Thế giới phối hợp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất kinh hoàng
Các quốc gia trên thế giới đã gấp rút gửi viện trợ nhân sự và thiết bị để hỗ trợ cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất lớn khiến hàng nghìn người thiệt mạng vào ngày 6/2.
Theo hãng tin Reuters, các nhà địa chấn học cho biết trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 được xem là một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong thập kỷ này.
Tâm chấn cách thành phố Nurdagi của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 26km về phía đông và ở độ sâu khoảng 18km thuộc đoạn đứt gãy phía Đông Anatolian. Trận động đất cũng ảnh hưởng đến phía đông bắc, gây ra sự tàn phá ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong thế kỷ 20, đường đứt gãy Đông Anatolian ít có khả năng phát hiện các hoạt động địa chấn lớn.
Mức độ nghiêm trọng của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Trung bình ghi nhận khoảng 20 trận động đất trên 7,0 độ richter mỗi năm nhưng trận động đất ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ thực sự rất nghiêm trọng. Theo Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thiên tai thuộc Đại học College London, so với trận động đất 6,2 độ richter xảy ra ở miền trung Italy vào năm 2016 khiến khoảng 300 người tử vong, thì trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria giải phóng sức mạnh gấp 250 lần.
"Sự rung chuyển trên mặt đất nghiêm trọng hơn so với một trận động đất sâu hơn có cùng cường độ", David Rothery, nhà địa chất học tại Đại học Mở ở Anh cho biết.
11 phút sau trận động đất ban đầu, khu vực này hứng chịu dư chấn mạnh 6,7 độ. Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra vài giờ sau đó, tiếp theo là một trận động đất mạnh 6,0 độ khác vào buổi chiều.
"Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự lan sang các đoạn đứt gãy lân cận. Chúng tôi cho rằng dư chấn sẽ tiếp tục trong một thời gian", Musson cho biết.
Những trận động đất có cường độ tương tự ở các khu vực đông dân cư đã khiến hàng nghìn người tử vong trong thời gian qua. Chẳng hạn như trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người. Tuy nhiên, thời tiết mùa đông lạnh giá ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ít cơ hội sống sót hơn.
Thế giới chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Trang SCMP dẫn tin, các quốc gia đã gấp rút gửi viện trợ nhân sự và thiết bị để hỗ trợ cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất lớn ngày 6/2. Lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm suốt đêm lạnh giá cho đến ngày 7/2 với hy vọng đưa thêm nhiều người sống sót ra khỏi đống đổ nát.
Giới chức trách lo ngại số người chết vì trận động đất sẽ tăng lên và dư chấn sẽ tiếp tục xảy ra khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót giữa đống kim loại và bê tông. Liên minh châu Âu đã huy động các đội tìm kiếm và cứu nạn để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ trong khi hệ thống vệ tinh Copernicus của khối đã được kích hoạt để cung cấp dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp. Ít nhất 13 quốc gia thành viên của EU đã đề nghị hỗ trợ. EU cho biết cũng sẵn sàng giúp đỡ Syria thông qua các chương trình hỗ trợ nhân đạo.
Mỹ cũng phối hợp hỗ trợ ngay lập tức cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc huy động các đội hỗ trợ để nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn. Các đối tác nhân đạo do Mỹ hỗ trợ cũng đang ứng phó với những ảnh hưởng do động đất gây ra. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chia buồn tới các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cơ quan viện trợ nước ngoài chính thức của Trung Quốc cho biết đã liên lạc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đồng thời "sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp phù hợp với nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng". Tân Hoa xã cũng đưa tin Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã quyết định cung cấp 200.000 đô la Mỹ "tương ứng" cho các tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong khi đó, các đội cứu hộ của Nga từ Bộ tình trạng khẩn cấp đang chuẩn bị bay tới Syria để giúp dọn dẹp và tìm kiếm những người sống sót. Quân đội Nga đã thiết lập các điểm để phân phối hỗ trợ nhân đạo. Nga cũng đã đề nghị giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ.
Quân đội Israel cho biết đang gửi một đội tìm kiếm và cứu hộ gồm 150 kỹ sư, nhân viên y tế và các nhân viên cứu trợ khác tới Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn đã rời Israel vào ngày 6/2. Quân đội cho biết sẽ cung cấp "sự hỗ trợ ngay lập tức trong các nỗ lực cứu sống.
Jordan đang gửi hàng viện trợ khẩn cấp tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ theo chỉ thị của Quốc vương Abdullah II. Cộng hòa Séc đang cử một đội gồm 68 nhân viên cứu hộ, bao gồm lính cứu hỏa, bác sĩ, kỹ sư kết cấu và cả các chuyên gia cùng với chó nghiệp vụ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và Vương quốc Anh đang gửi 76 chuyên gia tìm kiếm và cứu nạn cùng với thiết bị, cũng như một đội y tế khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ. Vương quốc Anh cũng cho biết đang liên hệ với Liên Hợp Quốc về việc nhận hỗ trợ cho các nạn nhân ở Syria.
Về phía Việt Nam, liên quan đến sự việc này, ngày 06/02, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Syria Bashar al-Assad.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng người Việt tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân. Cho đến cuối ngày 06/02/2023, chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.