Thế giới ngầm buôn bán phụ nữ ở Erbil

Háo hức trong lần ra mắt đầu tiên tham dự một cuộc thi người mẫu quốc tế, Noura mặc bộ cánh thật chỉn chu. Nhưng cô đã rất ngạc nhiên khi Abdullah, huấn luyện viên của mình ở Erbil (Iraq) nói rằng, cô cần ăn mặc quyến rũ hơn, váy ngắn hơn, khoe da thịt hơn. Đó chỉ là cú sốc đầu tiên với Noura khi đặt chân đến vùng đất lạ mà không hề biết đường quay về sẽ rất khó khăn.

Cuộc sống về đêm ở Erbil, Iraq cũng đầy cạm bẫy với các cô gái trẻ

Cuộc sống về đêm ở Erbil, Iraq cũng đầy cạm bẫy với các cô gái trẻ

Tiệc đêm gây sốc

Đêm đó, Abdullah đã đưa Noura, một người gốc Syria cùng 4 người phụ nữ khác đến một phòng lớn trong khách sạn ở Erbil, thủ phủ khu vực người Kurd ở Iraq. Xung quanh họ là đội ngũ nhân viên bảo vệ đeo mặt nạ, vũ khí đầy mình cùng những người phụ nữ ăn mặc rất gợi cảm. Hỏi Abdullah, Noura được trả lời: “Đây là xã hội nơi này. Cô sẽ phải thích nghi với nó”.

Khi đó, Noura đã làm người mẫu được vài năm, tạo dựng sự nghiệp thành công ở Damascus và có giải trong một cuộc thi địa phương vào năm 2017. Năm 2018, huấn luyện viên người mẫu của cô đã giới thiệu cho cô một cơ hội thú vị - đến Erbil trong 1 tháng để cạnh tranh với các người mẫu từ trên khắp Trung Đông và có cơ hội ký hợp đồng béo bở. Noura rất vui khi kiếm được khoảng 150 USD/tháng cho nghề làm người mẫu quần áo, đồ trang điểm và trang sức - một mức lương tốt ở quê hương bị chiến tranh tàn phá của cô - nhưng viễn cảnh kiếm được tới 5.000 USD là ngoài sức tưởng tượng. “Với số tiền này, tôi có thể có một tương lai khác”, cô nghĩ.

Nhưng trong đêm đầu tiên ở Erbil, cô gái 19 tuổi chỉ thấy xung quanh là những người đàn ông ngắm phụ nữ nhảy các động tác gợi cảm và ném những xấp tiền lên da thịt trần trụi của họ. Noura đã rơi vào thế giới ngầm buôn bán tình dục ở Erbil.

Nạn buôn người nhức nhối

Trong văn hóa Iraq và người Kurd bảo thủ, mối quan hệ nam - nữ khá nghiêm ngặt. Tình dục là một vấn đề rất riêng tư chỉ diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, nhưng nạn buôn người vẫn âm thầm hoạt động. Khét tiếng nhất là chợ nô lệ tình dục, nơi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) mang phụ nữ và trẻ em gái Yazidi đến diễu hành rồi bán họ cho người trả giá cao nhất. Nạn nhân bị lạm dụng cho đến khi anh ta chán chê và trao đổi với kẻ khác. “Phụ nữ và trẻ em gái ở Iraq, Iran, Syria, cũng như cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ở khu vực của người Kurd tại Iraq đặc biệt dễ bị trở thành món hàng buôn bán tình dục” - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một báo cáo gần đây nhất về nạn buôn người toàn cầu.

Người tị nạn và di cư sống trong các khu trại là một nhóm nạn nhân. Các nhân viên cứu trợ trong các trại cho biết, họ có nghe rằng phụ nữ bị bán dâm cho những người đàn ông bên ngoài trại. Ngoài ra cũng có thông tin rằng, phụ nữ Iran được đưa qua biên giới để phục vụ những doanh nhân giàu có ở khu vực do người Kurd kiểm soát tại Iraq. Chưa hết, một số phụ nữ Yezidi đã được giải thoát khỏi sự giam cầm của IS cũng bị ép làm gái mại dâm ở Baghdad và các thành phố khác của Iraq. Họ được hứa đưa tới các trại để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng kết quả là phải làm việc trong nhà thổ, hãng tin CNN đã đăng tải chi tiết trong một phóng sự điều tra gần đây.

Vào buổi sáng đầu tiên ở Erbil, Noura nói với Abdullah rằng các bữa tiệc chơi bời giống như buổi tối hôm trước không phải là cuộc thi người mẫu mà cô đã đăng ký. Cô tới Erbil để kết nối quan hệ kinh doanh nhằm tiếp tục sự nghiệp người mẫu của mình và không muốn thấy cảnh tượng này. Trong khi đó, một số phụ nữ cùng chỗ ở với Noura, trong đó có 2 chị em gái từ Syria, dường như là gái mại dâm có kinh nghiệm. Họ sử dụng ca hát và múa bụng để thu hút khách hàng. Phụ nữ ai cũng sợ Abdullah. Riêng Noura nhiều lần phản ứng mạnh với hắn để bảo vệ chính mình và cô đã phải trả giá cho điều đó.

“Chiến đấu” để bảo vệ mình

Abdullah đã cố giữ hộ chiếu Noura khi cô mới đến và hứa sẽ đưa cô đến các sự kiện mà ở đó cô sẽ được gặp gỡ các doanh nhân, các chính trị gia quyền lực cũng như tìm “cửa chạy” để cô có thể giành chiến thắng trong cuộc thi người mẫu. Nhưng khi phát hiện mọi việc không đúng như vậy, Noura không còn tiền mua vé máy bay về nhà và đành ở lại vì không còn lựa chọn nào khác.

Là ca sĩ nghiệp dư, Noura kết bạn với một nghệ sĩ piano và đặt vấn đề kết hợp với anh ta để có thể hát kiếm tiền mà không cần Abdullah cùng các bữa tiệc sex đó. Điều này đã khiến Abdullah tức giận. Tối hôm đó, trở lại ngôi nhà nơi Noura đang ở trong làng Pank ở Erbil, hắn đánh cô gãy xương sườn. Nhưng Noura đã sử dụng kỹ năng đấm bốc mà cô từng được học để đánh lại cho đến khi lấy được điện thoại và hộ chiếu rồi khập khiễng bỏ đi. Tuy vậy, gã huấn luyện viên của cô vẫn cố bám theo xuống đường để ép buộc Noura trở lại. Tiếng la hét của Noura khiến mọi người xung quanh chú ý, và họ đã gọi lực lượng an ninh Asayesh.

Noura chỉ cho Asayesh vết thương của cô và nói rằng mình bị bắt cóc. Lực lượng an ninh này vào ngôi nhà có nhiều phụ nữ đang sống, lấy hộ chiếu của họ và bảo mọi người hãy đến đồn cảnh sát vào ngày hôm sau. Khi đó, Abdullah đã bỏ đi. Tại đồn cảnh sát, lực lượng an ninh đe dọa sẽ đóng dấu chữ “da’ara” (tức gái mại dâm) vào hộ chiếu và trục xuất họ. Kinh hoàng khi nghĩ đến hậu quả của việc bị gắn mác này, nhóm phụ nữ đi cùng đã cầu xin Noura đừng theo đuổi vụ kiện chống lại Abdullah. Cuối cùng cô đã mủi lòng. Họ được phép rời đi nhưng vẫn bị giữ hộ chiếu. Abdullah bằng cách sử dụng quan hệ của mình tiếp tục lấy lại hộ chiếu của họ. Hắn chuyển mọi người đến Duhok. Noura ngày nào cũng đòi lại hộ chiếu, nhưng Abdullah nói dối rằng cảnh sát Erbil vẫn giữ. Noura không tin, nhưng cũng chẳng thể làm gì khác.

Ở Duhok, 10 ngày sau “trận chiến” với Abdullah, Noura đến bệnh viện khám và nói với các bác sĩ rằng cô bị ngã cầu thang. Hình chụp X-quang cho thấy chỗ xương gãy của cô. Tại ngôi nhà 2 tầng nơi họ sống, những phụ nữ làm công việc “mua vui” chiếm tầng trên trong khi Abdullah cùng gia đình hắn sống ở tầng dưới. Một ngày nọ, sau hơn 1 tháng ở Duhok, cô con gái 9 tuổi của Abdullah lên gác tìm hắn và Noura nhận ra cơ hội cho mình.

Gian nan đường về

Trong tình huống tuyệt vọng, Noura buộc phải làm liều nhưng cô không bao giờ có ý định làm hại bé gái đó. Noura đưa cô bé đi, rồi gọi cho Abdullah thông báo đang giữ con gái hắn, muốn nhận lại con thì hắn phải trả lại cô hộ chiếu và tiền. Abdullah nhượng bộ, đưa trả cho Noura hộ chiếu và vài trăm đô la. Cô rời Duhok tới Erbil cùng ngày. Noura nhớ lại: “Tôi rất sợ và không biết phải làm gì. Tôi đến Erbil mà không biết ai ở đó. Tôi đã ngủ ở công viên trong khi thời tiết giữa tháng 11 rất lạnh, nhiệt độ ban đêm xuống dưới 10 độ C”. Sau 2 ngày, cô gái trẻ đã kết nối được với một người quen từ Syria. Người này mời cô về nhà, mua quần áo mùa đông cho cô và nói rằng có thể ở lại nếu cần, tiền thuê nhà đóng góp sau nếu cô tìm được việc.

Trong vòng 5 tháng, Noura sống kham khổ, chủ yếu ăn mì ăn liền, người gầy sọp đi cho đến lúc vết thương lành hẳn. Cô kiếm được hợp đồng biểu diễn tại các nhà hàng gia đình và bắt đầu tích cóp đủ tiền để mua vé máy bay về nhà. Tuy nhiên thị thực lại bị quá hạn nên cô phải đóng khoản phạt. Cô cũng biết rằng cựu huấn luyện viên người mẫu của mình đã trình báo cảnh sát Syria rằng cô có liên quan đến hoạt động buôn người.

Trên tài khoản Instagram, Noura trông vô tư và ngây thơ khi làm người mẫu quảng cáo đồng hồ, túi xách lúc còn là một thiếu niên ở Syria. Cô thích chụp được những bức ảnh đẹp, sống một cuộc sống tốt đẹp, nhưng giờ đây lại đứng trước một lựa chọn đau lòng: “Về Syria và đối mặt với án tù hay ở lại Erbil?”. Hiện tại, với Noura, Erbil vẫn là lựa chọn tốt nhất vì cô có việc làm, tiết kiệm tiền để trả cho vụ kiện của mình ở Syria, và mơ một ngày nào đó có thể về nhà.

Nhưng trong đêm đầu tiên ở Erbil, cô gái 19 tuổi chỉ thấy xung quanh là những người đàn ông ngắm phụ nữ nhảy các động tác gợi cảm và ném những xấp tiền lên da thịt trần trụi của họ. Noura đã rơi vào thế giới ngầm buôn bán tình dục ở Erbil.

“Phụ nữ và trẻ em gái ở Iraq, Iran, Syria, cũng như cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ở khu vực của người Kurd tại Iraq đặc biệt dễ bị trở thành món hàng buôn bán tình dục”

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một báo cáo gần đây nhất về nạn buôn người toàn cầu

Yến Chi (Theo Ekurd Daily)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/the-gioi-ngam-buon-ban-phu-nu-o-erbil/836907.antd