Thế giới ghi nhận trên 165,5 triệu ca COVID-19, trên 3,4 triệu người tử vong

n sáng 20/5, thế giới đã ghi nhận trên 165,5 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó trên 3,4 triệu người tử vong.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Portimao, vùng Algarve, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/5 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 632.321 trường hợp mắc COVID-19 và 12.367 ca tử vong. Tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu hiện là 165.517.863 ca, trong đó có 3.430.586 người tử vong.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với số ca tử vong vượt mốc 601.800 ca. Theo đó, nước này đã ghi nhận 601.896 ca tử vong trong tổng số 33.797.270 ca mắc. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ có thêm trên 25.000 ca nhiễm mới. Tiếp đó là Ấn Độ với 25.771.405 ca mắc và đứng thứ ba là Brazil với 15.812.055 ca mắc và 441.423 ca tử vong.

Ấn Độ hôm qua ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ đầu dịch đến nay, với 4.529 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 283.248 ca, cao thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Brazil. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong theo ngày tại Ấn Độ tăng lên những mốc cao mới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình của Ấn Độ cho biết số ca nhiễm mới đã 3 ngày liên tiếp ở dưới ngưỡng 300.000 ca khi trong ngày 19/5, Ấn Độ ghi nhận thêm 267.334 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, quốc gia láng giềng Sri Lanka cũng ghi nhận tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã vượt mốc 1.000 ca, lên là 1.015 ca, khi có thêm 34 ca phát sinh trong ngày 19/5. Trong khi đó, tổng số ca được xác nhận mắc COVID-19 ở Sri Lanka đã lên tới 147.720 ca. Giới chức Sri Lanka đầu tuần này thông báo sẽ áp đặt lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc trong thời gian từ 21-25/5 và ngày 25-28/5 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngày 19/5, nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) đã nâng mức cảnh báo về đại dịch COVID-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này ghi nhận thêm 267 ca nhiễm mới. Chỉ trong vòng 5 ngày, số bệnh nhân COVID-19 tại Đài Loan đã tăng thêm hơn 1.200 người.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, chính quyền Đài Loan đã áp đặt mức cảnh báo cấp độ 3. Theo đó, các địa điểm giải trí, thư viện, trung tâm thể dục thể thao và các cơ sở sinh hoạt cộng đồng phải đóng cửa, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trong khi các cuộc tụ họp giới hạn số người tham gia ở mức không quá 5 người trong không gian kín và không quá 10 người khi ở ngoài trời.

Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận thêm 654 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 637 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 133.471 người. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 1.912 ca.

Tại châu Mỹ, hãng truyền hình CTV của Canada đưa tin thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước sẽ được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/6, trong bối cảnh Canada đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19.

Thỏa thuận trên được Canada và Mỹ nhất trí từ tháng 3/2020, sau đó được gia hạn hàng tháng. Giá trị trao đổi thương mại qua biên giới Canada - Mỹ ở mức khoảng 2 tỷ CAD (hơn 1,6 tỷ USD) mỗi ngày. Trước khi có thỏa thuận hạn chế trên, mỗi ngày đường biên giới dài 8.891 km này có 300.000 lượt người qua lại.

Theo CTV, tính đến chiều 18/5, Canada đã ghi nhận 1.337.730 ca mắc COVID-19, trong đó có 25.016 ca tử vong. Cơ quan y tế công cộng Canada cho hay, trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 5.700 ca mắc COVID-19 và số ca bệnh nặng vẫn tăng cao. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.600 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên khắp cả nước.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, châu Phi ghi nhận ít nhất 4,74 triệu ca mắc, trong đó có 126.000 ca tử vong. Đáng lo ngại là chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ở châu Phi đang bị chậm trễ và tụt hậu khá xa so với các khu vực khác do thiếu hụt nguồn cung vaccine và tài chính. Mục tiêu của lục địa này là tiêm chủng cho 30-35% dân số vào cuối năm nay và 60% dân số trong 2-3 năm tới.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo việc Ấn Độ tiếp tục ngừng xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chủng ở châu lục này.

Ông John Nkengasong cho rằng các chương trình tiêm chủng ở châu Phi có thể không đạt được đúng hạn các mục tiêu đề ra khi mà châu lục này chủ yếu dựa vào nguồn cung vaccine theo cơ chế COVAX. Ông nhận định, với những thách thức lớn mà Ấn Độ đang đối mặt hiện nay, khó có thể hy vọng châu Phi sẽ sớm nhận được vaccine.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ chế COVAX đã phân phối hàng triệu liều vaccine AstraZeneca tới nhiều quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, nguồn cung đang trở nên khan hiếm khi khoảng 80% số vaccine đã được sử dụng, trong đó đa số là trong các đợt tiêm mũi đầu.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-ghi-nhan-tren-1655-trieu-ca-covid-19-tren-34-trieu-nguoi-tu-vong-post134398.html