Thế giới ghi nhận hơn 245 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 27/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 245,25 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, với 422.213 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua.

Số ca tử vong tính đến nay là gần 4,98 triệu người, trong khi số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 222,32 triệu người.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 46,49 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 760.000 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34,21 triệu ca, trong đó có gần 455.700 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với gần 21,74 triệu ca nhiễm và hơn 606.200 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới (69.024 ca), tiếp sau là Anh (40.954 ca), Nga (36.446 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (29.643 ca).

Châu Âu đang trở lại là "điểm nóng" của dịch COVID-19 khi châu lục này chiếm hơn 50% tổng số ca mắc mới trên thế giới trong 24 giờ qua. So với ngày trước đó, số ca mắc mới trong 24 giờ qua cũng tăng hơn 50.000 ca.

Diễn biến dịch bệnh tại châu Âu khiến giới chuyên gia y tế lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới tại châu Âu này. Trước dấu hiệu dịch bệnh có nguy cơ chuyển biến phức tạp tại châu Âu. Nhiều nước châu lục này này đang hết sức cảnh giác và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

Điển hình là Bỉ. Ủy ban quốc gia tham vấn về COVID-19 của Bỉ (Codeco) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Alexander De Croo đã họp khẩn cấp trong bối cảnh gia tăng các trường hợp mắc mới và nhập viện trong vài tuần qua.

Codeco cho biết kể từ giữa tháng 10, các chỉ số dịch bệnh trên toàn quốc đáng lo ngại với số lượng các ca mắc mới liên tục tăng. So với tuần trước, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại Bỉ là 5.300, tăng hơn 70%. Số ca nhập viện cũng tăng 50%. Hiện có 264 bệnh nhân đang điều trị tích cực, tăng 14%. Tỉ lệ lây lan là 1,455, so với 1,298 tuần trước.

Số ca mắc mới tại Bỉ gia tăng sau khi nước này nới lỏng các quy định phòng dịch như cho phép các trường học mở cửa đón học sinh, sinh viên, công sở và các dịch vụ được hoạt động trở lại. Yếu tố thời tiết chuyển lạnh cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng.

Codeco đã quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch hiện hành, theo đó kể từ ngày 29/10, Bỉ sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng khép kín trên toàn quốc.

Thủ tướng Alexander De Croo nhấn mạnh đó là một cách hữu ích và hiệu quả để chống lại sự lây lan của virus. Biện pháp này cũng áp dụng cho nhân viên trong lĩnh vực ăn uống, khách sạn và phòng tập thể dục, đặc biệt tại vùng Flemish (vùng nói tiếng Hà Lan), nơi khẩu trang và giãn cách không còn được áp dụng.

Giấy chứng nhận an toàn về COVID-19 hiện đang được áp dụng tại vùng nói tiếng Pháp sẽ bắt buộc tại những vùng còn lại của đất nước là cộng đồng nói tiếng Hà Lan và cộng đồng nói tiếng Đức. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng tập thể thao, các cơ sở tổ chức sự kiện được khuyến cáo sử dụng hệ thống thông gió, lọc không khí.

Các sự kiện đại chúng bắt buộc phải kiểm tra chứng nhận an toàn với COVID-19, ngưỡng tối thiểu hiện nay là 500 người trong nhà và 750 người ngoài trời được hạ xuống mức 200 người trong nhà và 400 người ngoài trời.

Mức này liên quan chủ yếu đến vùng Flemish, vì ở vùng nói tiếng Pháp, ngưỡng quy định là 50 người bên trong và 200 người bên ngoài. Làm việc từ xa không bắt buộc nhưng được khuyến khích nhằm tránh tập trung đông tại công sở và tiếp xúc gần.

Liên quan đến việc tiêm đại trà mũi thứ ba, Codeco cho biết liều tiêm tăng cường phóng ngừa COVID-19 sẽ được tiến hành khi có những minh chứng khoa học. Tính đến nay, có 8,5 triệu người Bỉ đã được tiêm phòng. Các biện pháp quản lý cuộc khủng hoảng y tế sẽ được triển khai ở cấp liên bang theo Luật đại dịch chứ không theo các sắc lệnh cấp bộ và sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Tại Czech, Bộ trưởng Y tế nước này Adam Vojtěch đã kêu gọi những người dân chưa tiêm ngừa COVID-19 cần nhanh chóng tiêm vắc xin để ngăn chặn sự lây lan của dịch bênh, do số lượng ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh. Bộ trưởng Vojtěch nhấn mạnh tình hình dịch bệnh sẽ tồi tệ hơn trong những tuần tới và biện pháp ứng phó hữu hiệu duy nhất là tiêm vắc xin đại trà.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Czech, số lượng ca nhiễm mới đã tăng nhanh trong những tuần gần đây từ vài trăm lên tới hơn 4.000 ca/ngày, trong đó 75% là những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và 40% ở độ tuổi dưới 19.

Nhằm khích lệ người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Chính phủ Czech đã thông qua một số biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/11, trong đó việc xét nghiệm PCR và kháng nguyên sẽ không còn được miễn phí đối với người trên 18 tuổi.

Thời gian hiệu lực của xét nghiệm PCR được rút ngắn từ 7 ngày xuống 72 giờ và xét nghiệm kháng nguyên từ 72 giờ xuống 24 giờ. Các nhà hàng, quán bar sẽ phải kiểm tra chứng chỉ tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19. Đến nay, 63.9% dân số Czech đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa COVID-19, 68% dân số đã được tiêm 1 liều.

Bộ Y tế nước này đang kêu gọi những đối tượng trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao cần tiêm vắc xin liều thứ 3.

Tại Úc, Cơ quan quản lý dược phẩm của nước này (TGA) cũng đã thông báo chấp thuận tạm thời đề xuất tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường của hãng Pfizer/BioNTech cho người dân từ 18 tuổi trở lên và được tiêm ít nhất sáu tháng sau liều vắc xin thứ hai.

Việc tiêm nhắc lại sẽ bao gồm kết hợp cho cả các loại vắc xin của hãng AstraZeneca và Moderna. Mặc dù TGA đã chấp thuận việc sử dụng mũi tiêm tăng cường, nhưng để triển khai kế hoạch này vẫn cần sự đồng ý của Cơ quan tư vấn tiêm chủng quốc gia Úc (ATAGI).

Thủ tướng Scott Morrison cho biết quá trình cấp phép dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng một tuần tới và kế hoạch triển khai mũi vắc xin tăng cường bắt đầu từ ngày 8/11, ưu tiên cho những người có vấn đề về sức khỏe, nhân viên y tế tuyến đầu, và người làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật trong giai đoạn đầu.

Việc tiêm mũi vắc xin tăng cường là không bắt buộc, nhưng đặc biệt khuyến nghị đối với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao. Úc đang đà trở thành một trong những quốc gia thực hiện tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới.

Tính đến ngày 27/10, đã có 74,1% dân số của nước này tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 và 87,1% đã nhận được mũi tiêm thứ nhất. Bắt đầu từ 1/11, công dân Úc sẽ được phép đi ra nước ngoài tự do và không phải cách ly bắt buộc khi trở về nước, với điều kiện đã tiêm đủ hai liều vắc xin ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, việc mở cửa biên giới quốc tế tạm thời sẽ chỉ áp dụng với các địa phương đã đạt tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 là 80% người trưởng thành, bao gồm bang New South Wales, Victoria và Vùng lãnh thổ thủ đô Canberra. Các địa phương còn lại của Úc sẽ mở cửa cho việc đi ra nước ngoài khi tỉ lệ tiêm vắc xin đạt 80% như kế hoạch đã thống nhất với Chính phủ liên bang.

Tại Mỹ, ngày 26/10, một hội đồng chuyên gia độc lập đã bỏ phiếu với tỉ lệ ủng hộ áp đảo về việc khuyến nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn so với những rủi ro mà loại vắc xin này đem lại.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, việc cấp phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm tuổi này là một thủ tục pháp lý quan trọng để Mỹ có thể tiếp cận tiêm chủng cho khoảng 28 triệu trẻ em trong bối cảnh hầu hết các trường học đều hướng tới tổ chức học trực tiếp. Mặc dù đây chỉ là khuyến nghị, song trong hầu hết các trường hợp trước đó, FDA thường thực hiện theo ý kiến đa số của các chuyên gia trong hội đồng tư vấn.

Nếu FDA cho phép tiêm vắc xin của Pfizer cho nhóm tuổi này, một ban cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ họp vào tuần tới để đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng vắc xin.

Bên cạnh đó, vắc xin của Pfizer có thể được cung cấp cho nhóm tuổi này ngay trong tuần tới.

Ngày 26/10, trong một cuộc họp trực tuyến tại Geneva, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ việc tăng cường sử dụng vắc xin phòng COVID-19 và phương pháp điều trị, nhưng phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo cho thấy đại dịch sẽ chưa thể sớm kết thúc.

Ủy ban khẩn cấp của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về khẩu trang và khẩu trang y tế có thể tái sử dụng cũng như vắc xin, chẩn đoán và điều trị thế hệ tiếp theo "để kiểm soát lâu dài đại dịch”. Theo tuyên bố của ủy ban này, việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ủy ban cũng cho hay đại dịch kéo dài đang gây ra tình trạng khẩn cấp nhân đạo, di cư hàng loạt và các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp hơn. Do đó, các quốc gia nên sửa đổi kế hoạch chuẩn bị và ứng phó của mình.

WHO cũng lo ngại về những thách thức của châu Phi trong việc giải quyết đại dịch, bao gồm khả năng tiếp cận vắc xin, xét nghiệm và điều trị, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu để theo dõi diễn biến của đại dịch.

Theo số liệu, chỉ có 14 liều vắc xin đã được tiêm trên 100 người dân ở châu Phi. Con số đó là 128 liều ở Mỹ và Canada; 113 ở châu Âu; 106 ở Mỹ Latin và Caribe; 103 ở châu Đại Dương; 102 ở châu Á; 78 ở Trung Đông. Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 19 thành viên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và đưa ra các khuyến nghị.

Ngày 30/1/2020, lần đầu tiên ủy ban công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với đại dịch COVID-19, đây là mức báo động cao nhất mà WHO có thể cảnh báo.

Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia công nhận tất cả các loại vắc xin đã được WHO cho phép sử dụng khẩn cấp.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 26/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Monique Nsanzabaganwa đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối chính sách không công nhận chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của châu lục này.

Phát biểu khai mạc cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc hai khối EU và AU được tổ chức tại thủ đô Kigali (Rwanda), bà Nsanzabaganwa nhấn mạnh chính sách như vậy có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng tại các nước châu Phi.

Bà Nsanzabaganwa cũng nhận định "nhóm các quốc gia châu Âu" đã đạt được các bước tiến quan trọng trong việc cung cấp vắc xin cho "lục địa đen" thông qua chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX và các sáng kiến song phương.

Bà tuyên bố: "Nhằm hỗ trợ nỗ lực tiêm chủng, việc các đối tác châu Âu công nhận các loại vắc xin được dùng tại châu lục và chứng nhận tiêm chủng do chính quyền các quốc gia thành viên cấp phù hợp với các khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi là phù hợp”.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266704/the-gioi-ghi-nhan-hon-245-trieu-ca-nhiem-virus-sars-cov-2.html