Thế giới ghi nhận 72,7 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 22h ngày 14/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 72.777. 992 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.621.237 ca tử vong.
Hiện còn 20.153.740 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó số bệnh nhân điều trị tích cực là 106.223 người.
Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới. Đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 16.741.470 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 306.464 ca tử vong.
Nhằm giảm số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày qua, ngày 13/12 (giờ Mỹ), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield, đã ký vào bản khuyến nghị của ban tư vấn về việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do công ty Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển. Theo đó, việc tiêm chủng vaccine sẽ bắt đầu tiến hành với những người từ 16 tuổi trở lên. Khuyến nghị chính thức này của CDC được đưa ra theo quyết định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Việc tiêm phòng vaccine trên được tiến hành sớm nhất trong ngày 14/12 và đây là nỗ lực nhằm bảo vệ người dân Mỹ, giảm tác động của đại dịch COVID-19 và giúp khôi phục lại một số hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như nước Mỹ.
Đứng thứ hai thế giới, Ấn Độ đến nay đã ghi nhận 9.892.471 ca mắc COVID-19, trong đó đã có 143.515 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, tính đến ngày 14/12, số ca mắc COVID-19 đang điều trị là 352.586 ca - mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua. Thông báo của bộ trên nêu rõ số bệnh nhân điều trị tiếp tục giảm và hiện chiếm 3,57% tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 27.071 ca mắc COVID-19, trong khi có thêm 30.695 ca bình phục. Trong 17 ngày trở lại đây, số ca bình phục mỗi ngày đã vượt số ca mắc mới. Tổng số ca bình phục ở Ấn Độ hiện là gần 9,4 triệu ca, tương đương 94,98%.
Trong khi đó, tại châu Âu, dịch bệnh tại một số nước có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại. Đức thông báo chưa thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào đầu năm sau khi số ca mắc mới theo ngày vẫn tiếp tục tăng và chương trình tiêm vaccine vẫn chưa chính thức triển khai. Theo kế hoạch, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức sẽ áp đặt phong tỏa toàn bộ từ ngày 16/12. Với quyết định trên, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều tạm ngừng hoạt động ít nhất tới ngày 10/1/2021. Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm và sản phẩm chuyên về sức khỏe y tế cũng như các hiệu thuốc. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón Năm mới.
Từ ngày 16/12, Litva cũng sẽ áp đặt lệnh phong tỏa buộc người dân ở trong nhà trong 3 tuần nhằm khống chế dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh.
Trong bối cảnh này, nỗ lực triển khai sớm nhất chương trình tiêm chủng mở rộng vaccine phòng COVID-19 vẫn đang diễn ra tại nhiều nước. Ngày 14/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo nước này đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và dự kiến Singapore sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 12 này. Ông cũng cho biết Singapore đã dành một tỷ SGD (hơn 750 triệu USD) ký thỏa thuận mua vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 với các hãng dược phẩm, trong đó có Moderna (Mỹ), Pfizer/BioNTech và Sinovac (Trung Quốc), đồng thời hỗ trợ phát triển vaccine nội địa. Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) ngày 14/12 đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.
Giới chức y tế Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo nước này đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Abu Dhabi vài ngày sau khi thông qua thông qua vaccine Sinopharm của Trung Quốc, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới, sau Anh, thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19.
Với việc đưa vào chương trình tiêm chủng, cư dân ở thủ đô UAE có thể đặt lịch qua đường dây nóng của Dịch vụ Y tế (SEHA) Abu Dhabi. Phát biểu với báo giới, điều phối viên của SEHA cho biết người dân có thể đặt lịch hẹn tiêm vaccine miễn phí ngay bây giờ. Hiện đã có ít nhất 45 bệnh viện và các trạm y tế đã có đủ nguồn vaccine để phục vụ.
Cùng ngày, Đức thông báo sẽ tiếp nhận 11 triệu liều vaccine BioNTech từ nay đến tháng 3 tới. Theo Bộ Y tế Đức, riêng tháng 1/2020, Đức sẽ tiếp nhận 3 - 4 triệu liều.
Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng mở rộng cho người dân từ ngày 4 hoặc 5/1/2020 nếu Cơ quan Dược phẩm châu Âu "bật đèn xanh" cho một loại vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 29/12 tới. Những đối tượng ưu tiên được tiêm đầu tiên là người già và nhân viên làm việc trong các nhà dưỡng lão, sau đó mới đến các nhân viên y tế và những nhóm dễ bị tổn thương khác.