Thế giới nhân sinh trong 'Chuyện nghề của Thủy'
Trở lại sau một thập kỷ, 'Chuyện nghề của Thủy' vẫn là trang viết có sức lay động không chỉ của một đạo diễn tha thiết với phim tài liệu mà còn là với đất nước oằn mình trước nỗi đau chiến tranh và những tổn thương thời hậu chiến.
Có thể nói Trần Văn Thủy là cây “đại thụ” trong giới làm phim tài liệu. Tác phẩm của ông không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn nhận được “cơn mưa giải thưởng” từ các liên hoan phim quốc tế. Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Chuyện từ góc công viên, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… đã trở thành chuẩn mực, góp phần không nhỏ đưa hình ảnh và tiếng nói Việt Nam ra với bạn bè thế giới.
Chuyện nghề của Thủy không phải là một cuốn hồi ký mà là những ghi chép nhỏ được ông và Lê Thanh Dũng - người bạn thân thiết, thực hiện. Đó là những chuyện không chỉ của riêng một người mà còn là của một thời, gắn liền với nhiều bạn bè đồng nghiệp và cả người thân của vị đạo diễn. Từ đó hiện lên trong những trang viết không phải con người cá biệt trong một không gian cá biệt, mà là một con người giữa những con người ở một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Như Lê Thanh Dũng nói: “Không những tôi sẽ ghi lại câu chuyện mà còn cố gắng ghi lại cả không khí câu chuyện, cái thần thái của người kể vì nó gây ấn tượng mạnh cho tôi”.
Chuyện đời - Chuyện nghề
Một điều lạ là cuốn sách ra đời không từ chủ quan của người viết hay bởi nhân vật của nó mà được bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu về thực tế đời sống và tâm linh giai đoạn 1982-1986 của hai học giả Mỹ: Michael Renov và Dean Wilson. Vì vậy, sự ra đời của tác phẩm không nhằm đánh bóng tên tuổi mà chỉ là những ghi chép về một cá nhân đã qua biết bao chìm nổi, từ đó thu vào mắt mình đủ mọi hỷ nộ ái ố của cuộc đời.
Tác phẩm bắt đầu từ cậu bé Thủy mê phim mà những Tarzan, Zoro, Charlie Chaplin, Rashomon, Ivanhoe, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió... đã hun đúc niềm đam mê vẫn còn ẩn giấu. Như mối lương duyên hết sức kỳ lạ, con đường đến với điện ảnh nói chung và phim tài liệu nói riêng cứ thế hiển hiện trước cuộc đời ông. Đó không phải là một trong nhiều chọn lựa, mà là lựa chọn duy nhất bởi thời thế, bối cảnh cũng như chuyển động của dòng lịch sử.
Năm 1953, Trần Văn Thủy lúc đó 13 tuổi, được bố gửi đi học nghề ở hiệu ảnh phố Paul Bert (Nam Ðịnh). “Sự kiện” đó đã đánh dấu cho lần đầu tiên làm quen với “phim” và “ảnh”. Đúng 10 năm sau, lúc đang công tác tại Ty Văn hóa của khu tự trị Tây Bắc (gồm ba tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ), Trần Văn Thủy nhận ra được sự “lợi hại” của phim ảnh bởi nó có thể tạo sức ảnh hưởng hơn mọi lời nói. Năm 1965, số phận run rủi cho ông nhìn thấy khóa học điện ảnh có tên “Khóa chống Mỹ cứu nước”. Đặc biệt hơn là dù nhập học trễ hơn 2 tuần nhưng ông vẫn được ở lớp quay phim, từ đó hành trình quay phim ở chiến trường miền Nam bắt đầu mở ra.
Cảm nhận sau đó của Trần Văn Thủy là những thực tế của người tham gia chiến tranh. Vẫn thiếu thốn mọi thứ, từ cái ăn cái mặc cho đến thuốc men và phương tiện vật chất. Thế nhưng là người quay phim, ông còn nhận thấy những thiếu thốn khác. Đó là thiếu ánh sáng vì luôn phải sống về đêm, trốn trong rừng sâu rồi chui xuống hố; là thiếu ôxy trong những trận càn bóp nghẹt trái tim cũng như khi phải đối mặt với trách nhiệm lớn lao mà như ông viết là “cả một xưởng phim trên lưng”. Thế nhưng cũng như số mệnh đã sắp đặt cho, để đến sau này ông vẫn cảm thán: “Nhớ lại chuyện quay phim chiến trường nhiều lúc thấy lạ, thấy “vô lý” vì sao mình chưa chết! Phải chết hàng trăm lần mới... phải chứ”.
Có thể hiện thực tàn khốc của chiến tranh qua nhiều tác phẩm đã trở nên quá quen thuộc, nhưng Chuyện nghề của Thủy vẫn là cuốn sách hiếm hoi nói sâu và nhiều hơn cả về người làm công tác ghi hình trong giai đoạn đó: “Người phóng viên quay phim mặt trận tất nhiên phải mạo hiểm tính mạng, đến chỗ nóng bỏng nhất, chọn vị trí bao quát nhất để có thể quay nhiều góc độ, chiếm chỗ cao để hình rõ nhất nhưng người thì không được... chết! Phim không được hỏng! Nhiệm vụ của anh ta không phải để giành chiến thắng trong một trận đánh, không thể lấy thân làm giá súng hay lấp lỗ châu mai. Nhiệm vụ anh ta trước tiên là phải... sống, sống để quay phim, để đem phim về tận phòng in tráng thì mới “hoàn thành nhiệm vụ”.
Để lại cho đời
Quan niệm sống cũng như làm nghề của Trần Văn Thủy có phần khác biệt, bởi lẽ ông biết trên lưng mình là hình ảnh của biết bao nhiêu con người, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu trận đánh… Ở các tác phẩm của ông, ta luôn nhìn thấy tầm vóc lớn và những câu chuyện đậm tính nhân văn. Nếu Những người dân quê tôi được quay ở chiến trường khu 5, Phản bội về chiến tranh biên giới Việt - Trung… đều thể hiện được một cách sống động không khí chiến đấu, thì Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… lại là những góc nhìn khác về thế giới nhân sinh, tuy rất nhỏ thôi nhưng lại đẹp đẽ chính bởi tình người.
Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thủy có một cái gì đó hơi giống Trịnh Công Sơn bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”. Gắn bó với nó bởi Trần Văn Thủy tin rằng “Phim tài liệu tồn tại nhờ cuộc sống, mà cuộc sống vốn đã là mẹ của chân lý”.
Con đường mà Trần Văn Thủy đi qua hóa ra lại khá tương đồng với giới làm phim độc lập thuộc thế hệ trẻ ngày nay. Cuộc đời làm phim của ông đặc biệt vì ông không phải cắp tráp, đi phụ cho các đạo diễn đàn anh, không bị hoặc được ảnh hưởng từ bất kỳ ai mà chỉ “nghĩ gì làm nấy”. Từ đó, ông đúc kết lại bằng một câu nói có phần hài hước: “Cách làm bộ phim đó là... vừa đi vừa tìm, vừa làm vừa nghĩ mà không có cái gì trước cả”.
Chuyện nghề của Thủy vừa trở lại sau 10 năm, Phanbook phát hành tháng 9.2023. Ảnh: Minh Anh
Và cũng chính bằng sự hồn nhiên như thế mà các tác phẩm của Trần Văn Thủy rất thật, rất đời và luôn hướng tới một mục tiêu chung là người xem phải cảm thấy “sướng” khi được trải nghiệm. Thế nhưng không phải bản năng một cách hoàn toàn, mà đó còn là trải nghiệm cũng như kinh nghiệm mà ông có được khi học tập tại Liên Xô với người thầy kiệt xuất Roman Karmen, người từng chắp bút nên cuốn sách ấn tượng về quãng thời gian làm phim tại Việt Nam - Ánh sáng trong rừng thẳm. Theo đó thì dẫu có hình thức thể hiện khác nhau, nhưng phim tài liệu cũng cần “có mở có thắt, có cao trào có bùng nổ, và ly kỳ y hệt cinéma thứ thiệt”.
Ông nói rằng phim tài liệu đặc biệt ở chỗ “không cần hư cấu vì những chuyện thực, người thực, việc thực xảy ra như chỉ có trong những trí tưởng tượng phong phú nhất”. Và Chuyện nghề của Thủy cũng là tác phẩm như thế, nơi những trải nghiệm của bản thân ông chính là cuốn sử ly kỳ ghi dấu một thời đoạn tưởng như hư cấu nhưng lại có thật và rất phức tạp. Nhưng vượt thoát khỏi chủ đề giáo điều, tác phẩm còn là khởi nguồn cho niềm cảm hứng “khi bắt tay vào làm phim thì hãy thể hiện những điều mình nghĩ, những khát khao của cuộc đời này, những điều có ích cho xã hội, cho đất nước một cách chân thành và thẳng thắn nhất”.
Trần Văn Thủy (sinh năm 1940) đã đạo diễn trên 20 bộ phim, từng được trao 3 giải đạo diễn xuất sắc tại liên hoan phim Việt Nam, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001. Năm 2022, Trần Văn Thủy nhận Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội bởi những cống hiến trọn đời cho điện ảnh nước nhà, trong đó có những tác phẩm xuất sắc về đề tài Hà Nội.