Thế giới ghi nhận trên 37,8 triệu ca mắc, 1.082.570 ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 22h ngày 12/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 37.835.155 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.082.570 ca tử vong.
Hơn 28.405.000 bệnh nhân hồi phục. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 1% số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 8 triệu ca mắc và 219.712 ca tử vong. Ngày 11/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã kêu gọi quốc hội lưỡng viện sớm thông qua dự luật cứu trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 bằng cách sử dụng số tiền còn lại từ Chương trình Bảo vệ tiền lương, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ toàn diện hơn vẫn đang gặp khó khăn.
Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á - với 7.133.368 ca mắc và 109.348 ca tử vong. Mặc dù số ca nhiễm mới ở nước này tiếp tục giảm, ghi nhận 66.732 ca trong 24 giờ qua, nhưng đây vẫn là mức cao so với nhiều nước khác. Ngày 12/10, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 6,6 tỷ USD để kích thích nhu cầu tiêu dùng, trong đó có việc trả trước một phần tiền lương cho nhân viên chính phủ liên bang trong mùa lễ hội sắp tới và tăng chi tiêu vốn, nhằm tạo động lực phục hồi nền kinh tế.
Đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ là Brazil, với 5.094.979 ca mắc và 150.506 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, số ca nhiễm đang có chiều hướng giảm trên cả nước. Trong bối cảnh đó, bang Sao Paulo, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội với việc cho phép mở cửa trở lại các rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng. Bang Rio de Janeiro cũng đã khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế, các hoạt động thể thao ngoài trời, cũng như cho phép học sinh các cấp trở lại lớp học.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục diễn biến dịch bệnh phức tạp. Nga là quốc gia đứng thứ tư thế giới, nhưng đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm. Theo thống kê mới nhất, Nga đã ghi nhận 1.312.310 ca mắc COVID-19, trong đó 22.722 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới tại nước này được ghi nhận là 13.592 ca. Mặc dù số ca nhiễm mới vẫn cao, song Nga tuyên bố sẽ không đề xuất phương án cách ly, mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện phương án "làm việc từ xa", do đây là phương án nhẹ nhàng nhất không buộc một thành phần kinh tế nào phải đóng cửa để chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nước này.
Các nước có số ca mắc cao tại châu Âu sau Nga là Tây Ban Nha, Pháp và Anh, với tổng số ca mắc lần lượt là 890.367; 734.974 và 603.716 ca. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết không loại trừ khả năng phong tỏa cục bộ tại Pháp. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ áp đặt bổ sung biện pháp hạn chế ở cấp độ 3 tại nhiều khu vực của England để phòng dịch.
Tại khu vực Trung Đông, Iran là quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất, với 504.281 ca, trong đó có 28.816 ca tử vong. Ngày 11/10 ghi nhận số ca tử vong cao nhất tại nước này - 272 ca. Sau Iran là Israel, với 291.828 ca nhiễm và 1.983 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Á, một số nước đang tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nhiều nước tăng mạnh. An ninh tại các cửa khẩu biên giới ở 10 tỉnh của Thái Lan được thắt chặt hơn nhằm chống các trường hợp nhập cư trái phép. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết các tỉnh biên giới sẽ được thắt chặt an ninh, cũng như giao nhiệm vụ cho các tỉnh trưởng và quận trưởng giám sát chặt chẽ tình hình. Ngoài ra, các cuộc tuần tra dọc theo biên giới cũng đã được tăng cường để ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp từ Myanmar, nơi số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thông báo từ ngày 14/10 - 27/10, Malaysia sẽ áp đặt một số hạn chế di chuyển tại thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận. Theo ông Yaakob, chính phủ sẽ hạn chế nhiều hoạt động từ đi học, đi đến các điểm tôn giáo cho đến chơi thể thao. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động kinh tế tại Selangor, các vùng Kuala Lumpur và Putrajaya sẽ được phép diễn ra như bình thường. Dự kiến, chính phủ cũng sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế sang toàn bộ bang Sabah.
Tại Hàn Quốc, mặc dù đã ban hành quyết định nới lỏng việc giãn cách xã hội, nhưng chính phủ nước này vẫn sẽ duy trì các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất do tin tưởng nước này có thể khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đều dưới mức 100. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý người dân không nên chủ quan, tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, bằng chứng là số ca nhiễm mới đã đột ngột tăng cao trở lại như thời gian vừa qua.
Một trong những thông tin tích cực trong ngày 12/10, các nhà khoa học tại Hong Kong (Trung Quốc) thông báo một loại thuốc kháng khuẩn thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày đã cho thấy kết quả hứa hẹn trong chống lại virus SARS-CoV-2 trên động vật. Qua thử nghiệm trên chuột lang, các nhà khoa học phát hiện thấy một trong những loại thuốc kim loại là ranitidine bismuth citrate (RBC), là "tác nhân kháng virus SARS-CoV-2 tiềm năng". Chuyên gia Runming Wang tại Đại học Hong Kong cho biết thuốc RBC có thể làm giảm 10 lần lượng virus trong phổi của chuột lang bị nhiễm bệnh.
Cùng ngày, hãng dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc Celltrion cho biết sẽ tiến hành thêm các thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng này phát triển. Theo đó, thuốc CT-P59 sẽ được cấp cho hơn 1.000 người, trong đó có các bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng và những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19.
CT-P59 đang trải qua các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 ở Hàn Quốc và nước ngoài. Celltrion cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với 32 tình nguyện viên trong nước và không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.