Thế giới đang đồng lòng quay lưng với Trung Quốc?
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc hiện đối mặt với thời kỳ khó khăn chưa từng có vì càng nhiều nước trên thế giới đang gia tăng áp lực bằng cách lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, Đài Loan, Ấn Độ... và mới nhất là về dự luật an ninh Hồng Kông.
20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ biên giới với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Một tàu đánh cá của Philippines bị đánh chìm trong vùng lãnh hải của chính mình bởi các tàu Trung Quốc cùng các hành vi xâm lấm, bành trướng trái phép và yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Nông dân và những người khai thác mỏ của Úc bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại sau khi Canberra kêu gọi điều tra Trung Quốc về COVID-19…
Những diễn biến trên có thể thấy rõ rằng Bắc Kinh đang quyết tâm khẳng định sự “bá quyền” đối với một thế giới bị đo ván về kinh tế bởi đại dịch COVID-19 – bùng phát tại chính Trung Quốc. Song, thay vì "đầu hàng", ngày càng nhiều quốc gia “phản công” mạnh mẽ.
Một ví dụ điển hình đó chính là Ấn Độ - quốc gia quyết tâm không bị Trung Quốc đe dọa. Sau vụ việc đụng độ chết người, chính quyền New Delhi đã điều 30.000 quân tới biên giới tại Himalaya. Nhiều người Ấn Độ hiện đang tẩy chay các sản phẩm "Made in China" (xuất xứ từ Trung Quốc). Thủ tướng Narendra Modi cũng đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế đầu tư của Trung Quốc và cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc khỏi người dùng điện thoại thông minh Ấn Độ.
Trong bối cảnh các nước đang đối phó với COVID-19, Trung Quốc lại đẩy mạnh chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”, xuất khẩu lượng lớn vật tư y tế sang nhiều nước khác nhằm “nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế”. Nhưng “gậy ông đập lưng ông”, điều này trái lại lại trở thành một trò hề khiến xã hội quốc tế quay lưng.
Một số quốc gia đã phàn nàn về tình trạng khẩu trang và các sản phẩm bảo hộ y tế khác nhập khẩu từ Trung Quốc không đạt chuẩn, không thể sử dụng cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch. Một số nước, trong đó có Tây Ban Nha, Hà Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Czech đã phải thu hồi hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang và quần áo bảo hộ không đảm bảo chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi các quốc gia phàn nàn về chất lượng kém của các sản phẩm được mua từ Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã không xem xét cải thiện chất lượng sản phẩm, thay vào đó đổ lỗi cho người dùng sử dụng không đúng cách.
Bên cạnh đó, Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.
Mỹ hồi đầu tháng 6 đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng các mối quan hệ ngoại giao đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây trong bối cảnh Úc cáo buộc Bắc Kinh đã thực hiện các cuộc tấn công mạng và đã cố gắng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chính quyền Canberra. Để chống lại sự gia tăng gần đây trong các cuộc tấn công mạng, chính quyền Canberra đã tuyên bố sẽ tuyển dụng ít nhất 500 chiến binh không gian mạng, củng cố hệ thống phòng thủ trực tuyến của đất nước.
Người Úc hiện đang chán ngấy với những nỗ lực trần trụi của Bắc Kinh trong việc do thám và phá rối chính phủ cùng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp của đất nước họ. Đáng chú ý, có tới 94% người Úc nói rằng họ muốn tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc.
Mới đây nhất, Bắc Kinh bị nhiều nước chỉ trích khi áp luật an ninh mới với 7,3 triệu người tại đặc khu hành chính Hồng Kông. Những người biểu tình ủng hộ phe dân chủ tại Hông Kông và nhiều quốc gia cho rằng đạo luật vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", vốn được quy định trong Tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984, làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông. Điều này đã khiến Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đề nghị trao quyền công dân Anh cho 3 triệu người Hồng Kông, chưa kể ông có một đường lối cứng rắn hơn đối với chính Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông Huawei, ví dụ, có thể hôn tạm biệt doanh nghiệp 5G của mình ở Anh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhiều nghị sĩ Mỹ thể hiện sự bất bình khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng quốc hội Mỹ đã “thống nhất ủng hộ tự do, công lý và tự chủ thực sự cho người dân Hồng Kông”, đáp lại lời kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm với luật an ninh mới với đặc khu hành chính Hồng Kông.
Trước đó EU, Anh và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng lên tiếng, bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Lãnh đạo EU cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng về vấn đề này. Trong tuyên bố gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, 27 nước, cũng đã kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại việc áp dụng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông nhằm ngăn chặn sự xói mòn thêm nữa các quyền và sự tự do của thành phố này.
Các diễn biến tương tự đang được lặp lại trên toàn cầu. Từ Thụy Điển đến Nhật Bản đến Cộng hòa Séc, ngày càng có nhiều quốc gia hiểu được mối đe dọa tồn vong từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới dân chủ, tư bản tự do sau chiến tranh.
19 nghị sĩ từ Anh, Mỹ, Úc, Đức, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Thụy Điển và nghị viện châu Âu đã thông báo một liên minh quốc tế gồm những nhà lập pháp kêu gọi chính phủ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Nhóm này có tên "Liên minh nghị viện đa quốc gia về chính sách đối phó Trung Quốc" (Inter-Parliamentary Alliance on China - IPAC). Liên minh được lập ra trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây phản đối quyết định của Bắc Kinh về việc áp luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, cũng như chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về đại dịch COVID-19.
IPAC gồm 18 nhà lập pháp từ Nghị viện châu Âu và các nước Mỹ, Anh, Đức, Canada, Úc, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, với các thành viên duy trì lập trường hoài nghi về Trung Quốc. Trong số này có các thượng nghị Mỹ Marco Rubio và Robert Menendez hay các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu là Reinhard Bütikofer và Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ Anh. Liên minh này cho biết thêm nhiều thành viên khác được kỳ vọng sẽ gia nhập.
Ông Iain Duncan Smith cho rằng những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hồng Kông kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát cho thấy phương Tây đang đối mặt với thái độ mới từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cần phải thích ứng nhanh chóng.
“Trung Quốc đang đại diện cho một thách thức mang tính toàn cầu. Các quy tắc dân chủ giúp chúng ta tự do và an toàn đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết. Trật tự dựa trên các luật lệ cũng đang bị ảnh hưởng. Và điều này không thể tiếp diễn mà không được kiểm soát. Không quốc gia nào phải tự chịu gánh nặng này", các thành viên IPAC nêu trong một tuyên bố chung.
Có thể nói, chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây, những hành động “quá mức” hoặc “sai lầm” của chính quyền Bắc Kinh đã hoàn thành những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể làm trong gần 4 năm nhiệm kỳ đó là thúc đẩy cả thế giới đoàn kết chống lại Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo NewYork Post)