Thế giới Dự báo tăng trưởng châu Á nói chung và ASEAN nói riêng tiếp tục lao dốc
Thông tin mới đăng tải trên trang Nikkei News cho biết, triển vọng cho các nền kinh tế châu Á một lần nữa bị hạ thấp do hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khu vực châu Á, cụ thể hơn là Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn nhất thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được điều chỉnh giảm 0,2 điểm xuống còn 4,1%, chính thức đánh dấu lần giảm thứ 5 liên tiếp kể từ cuộc khảo sát hồi tháng 9/2018.
Triển vọng cho các nền kinh tế châu Á đã dần tối đi kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào tháng 3/2018. Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn
Đối với một số nền kinh tế châu Á, đơn cử như Ấn Độ, dự báo tăng trưởng của nước này cho năm tài khóa 2019 – 2020 giảm đến 0,8% xuống mức 6,1% - ghi nhận lần giảm tốc thứ 4 liên tiếp.
Trong lúc căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là rủi ro lớn nhất, mối lo ngại về dòng vốn và rủi ro liên quan đến thị trường đã tăng lên. Các nhà kinh tế cũng chú ý nhiều hơn đến rủi ro địa chính trị và giá dầu, với căng thẳng ở Trung Đông gia tăng sau vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hồi tháng 9, một khảo sát thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản và Nikkei thu thập 42 câu trả lời từ nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích ở Ấn Độ cùng 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho hay.
Theo đó, triển vọng cho các nền kinh tế châu Á đã dần tối đi kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào tháng 3/2018. Xét trong khu vực ASEAN, sự suy giảm đặc biệt đáng chú ý ở Thái Lan và Singapore. Cụ thể, dự báo tăng trưởng của Thái Lan năm 2019 đã giảm 0,4 điểm xuống còn 2,9%, dánh dấu lần đầu tiên trong 5 năm nước này có thể sẽ chỉ tăng trưởng dưới 3%. Chuyên gia Amonthep Chawla của CIMB Thai Bank phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến xuất khẩu của Thái Lan sụt giảm, các nhà đầu tư cũng có thể hoãn đầu tư trong bối cảnh sự không chắc chắn tăng cao. Về phía Singapore, dự báo của nước này vào năm 2019 giảm xuống dưới 1%, phần lớn là do sự sụt giảm trong xuất khẩu.
Ở một số nền kinh tế khác, dự báo năm 2019 của Malaysia lại được điều chỉnh tăng 0,1 điểm lên mức 4,5%, song số liệu lại giảm cho hai năm tiếp theo là 2020 và 2021. Wan Suhaimie của Ngân hàng Đầu tư Kenanga thông tin: “Nước này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng vừa phải vào năm 2020”.
Do sự chậm trễ của đầu tư công trong nửa đầu năm nay, dự báo tăng trưởng năm 2019 cho Philippines đã được điều chỉnh còn 5,8%, giảm 0,4 điểm. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn tin tưởng rằng nhu cầu trong nước của Philippines vẫn sẽ ổn định. Giới chuyên gia kỳ vọng sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách, tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ tăng trở lại.
Với nhu cầu trong nước vẫn duy trì mạnh mẽ, song tăng trưởng lại đang chịu áp lực do hiệu suất xuất khẩu giảm và giá hàng hóa giảm, dự báo cho năm nay của Indonesia sẽ duy trì ở mức 5,1%, không đổi so với dự báo đưa ra trong khảo sát trước đó.
Mở rộng ra ngoài ASEAN, nhìn về Ấn Độ, suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng trong nước yếu... là những nguyên nhân khiến dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong giai đoạn 2019 – 2020 bị điều chỉnh giảm xuống còn 6,1%.