gian. Xét với thực tế hiện nay, nhận định này có vẻ đã lạc quan quá mức.

Trên thực tế, khi lây lan rộng khắp hành tinh, virus SARS-CoV-2 đã không ngừng đột biến, tạo ra các biến thể và biến thể phụ, phá hỏng những nỗ lực của con người nhằm kiểm soát hoàn toàn virus.

Hai năm rưỡi sau khi lần đầu tấn công và xâm nhập vào cơ thể người, virus SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Theo các nhà virus học - vốn theo dõi chặt chẽ virus SARS-CoV-2, dù đã đột biến rất nhiều lần, song hiện virus SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều không gian thay đổi, điều này có nghĩa là virus vốn rất dễ lây lan này còn có thể càng dễ lây lan hơn.

Nhà virus học Robert F Garry thuộc Đại học Tulane khẳng định virus SARS-CoV-2 có những "mánh khóe" mà các nhà khoa học chưa từng chứng kiến. Bằng chứng là mới đây nhất Omicron đã tạo ra biến thể phụ BA.2.12.1.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể BA.2.12.1 - có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2 cũng của Omicron vốn đang chiếm ưu thế chủ đạo tại Mỹ.

CDC cho biết biến thể phụ này đặc biệt lây lan nhanh ở vùng Đông Bắc, là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới.

Phát biểu với báo giới trong lễ nhậm chức mới đây, điều phối viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề COVID-19, ông Ashish Jha khẳng định hiện nước Mỹ đang phải chứng kiến một biến thể rất dễ lây lan và rất khó để đảm bảo sẽ không có ai mắc COVID-19 ở Mỹ.

Tuyên bố của ông Jha cũng chính là câu trả lời cho việc Phó Tổng thống Kamala Harris vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang phải cách ly. Bà Harris vừa tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19.

Theo giới chuyên gia, trường hợp của bà Harris làm nổi bật lên một điều rằng hiện thế giới vẫn chưa tìm ra liều tiêm chủng hoặc tăng cường nào có thể tạo "lá chắn" hoàn hảo chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vaccine đã "hoàn thành" tốt vai trò giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các vaccine hiện nay đa phần được phát triển dựa trên giải trình tự gene của chủng gốc virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019.

Về cơ bản, vaccine bắt chước các đột biến của virus và kích hoạt phản ứng miễn dịch bảo vệ khi virus thực sự tấn công. Tuy nhiên, càng về sau, các biến thể càng có khả năng né tránh nhiều kháng thể trung hòa - vốn là tuyến phòng thủ của hệ miễn dịch.

Đơn cử, BA.2.12.1 dễ lây lan hơn "người anh" BA.2 - vốn có tốc độ lây nhiễm cao hơn Omicron. Còn Omicron lại dễ lây lan hơn Delta và Delta lại dễ lây nhiễm hơn Alpha và các biến thể trước đó.

Hệ miễn dịch của con người sẽ sản sinh ra kháng thể từ việc tiêm vaccine hoặc đã từng lây nhiễm trước đó để vô hiệu hóa virus khi xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, các đột biến khiến virus có thể "né tránh" tuyến phòng thủ của hệ miễn dịch.

Ông Michael T Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota, nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 biến đổi nhanh hơn nhiều so với ước tính của các nhà khoa học.

Đây cũng chính là lý do virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan ở Mỹ. Dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho gần 200 triệu người, trong tổng số khoảng 330 triệu người.

Tình huống xấu nhất là một biến thể mới hoặc biến thể do tái tổ hợp xuất hiện khiến các vaccine hiện nay không còn hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng. Tuy nhiên, khá may mắn là cho đến nay, điều này vẫn chưa xảy ra.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/275931/the-gioi-da-ghi-nhan-hon-6-2-trieu-ca-tu-vong-do-covid-19.html