Thế giới ghi nhận gần 4 triệu ca tử vong do COVID-19

Tính đến 6 giờ sáng 6/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 184.901.972 ca, trong đó có 3.999.923 người tử vong.

Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/7 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 326.037 trường hợp mắc COVID-19 và 5.660 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 184.901.972 ca, trong đó có 3.999.923 người tử vong.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 5/7, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Các nước cũng ghi nhận 169.268.203 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.633.846 ca và 77.715 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Tại Nam Á, chính quyền thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã đóng cửa một khu chợ bình dân tại Lajpat Nagar do vi phạm các quy định phòng dịch. Tuần trước, Cơ quan Xử lý thảm họa Delhi (DDMA) đã ra lệnh đóng cửa chợ Laxmi Nagar ở Đông New Delhi trong một tuần.

Kể từ ngày 20/6, ít nhất 3 chợ nổi tiếng tại thủ đô, gồm Sadar Bazar, Sarojini Nagar và Kamla Nagar, được cảnh sát hoặc chính quyền phát thông báo cảnh báo về hành động tương tự.

Cùng ngày, Bangladesh đã kéo dài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất cho đến ngày 14/7 nhằm kiềm chế số ca mắc COVID-19 gia tăng, chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Các bệnh viện ở Bangladesh đang chật ních các bệnh nhân COVID-19, nhất là bệnh viện ở những vùng giáp biên giới Ấn Độ, nơi biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện.

Bangladesh đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ hồi tháng 4, song giao thương biên mậu vẫn được tiếp tục. Trong 24 giờ qua, Bangladesh đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở nước này với 153 ca, đưa tổng số ca tử vong lên 15.065 ca trong tổng số 944.917 ca bệnh. Cho đến nay, mới có 3% trong tổng số 170 triệu dân Bangladesh được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã hối thúc người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất có thể, đồng thời cảnh báo rằng quốc gia châu Âu này có thể rơi vào làn sóng dịch bệnh thứ 4 vào cuối tháng này do biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Veran cho hay trong 5 ngày qua, mức độ lây nhiễm không giảm, nguyên nhân là do biến thể Delta lây lan mạnh hơn. Ông cảnh báo tình hình dịch bệnh tại Anh là ví dụ cho thấy làn sóng thứ 4 có nguy cơ xảy ra ở Pháp, do vậy nước này phải đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng.

Trong thời gian gần đây, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Anh tăng vọt, chủ yếu do biến thể Delta. Anh đã ghi nhận hơn 128.000 ca tử vong do COVID-19, con số nhiều thứ 2 ở châu Âu, sau Nga. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, những thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, nhưng khả năng bệnh nhân phải nhập viện và tử vong giảm nhờ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Vào tháng 12/2020, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng và đến nay khoảng 64% số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm hai liều vaccine. Tuy nhiên, Thủ tướng nước này Boris Johnson nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, do đó người dân "phải bắt đầu học cách chung sống với virus gây bệnh này".

Tại Mexico, tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận trên 2,54 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 234.000 ca tử vong.

Trong khi đó, hôm qua, công ty dược phẩm Mexico (BIRMEX) thông báo đã sản xuất thử nghiệm lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V của Nga, nhằm đánh giá độ an toàn, chất lượng để tiến tới việc sản xuất đại trà vào cuối tháng 7 này.

Trước đó, BIRMEX đã ký một thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) về các công đoạn sản xuất cuối cùng, gồm dán nhãn và đóng lọ vaccine Sputnik-V tại Mexico. Hiện tại, Mexico đã tiếp nhận những lô nguyên liệu đầu tiên của vaccine Sputnik-V. Ngoài việc hợp tác sản xuất, Mexico đã ký một thỏa thuận mua 24 triệu liều vaccine Sputnik-V và đã nhận được 4,1 triệu liều.

Mexico đang đẩy nhanh các hợp đồng mua vaccine với nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đã được ký kết nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiêm 47,2 triệu liều vaccine cho người dân.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 cho loại vaccine được nghiên cứu phát triển ở trong nước. Tại giai đoạn này, vaccine sẽ được sử dụng trên 330 tình nguyện viên ở độ tuổi 18-59 không có bệnh mãn tính nguy hiểm. Dự kiến, số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn thứ 3 sẽ được tăng lên 15.000 người.

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ đưa loại vaccine nội địa này vào sử dụng từ mùa Thu năm nay. Hồi tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 3 cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân từ 50 tuổi trở lên. Đến nay, nước này đã tiêm được ít nhất một liều vaccine COVID-19 cho 53,6 triệu người trong tổng số dân 83 triệu người.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-ghi-nhan-gan-4-trieu-ca-tu-vong-do-covid-19-post142565.html