Thế giới ghi nhận trên 852.000 ca COVID-19 trong ngày 21/4

Ngày 21/4, toàn thế giới ghi nhận hơn 852.000 ca COVID-19 và trên 13.100 ca tử vong. Tổng số ca COVID-19 từ đầu dịch tới nay đã vượt 144 triệu, trong đó trên 3,07 triệu trường hợp tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. Ảnh: THX

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6 giờ sáng 22/4, giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận trên 852.000 ca bệnh COVID-19 và trên 13.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 144 triệu ca, trong đó trên 3,07 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (315.728 ca), Brazil (71.910 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (61.967 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.945 ca), Ấn Độ (2.102 ca) và Mỹ (784 ca).

Trong ngày 21/4, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 315.728 ca mắc COVID-19 và 2.102 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ lên đến trên 15,9 triệu người.

Trong 24 giờ qua, vùng thủ đô Delhi tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 28.395 ca và 277 trường hợp tử vong. Do số ca bệnh tăng đột biến, cơ sở hạ tầng y tế của Delhi đang trên bờ vực sụp đổ. Thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, thuốc men và bình oxy trầm trọng. Đặc biệt, việc thiếu oxy ở Delhi đang rất nghiêm nghiêm trọng khi một số bệnh viện hàng đầu sẽ hết oxy chỉ trong vài giờ nếu không được bổ sung kịp thời.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 20/4, bang Telangana đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm cho đến ngày 1/5 trong khi bang Karnataka công bố lệnh giới nghiêm cuối tuần và phong tỏa vào ban đêm. Thủ hiến bang Maharashtra - nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, ông Uddhav Thackeray dự kiến sẽ ban bố lệnh phong tỏa toàn diện kéo dài 2 tuần tại bang này từ tối 21/4.

Phát biểu trong một cuộc họp tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề nghị chính quyền các bang coi lệnh phong tỏa là giải pháp cuối cùng và tập trung vào việc thiết lập các khu vực phong tỏa quy mô nhỏ.

Giữa lúc một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan khắp Ấn Độ, các chuyên gia di truyền học đã thông báo về một biến thể virus SARS-CoV-2 khác với 3 đột biến, được đặt tên là B.1.618, có khả năng cao "lẩn tránh" hệ miễn dịch. Biến thể này được cho là đang khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ở bang Tây Bengal và lây lan rất nhanh.

Tại Nhật Bản, thời gian gần đây, dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại. Ngày 21/4, nước này ghi nhận thêm 4.342 ca nhiễm mới, trong đó riêng Osaka có 1.153 ca và Tokyo 711 ca.

Đáng chú ý, số ca nguy kịch ở Osaka đã tăng cao kỷ lục lên 317 ca, khiến hệ thống y tế tỉnh này trở nên căng thẳng và buộc tỉnh phải huy động 60 giường dành cho các bệnh nhân nhẹ và vừa để chữa trị cho các bệnh nhân nguy kịch.

Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Osaka đã đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp. Chính quyền thủ đô Tokyo và tỉnh Hyogo có thể sẽ đưa ra các đề nghị tương tự. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền Osaka dự kiến sẽ yêu cầu các trung tâm mua sắm và các công viên chủ đề tạm thời đóng cửa để hạn chế sự di chuyển của người dân.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và hai tỉnh phía Tây gồm Osaka và Hyogo.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ tham vấn với các bộ trưởng trong nội các và có thể đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ vào ngày 22/4. Tình trạng khẩn cấp lần này có thể sẽ kéo dài trong 3 tuần.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở ba tỉnh, thành này trong tháng 4/2020 và tháng 1/2021.

Tại châu Mỹ, trong 24 giờ qua, Cuba có thêm 1.006 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên tới 96.760 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Cuba cũng đã tăng lên 547 ca, sau khi ghi nhận 9 ca tử vong mới.

Theo nhận định của Giám đốc Viện vệ sinh dịch tễ Cuba, Francisco Duran, những con số trên phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng phức tạp tại nước này. Ông Francisco Duran đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh tại một số khu vực nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó có thủ đô La Habana, nơi ghi nhận 544 ca nhiễm/ngày và tỷ lệ lây nhiễm hiện lên tới 365,5/100.000 người.

Cuba đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới kể từ tháng 1/2021. Trước tình hình này, Cuba đã quy định đóng cửa toàn bộ khu vực công cộng, hạn chế đi lại và yêu cầu người nhập cảnh tiến hành xét nghiệm và cách ly.

Tại Canada, tính từ đầu đại dịch, nước này ghi nhận 1.144.902 ca mắc COVID-19, trong đó 23.756 trường hợp đã tử vong. Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, trong thời gian từ ngày 13-19/4/2021, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 8.680 ca mắc COVID-19, tăng 7% so với 7 ngày trước đó. Trong hơn hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 tính trung bình trên 1 triệu dân tại Canada đã cao hơn mức tại Mỹ.

Thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước đã được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/5/2021, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19 có xu hướng trầm trọng ở Canada.

Thỏa thuận trên được Mỹ và Canada nhất trí từ tháng 3/2020 và đã được gia hạn hàng tháng sau đó. Người lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu như tài xế xe tải và nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp được miễn các hạn chế này.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/the-gioi-ghi-nhan-tren-852000-ca-covid-19-trong-ngay-21-4-post129303.html