Thế giới ghi nhận trên 46 triệu ca mắc và 1,19 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 46,07 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1,19 triệu ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 33,3 triệu ca, vẫn còn 83.597 bệnh nhân trong tình trạng nặng (chiếm 1%).

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ, với 9.324.265 ca mắc, trong đó có 235.212 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày ở mức cao nhất từ trước tới nay và là mức cao nhất trên toàn thế giới, với 100.233 ca. Thống kê cho thấy cứ mỗi giây cường quốc số 1 thế giới này lại có hơn 1 ca nhiễm mới

Tính toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribe - khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với hơn 11,2 triệu ca, tổng số ca tử vong đã vượt quá 400.000 lên mức 400.524 người. Brazil là nước có số ca tử vong cao nhất tại khu vực này, với 159.562 người.

Để phòng, chống dịch bệnh lây lan, Canada đã gia hạn quy định hạn chế nhập cảnh đối với những người đến nước này với mục đích không thiết yếu đến cuối tháng 11 tới. Những trường hợp được phép nhập cảnh Canada là những lao động thiết yếu, sinh viên, vợ/chồng, con, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân Canada, nhưng phải thực hiện cách ly 14 ngày ngay khi đến.

Trong khi đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ở châu lục này, trong đó có Ukraine, Ba Lan, Hungary, Hy Lạp, ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy.

Cụ thể, Ukraine thông báo ghi nhận thêm 8.752 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 387.481. Con số này tại Ba Lan là 21.897 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Âu này liên tục tăng lên các mức cao mới. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 362.731 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.631 trường hợp không qua khỏi. Hungary cũng thông báo 3.908 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 người. Số ca tử vong hiện là 1.750 ca.Tại Hy Lạp, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.690, đưa tổng số người mắc bệnh lên 37.196, trong đó có 620 trường hợp không qua khỏi. Số ca nhiễm mới tại các nước khác như Đức, Nga và CH Séc cũng đều trên mức 13.000 ca.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm nay tại châu Âu, "Lục địa Già" đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 275.000 trường hợp không qua khỏi. Châu lục với 52 quốc gia này hiện cũng là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ Latinh và Caribe (11,2 triệu ca) và châu Á (10,5 triệu ca).

Trước tình hình trên, Hy Lạp đã quyết định gia hạn thêm lệnh giới nghiêm ban đêm, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập thể dục tại các khu vực đông dân nhất trong vòng 1 tháng, từ ngày 3/11. Lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 24h00' đến 5h00', vốn hiện chỉ được áp dụng tại những khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất, sẽ được mở rộng ra trên cả nước.

Tại Séc, Hạ viện cũng đã bỏ phiếu nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 20/11.

Một quan chức Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng nước này Boris Johnson đang cân nhắc áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn vùng England vào tuần tới, sau khi các nhà khoa học cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn dự báo. Theo kế hoạch, Thủ tướng Johnson sẽ tiến hành họp báo công bố các biện pháp mới trong ngày 2/11.

Trong khi đó, Iceland cũng đã yêu cầu các quán bar và vũ trường ở nước này đóng cửa và hạn chế tập trung đông người nơi công cộng từ 10 người trở lên, thay vì 20 người như trước đây, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Iceland cũng yêu cầu các nhà hàng đóng cửa từ 21h hằng ngày và cấm tất cả các hoạt động thể thao tổ chức trong nhà cũng như ngoài trời, ngoại trừ các cuộc thi đấu quốc tế. Quy định này có hiệu lực từ ngày 31/10 đến 17/11 tới. Tuy nhiên, các trường học vẫn được mở cửa.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2020. YONHAP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2020. YONHAP/TTXVN

Tại châu Á - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, với 10,5 triệu ca, nhiều nước vẫn chứng kiến số ca mắc tăng cao. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hơn 100 trong ngày thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 127 ca mắc mới COVID-19, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 26.511 ca. Trong 3 ngày trước đó, Hàn Quốc đều thông báo số ca mắc mới trên 100 mỗi ngày. Hầu hết các ca nhiễm mới là lây nhiễm ở các viện dưỡng lão, bệnh viện và các cơ sở khác, nhưng các ổ dịch nhỏ lẻ vẫn được báo cáo rải rác trên cả nước. Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng quy định giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất trong hệ thống quy định 3 cấp độ vào ngày 12/10, số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này tăng dao động quanh mức 100 ca/ngày. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở nước này khi người dân đi du lịch vào mùa Thu.

Ở Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực. Ngày 31/10, Indonesia ghi nhận 3.143 ca mắc mới và 87 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 410.088 và 13.869. Trong khi đó, với 1.803 ca nhiễm mới và 36 trường hợp tử vong, tổng số người mắc bệnh và tử vong tại Philippines hiện là 380.729 người và 7.221.

Dù ghi nhận thêm 48.268 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm ở nước này lên 8,13 triệu, trong đó 121.641 trường hợp tử vong, song tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở quốc gia Nam Á này hiện đã giảm 50% so với mức đỉnh điểm vào giữa tháng 9 vừa qua. Số ca tử vong theo ngày cũng giảm mạnh, với trung bình trong 7 ngày lúc đỉnh điểm là 1.176 người/ngày ghi nhận ngày 19/9. Đến ngày 29/10, con số này đã giảm hơn 50% xuống còn 543 người/ngày.

Ủy ban Khẩn cấp về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh đại dịch này vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Ủy ban cho rằng đại địch tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, đồng thời đưa ra khuyến nghị cụ thể để WHO và các nước tập trung triển khai trong những tháng tới, trong đó có các biện pháp phối hợp chặt chẽ có tính đến rủi ro và dựa trên thông tin xác thực liên quan đến hoạt động đi lại quốc tế, những nỗ lực giám sát và truy vết, đồng thời duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như chuẩn bị các kế hoạch cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 trong tương lai. Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia tránh chính trị hóa công tác ứng phó với đại dịch, động thái được cho là gây tổn hại lớn đối với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu.

Theo WHO, một nhóm chuyên gia quốc tế đã tiến hành cuộc họp trực tuyến đầu tiên với các đối tác Trung Quốc nhằm xác định nguồn gốc lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-ghi-nhan-tren-46-trieu-ca-mac-va-119-trieu-ca-tu-vong-do-covid19-20201031221247569.htm