Vào ngày 27/2 (theo giờ địa phương), trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho Lực lượng răn đe chiến lược của Nga vào trạng thái tác chiến đặc biệt.
“Giới chức hàng đầu của các nước NATO đã đưa ra những bình luận công kích với đất nước chúng ta, do đó tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đặt Lực lượng răn đe của quân đội Nga vào chế độ tác chiến đặc biệt", Tổng thống Putin yêu cầu.
Động thái của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Mỹ và các nước phương Tây quyết định loại một số ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Nga có khoảng 6.370 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, trong đó 1.570 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong biên chế, 870 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 1.870 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đang được niêm cất.
Ngoài số lượng dự trữ của lực lượng tác chiến, Nga còn có khoảng 2.060 đầu đạn hạt nhân đã loại biên đang trong tình trạng chờ tiêu hủy (nhưng vẫn còn khả năng tác chiến). Vậy Nga sẽ giữ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp nào?
Chính sách răn đe hạt nhân chỉ ra: Thứ nhất, đối thủ tiềm tàng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và các đồng minh của nước này. Thứ hai, việc Nga bị gây hấn bằng vũ khí thông thường, đe dọa sự tồn tại của nước Nga.
Có bốn điều kiện cụ thể để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: đầu tiên là nhận được những thông tin đáng tin cậy về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ của Nga và các đồng minh. Tiếp theo là đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để tấn công lãnh thổ của Nga và đồng minh.
Thứ ba là đối thủ tấn công các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng của Nga khiến các cơ sở này ngừng hoạt động và làm gián đoạn phản ứng của các lực lượng hạt nhân của Nga. Và cuối cùng là Nga bị vũ khí thông thường tấn công dẫn đến đe dọa sự tồn tại của quốc gia.
Chính sách răn đe hạt nhân Nga nêu rõ, Tổng thống Nga chịu trách nhiệm quyết định xem có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Nếu cần, Tổng thống Nga có thể thông báo cho các quốc gia khác hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị và quân sự quốc tế về việc Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân liên và sự kiện liên quan.
Chuyên gia Aleksandr Alesin cho biết thêm, Liên bang Nga có hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa, được chia thành cấp không gian và cấp mặt đất. Hệ thống này nhận biết thời điểm tên lửa Mỹ được phóng đi và đáp trả bằng chính tên lửa của Nga. Học thuyết quân sự của Nga cho rằng, xét cho cùng, đây chủ yếu là phản ứng trước hành động gây hấn.
Ví dụ, khi một cảnh báo không gian được xác nhận bằng dữ liệu tình báo điện tử, hệ thống radar (sau đó đề xuất phóng tên lửa đáp trả đối thủ) sẽ được trình lên Tổng tư lệnh tối cao (Tổng thống Putin). Ông Putin sẽ đưa ra quyết định cùng với Tổng tham mưu trưởng - đây là nhân vật thứ hai có khả năng ảnh hưởng đến quyết định.
Chiếc cặp hạt nhân "huyền thoại" thực chất chỉ là phương tiện liên lạc để truyền lệnh phóng tên lửa chiến lược. Ngoài ra, Nga còn có một hệ thống chỉ huy mang tên Perimeter (Ngày tận thế) có khả năng tự hoạt động. Giả sử trong trường hợp Tổng thống Putin không thể quyết định vì một lý do nào đó, thì một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được tự động hóa.
Hệ thống này còn được gọi là "Bàn tay Thần chết", có thể tự động phóng tên lửa tín hiệu chỉ huy để kích hoạt toàn bộ năng lực hạt nhân của Liên bang Nga. Nguồn ảnh: Pinterest.
Thái Hòa