Thế giới phân cực sau quyết định của Liên Hợp quốc về Iran

Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc hủy bỏ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ kích hoạt cơ chế phục hồi, ám chỉ việc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt vốn đã bị đình chỉ theo thỏa thuận hạt nhân 2015 đối với Iran.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi động thái mới nhất này của ông chủ Nhà Trắng trở thành chủ đề tranh luận của các cường quốc khác trên thế giới.

Mỹ tuyên bố có thể khởi động giai đoạn thông báo kéo dài 30 ngày mà sau đó, những lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc vốn đã bị dỡ bỏ sau thỏa thuận hạt nhân sẽ được khôi phục. Giai đoạn này sẽ kết thúc theo chủ ý của Mỹ trước tháng 10-2020 - khi lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực và cũng là lúc Nga tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, thời điểm mà Washington có thể gặp nhiều rào cản về thủ tục hơn.

Kiên nhẫn là điều mà Tehran cần vào lúc này.

Kiên nhẫn là điều mà Tehran cần vào lúc này.

Để phản đối động thái này của Mỹ, Nga và Trung Quốc đưa ra lập luận theo nguyên tắc pháp lý rằng Mỹ đã từ bỏ quyền khôi phục các lệnh trừng phạt khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Lập luận này dựa trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với quy định rõ ràng rằng chỉ những nước tham gia thỏa thuận này mới có thể khôi phục các lệnh trừng phạt.

Đây là luận điểm pháp lý mà ngay cả cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton - một người phản đối thỏa thuận hạt nhân và chứng kiến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này - cũng đã xác nhận. Thực tế, vấn đề đã chuyển từ một cuộc đấu tranh pháp lý thành cuộc chiến về mặt chính trị. Một bức tranh đa sắc màu đang diễn ra tại Liên Hợp quốc, theo đó các thành viên được chia thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất do Mỹ đứng đầu và trên thực chất cũng chỉ có nước Mỹ. Đó là việc nước này sẽ tìm cách bảo vệ quan điểm của mình - chủ yếu thông qua việc gây sức ép chính trị và kinh tế - để buộc một số quốc gia thành viên đồng ý thực thi các lệnh trừng phạt khi thời hạn thông báo kết thúc. Nếu các nước không khôi phục các lệnh trừng phạt thì chính quyền ông Trump có khả năng sẽ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung, như đã thực hiện thành công trong 18 tháng qua. Một số quốc gia có thể sẽ buộc phải đứng về phía Mỹ vì lo sợ nước này có thể gây áp lực kinh tế đối với họ.

Nga và Trung Quốc được cho là dẫn đầu nhóm thứ hai và đã bắt đầu có động thái đáp trả. Nhóm này không chỉ từ chối thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc mà Nhà Trắng tuyên bố cần áp đặt trở lại, mà còn có thể gây cản trở bằng việc không đồng ý tái thiết lập các ủy ban cần thiết của Liên Hợp quốc để giám sát việc thực hiện các lệnh trừng phạt đó. Tìm kiếm một quyết định của Tòa án Công lý quốc tế về vấn đề pháp lý đối với tuyên bố của Mỹ cũng có thể sẽ là một cách mà nhóm này sẽ thực hiện.

Nhóm thứ ba sẽ do Pháp, Anh và Đức dẫn đầu - những nước vẫn có quan điểm cho rằng thỏa thuận cần được duy trì hết mức có thể. Trong một tuyên bố vào tháng 6-2020, chính phủ các nước này nhấn mạnh rằng họ sẽ không ủng hộ việc Mỹ đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt. Chỉ có điều, quyết tâm này liệu có biến thành hành động phản đối trực diện hay không thì còn phải chờ xem. Cách được cho là hiệu quả nhất mà nhóm này đang thực hiện, đó là tìm cách trì hoãn việc đưa ra quyết định tiến hành các bước cần thiết cho việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc, ít nhất được dự đoán là cho đến tháng 11, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được duy trì là cần thiết trong tình hình hiện nay. Ảnh: KT.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được duy trì là cần thiết trong tình hình hiện nay. Ảnh: KT.

Các nước lớn còn lại như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản dường như ủng hộ cách tiếp cận này. Chính phủ những nước này thậm chí còn gửi tín hiệu chính trị quan trọng đến Iran và ủng hộ hầu hết các thành viên Hội đồng Bảo an ra tuyên bố chung cam kết không chấp nhận hành động đơn phương khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo cách tiếp cận này, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể khởi động một tiến trình tham vấn kéo dài xung quanh cách thức tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Khả năng là các lệnh trừng phạt riêng rẽ cấp EU đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ không được áp đặt trở lại chừng nào Iran vẫn thận trọng trong cách tiếp cận các hoạt động hạt nhân của mình.

Về phần mình, Iran có thể sẽ phản ứng tức thì trước mọi động thái của Mỹ, mà khả năng lớn nhất là mở rộng các hoạt động hạt nhân. Tuy nhiên, kiên nhẫn là điều mà Tehran cần vào lúc này. Một cuộc chiến pháp lý, mà ẩn đằng sau nó là màu sắc chính trị, do Nga và Trung Quốc khởi xướng chống lại hành động tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran, kết hợp với việc nhiều quốc gia không thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc và phe ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục bóng gió rằng Mỹ sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran như trước, có thể giúp trì hoãn những phản ứng tiêu cực nhất từ Tehran.

EU và Iran đã cố gắng ngăn thỏa thuận hạt nhân sụp đổ. Tất cả đã đi một chặng đường dài và chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với hy vọng sẽ có một sự thay đổi. Nếu Iran có hành động cực đoan liên quan đến chương trình hạt nhân như gia tăng đáng kể mức độ làm giàu urani hoặc hạn chế quyền tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế sẽ có thể khiến nỗ lực duy trì thỏa thuận đổ ra sông ra biển. Đó là chưa kể những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên, chẳng hạn như một vụ tấn công vào cơ sở hạt nhân Iran bởi một đồng minh Mỹ trong khu vực, thì kết quả sẽ thật khó lường.

Hùng Thắng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/the-gioi-phan-cuc-sau-quyet-dinh-cua-lien-hop-quoc-ve-iran-610323/