Thế giới quan tâm theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8 đã chính thức bắt đầu. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế bởi kết quả bầu cử không chỉ quyết định tương lai nước Nga, mà còn góp phần định hình các mối quan hệ và trật tự thế giới hiện nay.
Cuộc đua giữa 4 ứng cử viên
Vào lúc 8h ngày 15-3 theo giờ địa phương (tức 3h cùng ngày theo giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu đầu tiên tại Vùng Kamchatka của nước Nga đã mở cửa để người dân đến bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 8. Do nước Nga trải dài trên 9 múi giờ nên phần lớn các điểm bỏ phiếu tại Thủ đô Matxcơva và vùng miền Tây đến 12h theo giờ Hà Nội mới chính thức mở cửa. Các điểm bỏ phiếu sẽ hoạt động từ 8 - 20h trong 3 ngày từ 15 đến 17-3.
Đây là lần đầu tiên nước Nga tiến hành một cuộc bầu cử Tổng thống trong 3 ngày, trong bối cảnh đặc biệt khi nước Nga phải đối mặt với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và phong tỏa của phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Do lãnh thổ rộng lớn của Nga, trong đó nhiều khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt khó tiếp cận, nên Hiến pháp Nga quy định sẽ có những khu vực được bỏ phiếu sớm. Những khu vực đầu tiên bỏ phiếu sớm đã diễn ra từ ngày 25-2, với khoảng 2 triệu người đã tham gia.
Hoạt động bỏ phiếu cũng được tiến hành ở Bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014 và tại các khu vực Nga mới tuyên bố sáp nhập trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Hơn 112 triệu người đủ điều kiện để đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, bao gồm 1,9 triệu người Nga ở nước ngoài, theo Hãng tin TASS của Nga.
Do sự phát triển của công nghệ hiện đại và một phần lo ngại các nguy cơ mất an ninh, các công dân Nga có thể bỏ phiếu trực tuyến mà không cần đến địa điểm đặt hòm phiếu. Cử tri tại 29 vùng lãnh thổ cấu thành của Liên bang Nga có thể thực hiện quyền công dân của mình trên máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh trên cổng Internet đặc biệt của Ủy ban Bầu cử trung ương.
Cuộc bầu cử năm nay là màn chạy đua giữa 4 ứng cử viên gồm ông Vladislav Davankov của Đảng Những con người mới, ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), và đương kim Tổng thống Vladimir Putin - người ứng cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Tình hình chính trị - kinh tế xã hội trong nước cùng những biến động của tình hình quốc tế trong bối cảnh Nga đang phải chịu sức ép trừng phạt nặng nề từ phương Tây là những yếu tố tác động đến diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống lần này.
Trong 2 năm qua, Chính phủ Nga vẫn duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính, khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp theo chính sách trọng cung để qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng. Với tỷ lệ tăng trưởng 3,6%, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 đã vượt qua các thành viên thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7). Còn theo Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế, tính đến cuối năm 2022, GDP của Nga đã vượt qua Đức, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ 5 trên thế giới.
Việc một số lượng lớn các công ty phương Tây rút khỏi Nga lại khiến các doanh nghiệp Nga tìm được chỗ đứng mới, thể hiện được năng lực cạnh tranh, có thể thay thế doanh nghiệp nước ngoài trong một số ngành và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Các nhà sản xuất Nga hiện cảm thấy tự tin hơn, chiếm lĩnh được thị trường nội địa, đảo chiều đà suy giảm năm 2022. Nền kinh tế Nga đã mạnh hơn rất nhiều so với hai năm trước và “tháo ngòi nhiều quả bom hẹn giờ” của phương Tây.
Tiếng nói và ảnh hưởng của nước Nga vẫn có thể cảm nhận rõ trên diễn đàn các tổ chức quốc tế mà Nga tham gia với tư cách thành viên chủ chốt như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), trong khi vai trò của các tổ chức này không ngừng tăng lên.
Ông Vladimir Putin đang chiếm ưu thế
Những kết quả trên giúp Tổng thống Putin nhận được sự ủng hộ cao ở trong nước. Báo cáo mới nhất công bố hôm 12-3 của Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga nêu rõ: “Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin có thể nhận được 82% số phiếu bầu”. Ông Putin đã 4 lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Nga. Năm 2000, ông đắc cử khi nhận được 52,94% phiếu bầu; năm 2004 ông đắc cử với 71,31% số phiếu; năm 2012 con số này thấp hơn một chút - 63,60% và năm 2018 là kỷ lục với 76,69% số phiếu bầu.
Theo Hiến pháp trước đây, ông Vladimir Putin sẽ rời ghế Tổng thống sau khi nhiệm kỳ liên tiếp thứ hai của ông kết thúc vào năm 2024. Tuy nhiên, những sửa đổi Hiến pháp được người dân Nga tán thành trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái cho phép ông tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ, với mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Những sửa đổi này đã được Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) thông qua cuối tháng 3-2021.
Nếu chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sắp tới như các dự báo mới nhất, ông Putin, 71 tuổi, sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga nhiệm kỳ thứ 5. Sau đó, nếu đủ sức khỏe cùng các điều kiện khác, ông có thể chạy đua vào ghế lãnh đạo Điện Kremlin lần nữa vào năm 2030, trong trường hợp tái đắc cử, ông sẽ cầm quyền đến năm 2036, lúc 83 tuổi.
Trong bối cảnh ông Putin đang chiếm ưu thế, dư luận bắt đầu quan tâm đến chính sách đối nội và đối ngoại của ông với nước Nga trong tương lai. Hai tuần trước cuộc bầu cử, trong Thông điệp liên bang thường niên, ông Putin đã đưa ra những cam kết đầy tham vọng trong vòng 6 năm tới đối với các lĩnh vực xã hội, kinh tế, phát triển và kinh doanh khu vực. Đây được coi là cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo này và đường hướng phát triển nước Nga trong những năm tới.
Hàng loạt dự án trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học cũng như phát triển con người, cùng các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đã được công bố trong kế hoạch của ông Putin. Một trong những điểm đáng chú ý ở đây là định hướng tập trung phát triển công nghệ, bao gồm cả công nghệ quân sự - quốc phòng và công nghệ dân dụng - dân sinh. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu làm chủ công nghệ để xác định chủ quyền về công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực được coi là yếu tố quyết định tương lai của nước Nga. Trong đó, gia đình được xác định là nền tảng, tuổi trẻ và sự năng động là động lực, tuổi thọ là cần thiết, còn các giá trị truyền thống là bệ đỡ.
Tổng thống Putin cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ cho những người dân có thu nhập thấp và tật nguyền, các gia đình đông con và gia đình có trẻ em, đồng thời phân bổ 1.000 tỷ ruble để hiện đại hóa hệ thống y tế. Mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 19.000 ruble hiện nay (khoảng 207 USD) lên 35.000 ruble (hơn 380 USD) vào năm 2030. Ông cũng đề cập đến dự án quốc gia “Sống thọ và năng động” đồng thời đặt ra nhiệm vụ tuổi thọ trung bình ở Nga đến năm 2030 phải ít nhất là 78 và sau đó là hơn 80 tuổi.
Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương, kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ được công bố vào sáng 18-3. Ủy ban sẽ bắt đầu công bố các kết quả đầu tiên từ 21h ngày 17-3 (tức 1h ngày 18-3 theo giờ Hà Nội).