Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 mỗi ngày
Trong mấy ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu liên tiếp ở mức trên 2 triệu ca mỗi ngày, có ngày lên tới trên 2,5 triệu ca bệnh mới phát sinh.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 8/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu đã lên tới 303.080.489 ca, trong đó có 5.496.746 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.246.124 trường hợp mắc COVID-19 mới và 6.382 ca tử vong.
Như vậy, trong mấy ngày qua, số ca mắc COVID-19 và tử vong tăng cao đáng quan ngại và bất thường. Số ca mắc mới ghi nhận trên toàn cầu liên tiếp xô đổ các kỷ lục, có ngày lên tới trên 2,5 triệu ca mắc mới.
Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất với trên 700.000 ca, Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: THX
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, số ca nhiễm biến thể Omicron đang khiến các bệnh viện trên khắp nước này phải hoãn các cuộc phẫu thuật tự chọn để giải phóng giường bệnh.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hầu hết các khu vực mà bệnh viện đang tạm ngừng phẫu thuật đều có tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 hằng ngày cao nhất hoặc tăng đột biến trong suốt tháng 12/2021 hoặc từ đầu tháng 1/2022.
Theo CDC Mỹ, tỷ lệ trung bình bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 trong 7 ngày qua đã tăng 60% so với tuần trước lên 16.458 người/ngày, chỉ thấp hơn 0,2% so với mức đỉnh được ghi nhận trên toàn nước Mỹ cách đây đúng một năm. Đến nay Mỹ ghi nhận 59.564.116 ca mắc COVID-19, trong đó có 855.843 trường hợp tử vong.
Xếp thứ hai là Ấn Độ với 35.226.386 ca mắc COVID-19 và 483.178 ca tử vong kể từ đầu dịch. Ngày 7/1, Ấn Độ phát hiện 171.100 ca mắc mới, tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng một tuần và vượt qua cả mức cao đỉnh điểm ghi nhận trong các đợt bùng phát dịch trước đó khi biến thể Omicron lây lan nhanh và trở thành biến thể phổ biến tại nhiều thành phố. Do lo ngại dịch bệnh lây lan, từ ngày 11/1, Ấn Độ sẽ áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại nhà trong 7 ngày đối với tất cả hành khách quốc tế nhập cảnh.
Tại châu Âu, số ca mắc mới COVID-19 cũng tăng vọt tại nhiều nước. Bộ Y tế Italy thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 219.441 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Pháp dù đã giảm từ mức kỷ lục hơn 332.000 ca của ngày trước đó xuống còn 261.418 ca nhưng vẫn là mức cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Tính trung bình cả tuần, số ca mắc mới theo ngày tại Pháp lần đầu vượt 200.000 ca kể từ đầu dịch.
Tại Anh, số ca tái mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở những người trên 30 tuổi. Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), ít nhất 268.517 người đã mắc COVID-19 nhiều hơn một lần tính tới cuối tháng 12/2021.
Nhà dịch tễ học Meaghan Kall của UKHSA cho biết, con số này có thể thấp hơn đáng kể so với thực tế do công tác xét nghiệm bị hạn chế trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên. Trong bối cảnh này, Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã bắt đầu triển khai quân đội để hỗ trợ các bệnh viện đang bị thiếu nhân lực và chịu sức ép lớn do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Tại châu Mỹ, Cuba đối diện đợt bùng phát mới dịch COVID-19, trong khi Argentina tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch. Cụ thể, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Cuba trước đó ghi nhận chưa tới 100 ca mỗi ngày nhưng đã gia tăng nhanh chóng trong 2 tuần gần đây.
Cuba ngày 6/1 ghi nhận 1.429 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ và một trường hợp tử vong do dịch bệnh này. Còn tại Argentina, 109.608 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 6/1, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.
Trong khi đó, Brazil thông báo ghi nhận 35.816 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 22.386.930 ca mắc, trong đó có 619.641 ca tử vong. Số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil hiện chỉ xếp sau Mỹ và Nga.
Vào thời điểm này năm ngoái, vaccine mang lại hy vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc. Thế nhưng hiện nay, biến thể Omicron đã đem đến những thách thức mới, trong đó có gây quá tải hệ thống y tế, ngay cả khi biến thể này ít gây bệnh nghiêm trọng so với biến thể Delta như nhiều nhà khoa học khẳng định.
Khi thế giới đang chứng kiến sự tăng vọt về tỷ lệ lây nhiễm, chính phủ nhiều nước đã thay đổi chính sách về xét nghiệm và cách ly nhằm tiết kiệm các nguồn tài nguyên cũng như đảm bảo sự bảo vệ cho những đối tượng dễ bị tổn thương.