Thế giới quy định thế nào về đèn vàng?

Đèn vàng là quá trình chuyển đổi từ đèn xanh sang đèn đỏ, có ý nghĩa cảnh báo các lái xe rằng đèn đỏ sẽ xuất hiện.

Đèn vàng là đèn chuyển tiếp từ xanh sang đỏ, tức từ trạng thái di chuyển sang trạng thái đứng yên nhằm dành thời gian cho các phương tiện chuẩn bị, tránh xung đột giao thông và gây tai nạn bất ngờ.

Theo đó, khi thấy đèn vàng, các lái xe cần dừng lại nếu an toàn. Nếu đã qua vạch, cần quan sát cẩn thận khi qua giao cắt. Điều này cũng có nghĩa không có luật cấm tuyệt đối các phương tiện vượt đèn vàng. Thay vào đó, nhiều yếu tố thực tiễn khác nhau được cân nhắc trong trường hợp này, đặc biệt nếu xảy ra va chạm.

Những yếu tố này gồm khoảng cách đến đèn và sự xuất hiện của các phương tiện khác xung quanh. Điều này có nghĩa rằng dù không phạm luật nhưng việc vượt đèn vàng cần đến sự cân nhắc cẩn thận tùy hoàn cảnh. Do việc vượt đèn vàng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Hầu hết các nước phát triển đều có quy định về đèn vàng giống Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Hầu hết các nước phát triển đều có quy định về đèn vàng giống Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Theo quy định ở Mỹ, với xe không kịp dừng đèn vàng vì đã chạy quá vạch kẻ, các tài xế cần đảm bảo phương tiện đi thoát khỏi điểm giao cắt trước khi đèn đỏ sáng. Trong trường hợp phương tiện vượt đèn vàng và vẫn ở trong phạm vi điểm giao cắt khi đèn đỏ sáng, tài xế sẽ bị phạt do vi phạm quy định cấm vượt đèn đỏ, với mức phạt như ở Texas là khoảng 75 - 200 USD.

Ở Australia, các bang đều có quy định tương tự nhau về đèn vàng. Ví như Queensland, trang web của chính quyền bang này giải thích rõ ràng về điều kiện di chuyển cho các phương tiện khi đèn chuyển xanh - vàng - đỏ. Theo đó, điểm quan trọng nhất mà tài xế cần hiểu là "đèn vàng không phải điểm cuối của đèn xanh, mà là điểm bắt đầu của đèn đỏ".

Vì là điểm bắt đầu của đèn đỏ, nên đương nhiên tài xế khi nhìn thấy đèn vàng phải chủ động dừng lại. Tuy nhiên, vì tính chất đặc biệt của khoảng thời gian chuyển tiếp xanh-đỏ mà có ngoại lệ. Đó là nếu cảm thấy dừng xe mất an toàn cho các phương tiện phía sau thì tài xế được quyền chạy tiếp qua đèn vàng.

Trường hợp "mất an toàn" được lấy ví dụ cho một trường hợp cụ thể là chạy tới quá gần vạch dừng xe thì bất ngờ đèn chuyển xanh sang vàng, áp dụng cho cả trường hợp chạy thẳng hoặc chuyển hướng tại nơi giao nhau.

Tại Nhật và nhiều nước châu Âu cũng có quy định giống Australia và Mỹ, đèn vàng phải dừng, nhưng nếu dừng mất an toàn thì được đi.

Riêng ở Đức có một điểm đặc biệt. Đèn vàng không chỉ là sự chuyển đổi giữa đèn xanh sang đèn đỏ mà cả ngược lại. Cụ thể, trong 1, 2 hoặc 3 giây cuối cùng của quy trình đèn đỏ, đèn vàng sẽ sang và cùng tắt trước khi đèn xanh sáng.

Bước đệm đặc biệt này giúp các tài xế lái xe số sàn có thời gian chuyển số, hoặc với các xe sắp đến gần đèn tín hiệu, tài xế không cần phải phanh để dừng hẳn vì ngay sau đó là đèn xanh. Ở Đức, cũng giống nhiều nơi khác, đèn giao thông không hiển thị thời gian nên các tài xế không thể biết còn bao lâu đèn sẽ chuyển màu.

Như vậy luật pháp hầu hết các nước có nền công nghiệp ô tô và hệ thống giao thông phát triển có cách quy định về đèn vàng giống Việt Nam. Điểm quan trọng nhất tài xế cần nhớ là sẵn sàng dừng xe khi thấy đèn vàng cũng như đèn đỏ, chỉ trừ những trường hợp đã tới sát vạch hoặc vừa qua vạch dừng thì nên đi tiếp, dừng lại sẽ nguy hiểm.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/the-gioi-quy-dinh-the-nao-ve-den-vang-ar878894.html