Thế giới phản ứng trước việc ông Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela

Phản ứng quốc tế khá chia rẽ: trong khi Trung Quốc, Syria, Iran và Nga chúc mừng ông Maduro, Mỹ và một số quốc gia Mỹ Latinh bày tỏ quan ngại về 'tính minh bạch' của cuộc bầu cử.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, tại Caracas ngày 29/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, tại Caracas ngày 29/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Nicolas Maduro, người đã lãnh đạo Venezuela kể từ khi Hugo Chavez qua đời năm 2013, đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 kéo dài 6 năm, bắt đầu vào ngày 10/1/2025. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại với 51,2% số phiếu bầu sau khi kiểm được 80% số phiếu. Đối thủ của ông là Edmundo Gonzalez đã giành được 44,02% số phiếu bầu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 59%.

Trong nước, những tuyên bố về "gian lận bầu cử" đang lan rộng. Lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado cho biết ông Gonzalez sẽ giành chiến thắng áp đảo nếu các lá phiếu bầu tổng thống hôm 28/7 được kiểm đúng cách.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chúc mừng tới ông Maduro và Bộ Ngoại giao Nga tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ với quốc gia Mỹ Latinh này.

Phản ứng quốc tế đối với cuộc bầu cử khá phân cực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Syria và Iran đều chúc mừng chiến thắng của ông Maduro. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" về kết quả bầu cử khi ông kêu gọi kiểm phiếu công bằng và minh bạch.

Châu Mỹ Latinh đã chia rẽ về kết quả: trong khi Bolivia, Cuba và Honduras lên tiếng ủng hộ ông Maduro, và Brazil hoan nghênh cuộc bỏ phiếu diễn ra trong hòa bình, Argentina, Peru, Guatemala, Chile và Costa Rica đã chọn không công nhận kết quả chính thức. Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Luiz Gilberto Murillo đã kêu gọi một cuộc kiểm toán độc lập về số phiếu bầu "càng sớm càng tốt".

Nhà phân tích chính trị Jesus Seguias, Chủ tịch công ty khảo sát Dating CORBA, một công ty nổi tiếng ở Venezuela với gần 40 năm kinh nghiệm cho biết khả năng phe đối lập giành được quyền kiểm phiếu lại là rất mong manh. "Chính phủ đã đưa ra quyết định chính trị. Chính quyền có quyền duy trì quyết định của mình, trong khi phe đối lập không có phương tiện để phản đối quyết định đó", ông Seguias nói.

Về phần mình, Alexander Arabyadzhan tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Arabyadzhan dự đoán rằng Mỹ có thể sẽ thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Venezuela trong vài tháng tới.

Trong khi đó, Viktor Heifets, Tổng biên tập tạp chí Latinskaya Amerika (Mỹ Latinh), lưu ý rằng Washington, vốn đang đặt cược vào chiến thắng của phe đối lập, cuối cùng sẽ từ chối công nhận kết quả bầu cử, nhưng sẽ không dỡ bỏ hay nới lỏng lệnh trừng phạt. "Về các lệnh trừng phạt, phần lớn sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống tại Mỹ", ông Heifets nêu rõ, nhấn mạnh rằng sẽ khó có thể tưởng tượng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt nếu ông đắc cử.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-phan-ung-truoc-viec-ong-maduro-tai-dac-cu-tong-thong-venezuela-20240730183529744.htm