Thế giới đang dần hết vàng?

Khi sự bất ổn vì đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới khiến nhu cầu về vàng tăng lên, các nhà phân tích lo ngại về lượng kim loại quý này còn lại để khai thác trên thế giới.

(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Theo Hội đồng Vàng thế giới, sản lượng khai thác vàng đạt 3.531 tấn trong năm 2019, thấp hơn 1% so với năm ngoái. Đây là mức giảm sản lượng hàng năm đầu tiên kể từ năm 2008.

Những con số thống kê cho thấy khoảng 190.000 tấn vàng đã được khai thác. Các ước tính có khác nhau nhưng dựa trên số liệu đó, vẫn có khoảng 20% vàng còn lại để khai thác. Một số chuyên gia nói rằng chúng ta đã khai thác ở mức nhiều nhất có thể trong 1 năm và những người khác tin là chúng ta có thể đã đạt tới mức này rồi.

Phát ngôn viên Hannah Brandstaetter của Hội đồng Vàng cho biết “Trong khi mức tăng trưởng về nguồn cung mỏ có thể chậm lại hoặc giảm nhẹ trong những năm tới vì trữ lượng hiện có đang cạn kiệt và ngày càng ít phát hiện về mỏ vàng lớn, việc cho rằng sản lượng vàng đã đạt tới đỉnh điểm có thể hơi vội vàng”.

Các chuyên gia tin rằng tuy các mỏ vàng mới vẫn được tìm thấy nhưng việc phát hiện ra mỏ lớn ngày càng hiếm. Trên thực tế, hầu hết sản lượng vàng hiện nay đến từ các mỏ cũ đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Khoảng 60% hoạt động khai thác trên thế giới hiện là các mỏ bề mặt, còn lại là các mỏ dưới lòng đất.

Trung Quốc hiện là nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới trong khi các nhà sản xuất lớn khác là Canada, Nga, Peru. Các chuyên gia lưu ý rằng hiện còn tương đối ít khu vực chưa được khám phá để khai thác và có thể nơi hứa hẹn nhất là ở một số khu vực bất ổn hơn trên thế giới, chẳng hạn như ở Tây Phi.

Tuy nhiên, tin tốt là không giống như các nguồn tài nguyên không thể tái tạo khác như dầu, vàng có thể được tái chế. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ không bao giờ cạn kiệt vàng, ngay cả khi chúng ta không thể khai thác được nữa.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/the-gioi-dang-dan-het-vang-ybyiTiFMg.html