Thế giới nói gì về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc về Ukraine?

Với kế hoạch hòa bình này, Trung Quốc đang cố gắng thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tròn một năm.

Trung Quốc bất ngờ công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về Ukraine - Ảnh: Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chia sẻ lập trường của nước này về vấn đề Ukraine trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/2. (Nguồn: Getty Images)

Trung Quốc bất ngờ công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về Ukraine - Ảnh: Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chia sẻ lập trường của nước này về vấn đề Ukraine trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/2. (Nguồn: Getty Images)

Đề xuất bất ngờ

Ngày 24/2/2023, tròn một năm sau ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ công bố văn bản gồm 12 điểm, nêu rõ lập trường của nước này về một “giải pháp chính trị” cho khủng hoảng tại Ukraine.

Bắc Kinh kêu gọi các bên tránh “làm trầm trọng thêm căng thẳng” nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng trở nên “xấu hơn hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát… đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho khủng hoảng tại Ukraine… Trung Quốc khuyến khích mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình”.

Đồng thời, Bắc Kinh phản đối “việc phát triển, sử dụng vũ khí sinh hoạt hoặc hóa học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, “không được sử dụng vũ khí hạt nhân” và “không được tiến hành chiến tranh hạt nhân”.

Tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tái khẳng định nước này “không đưa ra bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào trong bất kỳ khu vực xung đột nào hoặc cho các bên liên quan đến xung đột. Những gì chúng tôi đang làm là thúc đẩy đàm phán hòa bình”.

Ngay khi công bố, đề xuất của Trung Quốc đã lập tức khiến thế giới xôn xao. Cần nhớ rằng bản kế hoạch này được nước này đưa ra trong bối cảnh phương Tây chỉ trích Trung Quốc đã gửi viện trợ phi sát thương và đang xem xét gửi vũ khí cho Nga. Liệu kế hoạch hòa bình trên có thể góp phần xoa dịu những chỉ trích này?

“Trung Quốc không đưa ra bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào trong bất kỳ khu vực xung đột nào hoặc cho các bên liên quan đến xung đột. Những gì chúng tôi đang làm là thúc đẩy đàm phán hòa bình”. (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân)

Từ ủng hộ, thận trọng…

Ngày 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova “đánh giá cao mong muốn chân thành của những người bạn Trung Quốc” và Nga sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Song bà Zakharova lưu ý điều này đồng nghĩa là công nhận “thực tế lãnh thổ mới” ở Ukraine, đề cập việc Nga đơn phương sáp nhập 4 vùng của Ukraine - Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như Crimea.

Trong khi đó, phản ứng của Kiev lại có phần thận trọng hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định: “Đây là một tín hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc có vẻ sẽ tham gia vào (một công thức hòa bình). Tôi muốn tin rằng nước này sẽ đứng về phía ý tưởng hòa bình”.

Để ngỏ khả năng sớm gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Kiev cũng bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ không cung cấp viện trợ phi sát thương và vũ khí cho chính quyền Moscow.

Gọi tuyên bố này là một “dấu hiệu tốt”, Đại biện lâm thời của Ukraine ở Bắc Kinh Zhanna Leshchynska đặt câu hỏi về tính trung lập của Trung Quốc: “Nếu Trung Quốc thật sự trung lập thì nên trao đổi với cả Nga và Ukraine. Hiện giờ, chúng tôi thấy họ mới chỉ đang chủ yếu nói chuyện với Nga”.

 Ukraine tỏ ra thận trọng, trong khi Mỹ hoài nghi kế hoạch của Trung Quốc - Ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ của ông chủ nhà Trắng tới Kiev ngày 20/2. (Nguồn: Reuters)

Ukraine tỏ ra thận trọng, trong khi Mỹ hoài nghi kế hoạch của Trung Quốc - Ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ của ông chủ nhà Trắng tới Kiev ngày 20/2. (Nguồn: Reuters)

… tới hoài nghi

Ngược lại, phương Tây lại hoài nghi hơn về kế hoạch hòa bình này. Lãnh đạo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng đề xuất hòa bình này bị ảnh hưởng do Trung Quốc không chỉ trích Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang xem xét kế hoạch của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh xung đột “sẽ kết thúc vào ngày mai” nếu điểm đầu tiên về tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước được tuân thủ.

Tương tự, EC coi kế hoạch hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh là một “sáng kiến chính trị”, song dưới cách diễn giải của Trung Quốc về luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho Nga. Người phát ngôn EC Nabila Massarali cho rằng kế hoạch “nhấn mạnh một số nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc nhưng có chọn lọc và không hiệu quả để giảm thiểu tác động của xung đột tới Ukraine”.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định: “Chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, song trong bối cảnh Trung Quốc đứng về phía nào. Đây không phải một kế hoạch hòa bình mà mới là những nguyên tắc Trung Quốc muốn chia sẻ”.

“Chúng tôi sẽ xem xét các nguyên tắc, song trong bối cảnh Trung Quốc đứng về phía nào. Đây không phải một kế hoạch hòa bình mà mới là những nguyên tắc Trung Quốc muốn chia sẻ”. (Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen)

Chuyên gia lên tiếng

Giới học giả cũng nhanh chóng đưa ra một số đánh giá về kế hoạch nêu trên.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết nước này có lẽ đã lường trước phản ứng của cộng đồng quốc tế. Song ông cho rằng Trung Quốc cảm thấy cần phải nhắc lại thái độ trung lập của mình vào thời điểm này để duy trì một số ảnh hưởng quốc tế, thông qua chỉ trích NATO và phân rõ ranh giới trong hành vi của Trung Quốc và Nga.

Trong một ý kiến khác, Tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái đoàn quân sự Pháp tại Liên hợp quốc ngày 25/2 cho rằng Trung Quốc là bên duy nhất có thể tác động đến Nga. Song theo ông, Bắc Kinh sẽ phải duy trì thái độ trung lập hơn nữa, đồng thời vượt qua thái độ phản đối và nỗ lực cô lập của Washington.

Cuối cùng, bà Lily McElwee, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho rằng kế hoạch hòa bình 12 điểm nêu trên có ba mục tiêu lớn. Thứ nhất, đó là thuyết phục châu Âu rằng nước này có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong xung đột. Thứ hai, Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ đối tác với Moscow. Thứ ba, Trung Quốc đang hướng tới lôi kéo các nước phía Nam không chia sẻ quan điểm với phương Tây về khủng hoảng tại Ukraine.

Bà McElwee lập luận: “Bắc Kinh lo ngại rằng môi trường quốc tế đang ngày càng trở nên không thuận lợi với các mục tiêu toàn cầu của mình. Trong bối cảnh đó, các nước ở phía Nam có thể trở thành những đối tác hữu ích của Trung Quốc”.

Mai Lan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-noi-gi-ve-ke-hoach-hoa-binh-cua-trung-quoc-ve-ukraine-218497.html