Thế giới gần 6 triệu ca tử vong; Giải mã quy trình sản xuất thuốc của Pfizer
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.493.355 trường hợp mắc COVID-19 và 6.637 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 441 triệu ca, trong đó trên 5,99 triệu người không qua khỏi.
Người dân đeo khẩu trang ngừa COVID-19 tại Giang Tô, Trung Quốc.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 198.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 80.770.604 ca mắc và 979.725 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội với gói ngân sách bổ sung trị giá 32,5 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine và tăng cường khả năng ứng phó của Mỹ với đại dịch COVID-19.
Tại châu Á, ngày 3/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo nước này sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới khi nâng số lượng người được phép nhập cảnh từ mức 5.000 người/ngày hiện nay lên 7.000 người/ngày.
Hạn mức mới sẽ được áp dụng từ ngày 14/3. Thủ tướng Kishida cho biết trong giai đoạn này, Nhật Bản sẽ ưu tiên cấp phép nhập cảnh cho các sinh viên nước ngoài vì nhu cầu nhập cảnh của các doanh nhân không cao.
Mặc dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng về dịch COVID-19 khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm hai tuần ở 18 trong tổng số 31 tỉnh/thành. Như vậy, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ hết hạn ở 13 tỉnh/thành vào ngày 6/3 tới, nhưng tiếp tục có hiệu lực ở 18 địa phương khác, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, cho tới ngày 21/3.
Tại Pháp, truyền thông đưa tin các quy định yêu cầu mọi người trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến các địa điểm công cộng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 14/3.
Trong khi đó, bắt đầu từ tuần này, khi đến những nơi công cộng như viện bảo tàng, rạp chiếu phim hay nhà hàng, quán bar, khách hàng chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng mà không cần phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang vẫn bị bắt buộc đối với hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, tàu hỏa hoặc máy bay.
Với các trường học nằm trong vùng an toàn hoặc ở các khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi và tham gia các hoạt động tập thể. Trường hợp trẻ có tiếp xúc với người bệnh, sẽ chỉ cần tự xét nghiệm một lần sau hai ngày tiếp xúc. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, trẻ có thể đến trường học như bình thường.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 135.458 ca mắc mới COVID-19 và 514 ca tử vong.
Tới hết ngày 3/3, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 18.336.478 trường hợp và 319.856 ca tử vong. Trong ngày 3/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 110.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (376 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Tại Chile, Tổng thống Sebastian Pinera thông báo nước này đã nối lại các lớp học bắt buộc trực tiếp từ ngày 2/3 đối với tất cả học sinh trong nước. Do gần 90% học sinh đã được tiêm vaccine phòng bệnh, Chile cũng dỡ bỏ quy định số học sinh tối đa tham gia học tập tại mỗi lớp.
Trong thông báo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị dùng loại thuốc viên Molnupiravir chống COVID-19 cho những bệnh nhân có triệu chứng bệnh vừa phải nhưng có nguy cơ trở nặng phải nhập viện điều trị như người cao tuổi hoặc người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Thuốc viên Molnupiravir do công ty dược phẩm Mỹ Merch phát triển. Theo khuyến nghị của WHO, người mắc COVID-19 cần uống thuốc này sớm nhất có thể khi triệu chứng bệnh phát triển và uống trong 5 ngày.
Tại Ai Cập, nước này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 nội địa thứ 2 có tên gọi Egy-Vax, đồng thời quốc gia Bắc Phi cũng lên kế hoạch sản xuất 1,6 triệu liều vaccine/ngày.
Loại vaccine này là kết quả của thỏa thuận hợp tác được ký kết hồi tháng 12 năm ngoái giữa Bộ Giáo dục và Nghiên cứu khoa học Ai Cập, Bộ Nông nghiệp và Công ty dược phẩm tư nhân Eva Pharma. Công ty này dự định sẽ sản xuất khoảng 500 triệu liều vaccine Egy-Vax mỗi năm, với công suất 1,6 triệu liều/ngày trên dây chuyền đặt tại thành phố 6 Tháng 10.
Ngày 2/3, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) tái khẳng định quan tâm đến việc nộp đơn đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vaccine Abdala ngừa COVID-19 do cơ quan này nghiên cứu và phát triển.
Cuba được xem là “điểm sáng” về vaccine của Mỹ Latinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực này. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19,với các vaccine Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng là Mambisa và Soberana 01. Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua, Iran, Mexico và Việt Nam.
Liều tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Cuba gồm 3 mũi. Các loại vaccine protein này ổn định ở nhiệt độ 2-8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng. Vì vậy, việc sử dụng vaccine này tại các nước thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn so với các loại vaccine mRNA cần được bảo quản lạnh ở nhiệt độ cực thấp.
Cuối năm ngoái, thuốc Paxlovid - phương pháp điều trị COVID-19 mới của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) bị hạn chế nguồn cung và hãng phải mất thêm nhiều tháng cho công tác sản xuất. Ban lãnh đạo của Pfizer cho biết hãng này đang mở rộng sản xuất và kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận lớn trong vài tháng tới, đồng thời sẵn sàng ứng phó nếu tiếp tục xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới của bệnh COVID-19.
Điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient ngày 2/3 cho biết chính phủ sẵn sàng cung ứng 1 triệu liều Paxlovid trong tháng này, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng con số này sẽ tăng hơn gấp đôi vào tháng tới. Trong khi đó, Giám đốc Cung ứng toàn cầu của Pfizer - ông Mike McDermott - khẳng định “một lượng lớn” Paxlovid đã sẵn sàng dành cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có một số lựa chọn điều trị khác, bao gồm cả phương pháp điều trị bằng thuốc viên do hãng Merck sản xuất - được cho là kém hiệu quả hơn.
Lý giải về nguyên nhân khiến Paxlovid - loại thuốc dạng viên đầu tiên được cấp phép để điều trị COVID-19 tại Mỹ - chưa sẵn có tại các hiệu thuốc, các nhà khoa học của Pfizer cho biết Paxlovid là một loại thuốc phức tạp và tập hợp của nhiều phản ứng hóa học cần có thời gian để phát triển.
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer.
Các công đoạn đầu để bào chế Paxlovid mất tới 3 tháng để thực hiện, trong đó một số phản ứng hóa học cần nhiều ngày để phát triển ở nhiệt độ và áp suất được kiểm soát. Sau đó, các thành phẩm của công đoạn này được chuyển đến một địa điểm khác, để tạo nên thành phần hoạt tính - thành phần chính của thuốc.
Quá trình này sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng. Tiếp đó, các thành phần hoạt tính được đưa tới nhà máy khác để nén thành dạng viên và đóng gói. Công đoạn này có thể mất 6 tuần và sau đó là 1 tuần để kiểm tra chất lượng và thử nghiệm.
Theo các giám đốc điều hành của Pfizer, đây là một quy trình bình thường để sản xuất các loại thuốc của hãng. Một số loại thuốc dành cho các bệnh lý khác thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Trên thực tế, Pfizer đã cắt giảm thời gian sản xuất Paxlovid xuống trung bình chỉ còn khoảng 7 tháng, so với mốc 9 tháng ban đầu. Bên cạnh đó, hãng cũng đang triển khai thêm nhiều địa điểm sản xuất và đóng gói, phấn đấu tiếp tục cắt giảm thời gian sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm./.