Thế giới ghi nhận hơn 657.300 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 6/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

* Biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Canada

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135,94 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,93 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109,35 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 575.593 ca tử vong trong tổng số 31.869.980 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 351.469 ca tử vong trong số 13.445.006 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba với 169.305 ca tử vong trong số 13.355.465 bệnh nhân.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 657.322 ca dương tính SARS-CoV-2, tập trung đông nhất tại Ấn Độ (152.682 ca), tiếp đến là Brazil (69.592 ca), Mỹ 66.764 ca, Thổ Nhĩ Kỳ (52.676 ca).

Đây cũng là ngày Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước như Ba Lan, Đức, Italy, Ukraine vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ trên 17.000 ca đến gần 25.000 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nga, Hungary, Hà Lan dao động trong khoảng 7.500 ca đến 8.000 ca.

Tại châu Á, Iran cũng là nước hàng đầu châu lục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, quốc gia Trung Đông này ghi nhận 19.666 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,04 triệu ca.

Ngày 10/4, Iran cũng đã tăng cường các biện pháp phòng dịch trên khắp cả nước để ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư đang rình rập nước này, theo đó, trong 10 ngày tới, lệnh phong tỏa "ngoại bất nhập, nội bất xuất" được áp dụng tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh hàng không thiết yếu, trường học, trung tâm giải trí và toàn bộ địa điểm vui chơi công cộng đều phải đóng cửa. Bộ Y tế Iran đánh giá làn sóng lây nhiễm mới tại nước này là do tình trạng lây lan của biến thể SARS-CoV-2.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, song số ca nhiễm mới tại nước này ghi nhận trong 24 giờ qua chỉ là 1.285 ca, đứng thứ ba châu lục, sau Ethiopia (1.739 ca) và Tunisia (1.460 ca).

Toàn châu Phi tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận tổng cộng 4,37 triệu ca nhiễm và 115.713 ca tử vong do COVID-19, trong đó Nam Phi chiếm 1,55 triệu ca nhiễm và 53.256 ca tử vong.

* Theo mạng truyền hình Canada (CTV), tính đến chiều 10/4 (giờ địa phương), Canada ghi nhận tổng cộng 30.108 ca nhiễm 3 loại biến thể của virus SARS-CoV-2 và sự lây lan của các loại biến thể này được cho là nguyên nhân khiến làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Canada đang có chiều hướng nghiêm trọng.

Các số liệu thực tế cho thấy số ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 tại Canada đã tăng vọt trong vài tuần gần đây, tăng từ mức 2.000 ca vào 1 tháng trước, lên tới hơn 30.000 ca ở mức hiện nay.

Cụ thể, có 28.624 ca nhiễm biến thể phát hiện tại Anh (tức khoảng 90% tổng số ca nhiễm biến thể), 1.133 ca nhiễm biến thể tại Brazil và 351 ca nhiễm biến thể tại Nam Phi.

Theo Giám đốc Ytế công cộng Canada, bà Theresa Tam, biến thể phát hiện ở Anh đã xuất hiện tại tất cả các tỉnh và 2 vùng lãnh thổ thuộc Canada và đang dần thay thế chủng gốc virus SARS-CoV-2 trở thành nguyên nhân lây nhiễm tại nhiều địa phương.

Bà Theresa Tam bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm biến thể tại Brazil khi biến thể này có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19. Do đó, bà cho rằng kiểm soát sự lây lan của biến thể này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Bà Theresa Tam nêu rõ "cuộc chạy đua" giữa vắc xin ngừa COVID-19 và các biến thể đang ở thời điểm quan trọng và giới chức y tế cần có biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các biến thể đang khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở nhiều địa phương của nước này.

Người trẻ ở Canada là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả trong làn sóng dịch bệnh thứ ba này với tỉ lệ lây nhiễm cao nhất ở những người từ 20 đến 39 tuổi, trong khi số bệnh nhân dưới 60 tuổi cần nhập viện và điều trị trong các phòng bệnh chăm sóc tích cực tăng cao.

Theo giới chuyên gia, làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Canada có thể kéo dài đến tháng 6 do công tác tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại nước này còn chậm chạp. Số liệu của Cơ quan Y tế công của Canada cho biết tính đến ngày 9/4, nước này đã tiêm chủng 7.569.321 liều vắc xin.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254380/the-gioi-ghi-nhan-hon-657-300-ca-mac-covid-19-trong-24-gio-qua.html