'Thế giới đang đứng trên bờ vực nhiều cuộc khủng hoảng'

Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon nhấn mạnh rằng các cuộc khủng hoảng này càng thêm trầm trọng do đại dịch Covid-19...

Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon - Ảnh: Getty Images

Ông Ban Ki-Moon, điều hành Liên hợp quốc từ năm 2007-2016, kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu quyết liệt hơn nhằm để tránh khỏi thất bại trong những vấn đề như biến đổi khí hậu hay thiếu nước.

"Hiện vẫn còn 2 tỷ người thiếu nước sinh hoạt, hơn 1,5 tỷ người không có điện và hơn 60 triệu học sinh không được đến trường, thậm chí ở bậc tiểu học... Thật đáng buồn. Điều này thực sự rất đau lòng", ông Ban Ki-Moon chia sẻ tại sự kiện "Tương lai bền vững" của CNBC mới đây nhân Ngày Nước Thế giới.

“Chúng ta đang đứng trên bờ vực của tất cả những cuộc khủng hoảng này... Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo toàn cầu có tầm nhìn toàn cầu rộng hơn, rằng chúng ta đang ở trong một thế giới và chúng ta đang sống cùng nhau. Nếu không, chúng ta sẽ thất bại", ông nhấn mạnh.

Ông Ban Ki-Moon cho rằng 10 năm tới sẽ là giai đoạn "cực kỳ quan trọng" để các nhà lãnh đạo toàn cầu thực hiện 17 mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc - kêu gọi hành động vì kinh tế, xã hội và môi trường bền vững vào năm 2030.

Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra càng làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của tình trạng thiếu nước toàn cầu.

“Tất nhiên, đại dịch đã gây chú ý về vấn đề này và nó cũng cho thấy nước là sợi dây liên kết những tác động của các cuộc khủng hoảng, dù đó là dịch bệnh truyền nhiễm hay an ninh lương thực. Năm qua, chúng ta đã chứng kiến tất cả", ông nói.

“Khi hàng nghìn tỷ USD vẫn đang được chi để kiểm soát Covid-19, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn rộng ra, đầu tư một cách khôn ngoan vào nước, điều thực sự giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Đó là một trong những điều cấp bách và quan trọng nhất trong các mục tiêu Phát triển Bền vững hiện nay", ông nói thêm.

Tại sự kiện, Patrick Verkooijen, CEO của Trung tâm Thích ứng Toàn cầu (GCA), cũng nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 như một "hồi chuông cảnh tỉnh".

“Chúng ta hoàn toàn không có sự chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo, tình trạng khẩn cấp về khí hậu... 90% các thảm họa thiên nhiên liên quan đến nước, lũ lụt nhiều hơn, hạn hán nhiều hơn, hỏa hoạn nhiều hơn. Trong hai thập kỷ gần đây, những thảm họa khí hậu này đã tăng gấp đôi. Có tới nửa triệu người đã thiệt mạng và thiệt hại kinh tế hơn 2.000 tỷ USD", ông Verkooijen nói.

Ông Verkooijen cho biết năm 2017, ba cơn bão khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 265 tỷ USD. Năm ngoái, một cơn bão gây thiệt hại kinh tế hơn 55 tỷ USD.

"Tôi cho rằng (Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu) John Kerry đã nói rất hay, rằng chúng ta hiện đã thống nhất quan điểm rằng đầu tư vào phòng ngừa hiệu quả hơn nhiều so với xử lý sau đó. Đó là lý do tại sao đầu tư vào nước và thích ứng với khí hậu là con đường nên đi", ông nói thêm.

Ông Ban Ki-Moon, người từng thúc đẩy các nỗ lực ký Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu vào năm 2015, nhấn mạnh rằng cần phải đẩy nhanh hành động để giải quyết tất cả những vấn đề này.

“Chúng ta cần đẩy nhanh xúc tiến và đặc biệt là nâng cao tham vọng của các nhà lãnh đạo chính trị… Mọi người biết rằng biến đổi khí hậu là vấn đề vô cùng quan trọng, nghiêm trọng và cần phải hành động khẩn cấp", ông Ban Ki-Moon nói với CNBC. “Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải quan tâm đến vấn đề thiếu lương thực, trao quyền cho giới, thiếu nước, giáo dục chất lược và các thành phố có khả năng chống chịu".

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/the-gioi-dang-dung-tren-bo-vuc-nhieu-cuoc-khung-hoang.htm